Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 26 tháng 04 năm 2024,
CEO Phongee Color Mai Phú Phong: Từ bán dạo công nghệ đến sáng tạo
Công Sang - 25/10/2015 08:48
 
Từ người “bán dạo công nghệ”, sau hơn 6 năm, CEO Mai Phú Phong của PhonGee Color đã ghi dấu ấn với mẫu tai nghe thiết kế GeeAudio.

Giải mã GeeAudio

Mới đây, GeeAudio, môt dự án sản xuất tai nghe dành cho smartphone do đơn vị chủ quản chuỗi cửa hàng PhonGee Color đầu tư, bắt đầu cho khách hàng đặt hàng trực tuyến với mức giá 990.000 đồng/sản phẩm. Trong 2 tuần,  4.000 mẫu được bán, bao gồm cả đặt hàng trực tuyến, mua hàng trực tiếp và đơn hàng phân phối cho các đối tác bán lẻ, đem về cho Gee Audio gần 4 tỷ đồng doanh thu. Điều thú vị là GeeAudio gần như không tốn chi phí cho quảng cáo, tiếp thị.

GeeAudio là dự án do ông Mai Phú Phong, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thương mại dịch vụ Nhất Phong, đơn vị chủ quản PhonGee Color và những người bạn khởi xướng cách đây 4 năm. Một trong số những người bạn là nhạc sĩ Việt kiều Dương Khắc Linh.

Ông Mai Phú Phong, CEO PhonGee Color
Ông Mai Phú Phong, CEO PhonGee Color

Ông Phong và những người bạn vốn là tín đồ của công nghệ, đã có 6 năm kinh doanh các thiết bị tai nghe của nước ngoài. Việc “độ” đồ công nghệ”, kiểu “râu ông nọ cắm cằm bà kia” là một thú chơi, nên ông Phong kể, việc tìm ra điểm mạnh, điểm yếu của các mẫu tai nghe là sở thích của dân chơi công nghệ.

Có lần, nghe nói ông tháo rời từng bộ phận của 100 tai nghe, rồi ráp chúng lại với nhau, để xem mẫu tai nghe kết hợp toàn điểm mạnh thì thế nào.

“Làm thế mới biết, mấu chốt quyết định chất lượng tai nghe tốt về mặt truyền âm là dây cáp. Đa phần nhà sản xuất dùng dây nhựa lõi đồng hoặc hợp kim để giảm chi phí, số sử dụng kỹ thuật đồng phủ bạc và bọc nhựa loại cao cấp có nhưng ít vì giá thành cao. Có mấy ai bỏ tới 6 triệu đồng/tai nghe không, kể cả dân chơi công nghệ, dù họ rất mê. Tôi nghĩ, có thể là cơ hội của mình”, ông Phong kể lý do có GeeAudio.

Trong vòng 4 năm, ông Phong và nhạc sỹ Dương Khắc Linh lọ mọ nghiên cứu, thiết kế mẫu mới với hơn 70 mẫu được đưa ra, cuối cùng một mẫu là bản thương mại hiện nay được chọn.

Trước khi GeeAudio ra mắt, thị trường đã có nhóm Joinhandmade của ông Trần Mạnh Hùng với mẫu tai nghe Jelly Ear làm thủ công. Ông Phong cho biết, GeeAudio không chọn con đường như Joinhandmade, vì nếu vậy, không thể sản xuất số lượng lớn, sẽ khó đạt mục tiêu giá cả cạnh tranh cho người chơi.

“Chúng tôi cũng phải tính tới tâm lý sính ngoại của khách hàng, nhất là với sản phẩm công nghệ. Nếu GeeAudio mới xuất hiện mà giá không hợp lý thì khả năng thất bại là cao”, ông Phong chia sẻ lý do quyết định chọn hình thức sản xuất công nghiệp. Hiện, sản phẩm GeeAudio được gia công ở Singapore dựa trên yêu cầu từ  phía Công ty. Bao bì, hộp đựng cầu kỳ cũng là khoản đầu tư khá lớn vì “dân công nghệ mê cả vỏ đẹp”.

Nhưng ông Phong thừa nhận, sự thành công của GeeAudio phải nhắc tới cách tiếp thị bằng những chia sẻ trên mạng xã hội Facebook từ chính các thành viên sáng lập. “Chiến dịch bước đầu thành công là nhờ uy tín của các thành viên”, ông Phong nói.

Vậy độ lớn của thị trường tai nghe như thế nào? Ông Phong ước tính, cứ 10 người sử dụng smartphone, sẽ có 2 người là khách hàng của ông. Theo dự báo của Hãng Nghiên cứu thị trường IDC Việt Nam hồi quý I/2015, năm nay, Việt Nam sẽ tiêu thụ hơn 14 triệu chiếc smartphone. Như vậy, sẽ có gần 3 triệu người là khách hàng tiềm năng của GeeAudio.

“Nhưng GeeAudio hiện chưa khai thác được 1% thị trường”, ông Phong nói.

Chuyện của CEO PhonGee Color

Sinh năm 1984, tốt nghiệp Trường Kinh tế - Đối Ngoại TP.HCM, hệ cao đẳng năm 2006. Ông Phong có 2 năm làm việc tại Sacombank với các vị trí nhân viên thanh toán quốc tế, chuyên viên quản trị hệ thống, trưởng nhóm quản trị hệ thống thông tin.

Nhưng ông Phong kể, khi ấy muốn kinh doanh cái gì đó nên quyết định rời ngân hàng, nhưng lại không biết bắt đầu từ đâu. Tình cờ, một đồng nghiệp cũ nhờ tư vấn và tìm mua mẫu laptop vì biết ông am hiểu về lĩnh vực này.

“Lúc đó, tôi bắt đầu kinh doanh bằng việc “bán dạo” hàng công nghệ. Lấy hàng bán lại, hưởng chênh lệnh, nhưng lấy uy tín và công làm lời”, ông Phong kể những ngày đầu khởi nghiệp.

Năm 2008 cũng là năm Apple ra mẫu iPhone đầu tiên, tuy nhiên vào thời điểm đó, thông tin về Apple tại Việt Nam không phổ biến như bây giờ vì mạng xã hội Facebook chưa hoạt động mạnh. Nguồn hàng cũng thiếu. Nhờ uy tín trong “bán dạo”, nhiều người tìm đến Phong nhờ mua iPhone. Cứ mỗi cái iPhone bán ra, ông lời từ 50.000 đến 100.000 đồng tiền dịch vụ. Ngày cao điểm, ông giao cả trăm chiếc.

Ông kể, có lần 9 giờ tối, đang ở Biên Hòa, một khách hàng là doanh nhân từ TP.HCM gọi điện cần mua mẫu MacBook trị giá 50 triệu đồng giao lúc 12 giờ đêm ở sân bay. Vị khách này sắp đi công tác nước ngoài, máy lại hư và qua bạn bè, họ giới thiệu ông Phong vì có uy tín.

Ông Phong nhận lời, đúng 12 giờ ông đứng trước sân bay đợi vị khách. Điện thoại liên lạc không gọi được, khoảng 15 phút sau, vị khách từ phòng đợi sân bay đi ra thanh toán tiền. Sau này, vị khách này là một trong những khách hàng thân thiết của Phong.

“Lúc đó rất run. Máy đã kích hoạt tài khoản với Apple rồi đâu có trả lại được. Hôm đó khách mà không xuất hiện thì thật tình là không biết tháng đó sẽ như thế nào”, ông Phong cười và nói.

Giữa năm 2009, ông Phong mở cửa hàng đầu tiên, chuyên kinh doanh đồ của Apple, lấy tên là PhonGee. Nhờ uy tín sau một năm “bán dạo”, tháng đầu tiên cửa hàng có lời hơn 100 triệu đồng. Nhận thấy tiềm năng của thị trường, ông Phong tìm cách nhân rộng mô hình PhonGee bằng cách gọi vốn đầu tư. Lần đó, ông nhận được 1 triệu USD.

Tính đến năm 2011, PhonGee có 7 cửa hàng ở TP.HCM, trung bình doanh thu mỗi cửa hàng là 6 tỷ đồng/tháng. Tổng tài sản PhonGee được định giá khoảng 30 tỷ đồng lúc bấy giờ.

Tuy nhiên, mâu thuẫn trong gia đình khiến ông Phong chểnh mảng việc kinh doanh. Giai đoạn cuối năm 2011 đến cuối năm 2012 là thời điểm không thuận lợi với PhonGee, việc quản lý lỏng lẻo khiến tiền nợ đối tác của công ty lên đến 10 tỷ đồng. Đỉnh điểm là đầu năm 2013, ông Phong bị HĐQT sa thải.

Không lâu sau đó, cha ông Phong qua đời. Việc mất đi người mình kính trọng nhất đã thôi thúc ông Phong đứng dậy và quay trở lại công việc. Tháng 9/2013, ông được chấp nhận trở lại điều hành PhonGee với điều kiện phải trả món nợ trước đó. Từ 7 cửa hàng PhonGee giảm xuống còn ba, đổi tên thương hiệu thành PhonGee Color.

Song song, Công ty đưa ra các dịch vụ bảo hành hấp dẫn để thu hút khách hàng như mua máy tính Apple ở PhonGee Color bảo hàng 18 tháng, Apple bảo hàng 12 tháng, 6 tháng còn lại, Công ty trả phí sửa chữa từ Apple cho khách hàng; đổi  iPhone 5, 6 cũ đã mua ở PhonGee Color bù tối đa 8 triệu đồng để lấy mẫu mới…

Theo ông Phong, rất may mắn là trong thời gian ông rời khỏi Công ty, doanh thu vẫn tốt, chỉ sai sót trong việc quản lý thu chi, nói chung là các vấn đề nội bộ nên sau khi siết chặt quản lý, việc trả nợ cũng dễ thở hơn. Hiện, Công ty đã trả hơn 70% số nợ cũ.

Khát vọng hàng công nghệ của doanh nghiệp Việt

“GeeAudio là một dự án hoàn toàn độc lập với PhonGee Color”, ông Phong nói rõ khi kể tiếp chuyện về GeeAudio. Ông Phong, cho biết đợt đặt hàng lần thứ hai vào đầu tháng 10, với số lượng khoảng 8.000 chiếc, tăng gấp đôi so với đợt một.

Cũng mới đây, Công ty đã hoàn thành việc ký kết hợp tác với Guvera, ứng dụng nghe nhạc hợp pháp của Australia. Theo đó, mỗi khách hàng khi mua GeeAudio sẽ được tặng mã sử dụng miễn phí một tháng của ứng dụng này, giúp truy cập vào các sản phẩm âm nhạc độc quyền trong và ngoài nước trên đây. Được biết, phí sử dụng của Guvera là 35 USD/năm.

Tới đây, khoảng tháng 12/2015, Công ty dự kiến sẽ đưa ra thị trường một phiên bản tai nghe đặc biệt dành cho mùa Giáng Sinh. Ông Phong quảng cáo, phiên bản này sẽ được “điều chỉnh” để nghe hay hơn vào mùa lạnh nhất trong năm. “Chúng tôi chưa muốn nói đến giá và đây cũng là sản phẩm có số lượng bán ra thị trường hạn chế”, ông tiết lộ.

Hiện tại, GeeAudio đang xúc tiến việc Việt hóa toàn bộ các dòng tai nghe. Mặc dù các sản phẩm GeeAudio  đã được đăng ký bảo hộ bản quyền bao bì và bảo hộ thương hiệu ở thị trường Việt Nam, nhưng ông Phong cho biết, các mẫu này vẫn sử dụng thiết kế có trả phí của các nhà sản xuất gốc, công ty chỉ mới can thiệp vào phần chất âm phát ra.

“Trong năm sau, GeeAudio sẽ can thiệp vào cả phần thiết kế”, ông Phong lên kế hoạch.

Dù còn quá sớm để đánh giá khả năng thành hay bại của GeeAudio, nhưng có vẻ người sáng lập ra nó đang rất hài lòng khi sau nhiều biến cố, dự án vẫn đang được sự ủng hộ và chung sức của nhiều người.

“Với GeeAudio, tôi may mắn tập hợp được đội ngũ những người giỏi và đầy đam mê”, ông Phong chia sẻ.

Cuộc chiến của bông cúc nhỏ
Với sự cứng rắn, quyết đoán và không ngại “cãi nhau” với chuyên gia Nhật Bản, bà Lê Thị Thanh Phương đã khiến nhiều đối tác Nhật thay...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư