Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: "Cách mạng 4.0 là cơ hội nghìn năm có một với nước ta"
Nguyễn Tuyền (Dân trí) - 17/02/2018 13:23
 
Đồng hành cùng Chính phủ trong năm 2017 đầy gian khó, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng đã có chia sẻ với báo giới nhiều tâm sự, trăn trở, lo toan của một năm qua đi cũng như những dự định, kỳ vọng của năm mới đang đến.

Vài chia sẻ của Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng về kinh tế Việt Nam năm 2018 và những câu chuyện, bài học từ một năm đã qua đi.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng

Năm 2018, Việt Nam có nhiều thời cơ để phát triển từ hội nhập, mở cửa và Cách mạng 4.0 và từ động lực của đất nước, con người Việt Nam, theo ông, chúng ta nên tận dụng và nắm lấy cơ hội từ điều gì?

Nếu được chọn khẩu hiệu cho năm 2018, tôi muốn dùng mấy chữ nắm lấy thời cơ, tranh thủ thời cơ. Tôi đã ý thức được năm 2018 là năm chúng ta cần phải tập trung, cần phải tăng tốc, cần phải đạt được những kết quả cao hơn nữa.

Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 (Cách mạng 4.0) là thời cơ ngàn năm có một đối với nước ta, bởi với các cuộc cách mạng khác, chúng ta đã chậm quá nhiều so với các nước. Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 không phải mới nhưng cũng chưa phải là quá gấp gáp, nó cho phép chúng ta chậm từ 2 đến 3 năm.

Trong 2 đến 3 năm đấy là thời gian để chúng ta tiếp cận và tận dụng nó để thu hẹp khoảng cách phát triển. Lần này nếu chúng ta không nắm được cơ hội như vậy, chúng ta sẽ tụt hậu ngày càng xa; khả năng rút ngắn khoảng cách với các nước phát triển ngày càng khó khăn hơn.

Thời cơ tốt như vậy, chúng ta phải cùng nhau nỗ lực, phấn đấu với một tinh thần chung tay, đồng lòng để góp phần tạo ra kết quả to lớn hơn nữa trong năm 2018.

Theo ông năm 2018 và những năm tiếp theo Việt Nam sẽ đứng trước cơ hội và thách thức nào để phát triển và vươn lên trở thành các nền kinh tế thịnh vượng?

Việt Nam còn đối mặt với nhiều thách thức; thứ nhất, tình hình kinh tế thế giới diễn biến phức tạp, chủ nghĩa bảo hộ quay trở lại; khó khăn nội tại của nền kinh tế còn ở chỗ chúng ta còn phải mất thời gian và công sức rất nhiều để cải cách nền kinh tế.

Một áp lực mới luôn đặt ra cho Việt Nam là nguy cơ đất nước tụt hậu khi hội nhập, khó vượt qua bẫy thu nhập trung bình, phát triển chậm lại. Việc phấn đấu trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại những năm 2020 bị đe doạ. Ngoài ra, Việt Nam còn đối mặt với khó khăn từ biến đối khí hậu, đói nghèo, thu nhập bình quân đầu người thấp, cuộc cách mạng Công nghệ 4.0 kéo giãn khoảng cách giữa Việt Nam với các nước phát triển...

Tuy nhiên thách thức lớn nhất là chúng ta đang và sẽ phải đối mặt là tái cơ cấu nền kinh tế, thực hiện 3 đột phá chiến lược còn chậm chưa đạt được nhiều. Nhưng tôi nhìn thấy thuận lợi lớn năm 2018 đó ở đà tích cực của nền kinh tế năm 2017 đang còn tiếp diễn và kéo dài sang năm 2018.

Năm 2018, Bộ KH&ĐT sẽ tiếp tục cải cách thể chế mạnh mẽ, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút nguồn lực bên trong và bên ngoài phát triển kinh tế xã hội?

Nguồn lực từ dân cư, xã hội, đầu tư nước ngoài là hết sức cần thiết. Chúng ta cũng đã và đang chuyển hướng quản lý Nhà nước sang hướng kiến tạo, môi trường kinh tế vĩ mô ổn định, môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, hấp dẫn, tạo niềm tin cho cộng đồng DN, phát triển sản xuất, kinh doanh.

Coi nguồn lực Nhà nước mang tính dẫn dắt, định hướng, còn nguồn vốn trong dân cư, xã hội chủ yếu. Nguồn vốn đầu tư nước ngoài là nguồn vốn bổ sung quan trọng.

Trong những năm qua, có những ý kiến băn khoăn, quan ngại về việc FDI đang chiếm tỷ tọng lớn trong nền kinh tế, trong xuất nhập khẩu chiếm gần 70%, ảnh hưởng tới mục tiêu muốn xây dựng nền kinh tế tự chủ, theo tôi cần nhìn nhận khách quan và toàn diện. Cần phát huy hiện quả nguồn lực trong nước và nguồn lực nước ngoài, do đó không nên quá định kiến về khu vực FDI.

Muốn thu hẹp khoảng cách FDI và trong nước, không thể kìm hãm DN nước phát triển mà cần có chính sách hỗ trợ họ phát triển nhanh hơn, mạnh mẽ tiệm cận với nhau, tận dụng, bổ sung cho nhau để cùng tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Đó mới là nguồn lực để đảm bảo cho phát triển nhanh và bền vững của đất nước. Thủ tướng yêu cầu sau khi khởi động, tăng tốc nhanh, không giữ tâm thế đủng đỉnh.

Nhắc lại năm cũ 2017, là người đứng đầu Bộ KH&ĐT, cơ quan tham mưu cho Chính phủ, xin Bộ trưởng cho biết cảm xúc của mình sau khi đồng hành cùng Chính phủ vượt qua sức ép, áp lực để dạt dược mục tiêu đề ra?

Trước hết là căng thẳng lo lắng khi kết quả tăng trưởng GDP quý I và quý II thấp ảnh hưởng tới khả năng hoàn thành nhiệm vụ cả năm, tác động tới kế hoạch 5 năm và 10 năm.

Khi ấy, sức ép, áp lực, lo lắng diễn ra từ nhiều khía cạnh khác nhau: Khả năng, thực lực của nền kinh tế, khả năng điều hành, khả năng đạt được kết quả như vậy của Chính phủ để đạt được kết quả.

Giai đoạn thứ hai, rất hồi hộp. Chính tôi theo dõi bám sát diễn biến tình hình thế giới, trong nước, thực hiện giải pháp của các bộ ngành, địa phương. Chính phủ lần đầu tiên yêu cầu xây dựng 3 kịch bản, bám sát thực tế, có chỉ đạo điều hành cụ thể rõ ràng cho từng ngành.

Kết quả được công bố, tất cả cảm thấy hào hứng, 13 chỉ tiêu đều đạt và vượt ở tất cả lĩnh vực khác nhau. Các chủ trương chính sách của nhà nước dần dần đi vào cuộc sống, chuyển biến kinh tế rõ nét, phấn khởi cho toàn bộ người dân và cộng đồng DN.

Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!

Việt Nam với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0: Buông bỏ hào quang cũ
Việt Nam đang và sẽ ở đâu trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0? Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đặt đầu bài này cho Chính phủ và từng...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư