Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 02 tháng 01 năm 2025,
Doanh nhân Ngô Khánh Huy: Khẳng định giá trị của sen Tháp Mười
Hoài Sương - 21/04/2024 14:26
 
Tình yêu với sản vật địa phương đã thôi thúc anh Ngô Khánh Huy từ bỏ công việc bàn giấy, tìm con đường nâng giá trị gia tăng cho các sản phẩm từ sen của vùng Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp.
doanh nhân Ngô Khánh Huy, CEO Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Khánh Thu
Doanh nhân Ngô Khánh Huy, CEO Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Khánh Thu.

Từ khởi nghiệp tới chuyên nghiệp

Bước sang tháng Tư này, CEO Ngô Khánh Huy và đội ngũ nhân sự của Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Khánh Thu (Công ty Khánh Thu) bận rộn hơn với dự án mới. Công ty đang triển khai kế hoạch hợp tác với các nhà đầu tư tại Canada để xây dựng thêm nhà máy mới, mở rộng vùng trồng… đáp ứng tiêu chuẩn xanh, sạch và hướng đến phát triển bền vững. Anh Huy quyết tâm đưa sản vật của thủ phủ sen hồng vươn ra biển lớn. Sau hơn 7 năm khởi nghiệp, anh muốn Khánh Thu tiến đến chuyên nghiệp.

“Chúng tôi sẽ tiến đến hợp tác theo hình thức cổ phần hóa. Nhà đầu tư sẽ xây dựng thêm 2 hệ thống nhà máy mới, với mức đầu tư khoảng 50 tỷ đồng cho diện tích đất gần 10.000 m2”, anh Huy tiết lộ.

Lý do hợp tác, theo chia sẻ của anh Huy, là để doanh nghiệp không bị loại khỏi “cuộc chơi” toàn cầu. Các thị trường nhập khẩu đặt ra những yêu cầu, tiêu chuẩn ngày càng cao, bởi vậy, doanh nghiệp phải thay đổi tư duy, cách làm, quan tâm hơn đến các tiêu chuẩn, “tính xanh” trong thương mại quốc tế.

Mỗi người đóng góp một “mảnh ghép”

Vì sao anh lựa chọn khởi nghiệp với sen?
Tôi muốn đem những gì được học về phục vụ bà con nông dân tại quê hương, để bà con có thể thay đổi cách nhìn, hạn chế bán thô và tiến tới chế biến để nâng cao giá trị. Dù chưa đóng góp được nhiều, nhưng tôi rất mong có nhiều bạn trẻ khởi nghiệp như mình, mỗi người sẽ đóng góp một mảnh ghép để tạo ra bức tranh sống động, góp phần nâng tầm nông sản Việt.

Vậy anh có kinh nghiệm gì muốn chia sẻ với các start-up trong ngành nông nghiệp?
Theo tôi, nên tập trung đầu tư vào khâu bảo quản nông sản sau thu hoạch, vì chúng ta đang rất yếu ở khâu này. Ở Thái Lan, Đài Loan (Trung Quốc)…, ngành nông nghiệp phát triển được là nhờ làm tốt quy trình bảo quản nông sản. Vì vậy, Khánh Thu đầu tư kho lạnh khoảng 20 tấn để trữ nông sản sau thu hoạch cũng như sản phẩm sau sản xuất, tránh phụ thuộc vào mùa vụ và giá cả thị trường.

Kế hoạch của Khánh Thu trong năm 2024?
Bên cạnh việc hợp tác với các nhà đầu tư Canada, trong năm nay, Khánh Thu sẽ nâng cấp, đáp ứng các tiêu chuẩn của thị trường
và tiến tới xuất khẩu sang Mỹ, Canada, Nhật Bản, Đài Loan,
Hàn Quốc… với mong muốn duy nhất là đưa sen Việt đến nhiều
thị trường hơn, giúp bà con nông dân nhiều hơn.

Đáp ứng được các tiêu chuẩn để xuất khẩu sản phẩm sang châu Âu, Mỹ và các thị trường lớn là điều mà rất nhiều doanh nghiệp muốn hướng đến, nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng thực hiện được. Là một start-up, một doanh nghiệp địa phương, Công ty Khánh Thu gặp không ít thách thức trong việc đáp ứng các tiêu chuẩn mới.

Anh Huy chia sẻ, giai đoạn mới thành lập, Khánh Thu chỉ đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, sau đó đạt chứng nhận HACCP, ISO 9001… Thời gian qua, Công ty nỗ lực để đạt được chứng nhận ISO 22000, Halal (phục vụ thị trường các nước Hồi giáo), các tiêu chí ESG (môi trường, xã hội và quản trị)… 

“Chúng tôi rất muốn đáp ứng được các tiêu chuẩn ngày càng cao của thị trường, nhưng nguồn lực còn hạn chế và chưa được hướng dẫn cụ thể. Các nhà đầu tư Canada đáp ứng được mong muốn của doanh nghiệp khi có thể đầu tư về công nghệ, hỗ trợ doanh nghiệp đáp ứng các tiêu chuẩn vùng trồng, xây dựng nhà máy mới và có hệ thống bán hàng tại các siêu thị, cửa hàng ở châu Âu, Mỹ”, CEO Ngô Khánh Huy nói.

Tăng giá trị, nâng tầm nông sản

Ngô Khánh Huy từng có công việc mà rất nhiều bạn trẻ mơ ước tại một doanh nghiệp dược có tiếng, trước khi quyết định chuyển sang làm trà lá sen, với mong muốn xây dựng một thương hiệu sen riêng tại quê hương Tháp Mười.

“Năm 2015, tôi được một người bạn tặng túi trà lá sen mang về từ Nhật Bản và khá sốc khi nhìn thấy giá niêm yết trên bao bì sản phẩm. Mức giá đó cao gấp nhiều lần so với các sản phẩm từ sen ở quê nhà”, anh Huy kể. Sau đó, có cơ hội tham gia một số hội chợ, anh càng chắc chắn rằng, các sản phẩm từ sen của quê hương có rất nhiều tiềm năng để nâng cao giá trị.

Năm 2016, Ngô Khánh Huy quyết định thành lập Công ty Khánh Thu, bắt đầu hành trình khởi nghiệp. Sau một thời gian nghiên cứu, hoàn thiện sản phẩm cả về chất lượng và mẫu mã bao bì, năm 2017, Công ty chính thức giới thiệu sản phẩm trà lá sen mang tên Hà Diệp Liên ra thị trường. Với chức năng giảm mỡ máu, hỗ trợ giảm cân…, sản phẩm trà lá sen Hà Diệp Liên được phân phối tại nhiều hệ thống nhà thuốc và được người tiêu dùng đón nhận.

Khởi nghiệp “tay ngang”, nên anh Huy dành rất nhiều thời gian để tìm hiểu, học hỏi thêm kiến thức. Có thời điểm, từ Đồng Tháp, anh lặn lội ra Bắc, rồi lên Thái Nguyên để học cách sấy trà. Trải qua mấy lần thất bại, phải bỏ đi 2 - 3 tấn lá sen, anh dần rút ra bài học kinh nghiệm và hoàn thiện quy trình sản xuất.

Đến nay, các sản phẩm từ sen của Công ty Khánh Thu đã xuất khẩu chính ngạch sang nhiều thị trường như Trung Quốc, Thái Lan, Lào, Campuchia, Đài Loan… Diện tích vùng trồng của doanh nghiệp tăng từ 5.000 m2 lên 45 ha.

“Về tài nguyên bản địa, vùng Tháp Mười đã được định danh là vùng trồng sen từ 10 - 15 năm trước. Tỉnh Đồng Tháp được biết đến rộng rãi là thủ phủ đất sen hồng với những cánh đồng sen bạt ngàn. Các sản phẩm chế biến sâu từ sen bắt đầu được phát triển nhiều hơn và gia tăng giá trị. Tôi nhìn thấy cơ hội và tiềm năng phía trước”, CEO Công ty Khánh Thu tự tin.

Mở rộng danh mục sản phẩm

Trong quá trình phát triển, Công ty Khánh Thu liên tục mở rộng danh mục sản phẩm. Đến nay, doanh nghiệp sở hữu 20 nhãn hiệu từ sen, như rượu sen, hạt sen tươi, hạt sen khô, trà hoa sen, trà lá sen, trà túi lọc, thực phẩm chức năng từ sen...

“Năm 2018, tôi chia sẻ với gia đình và đội ngũ cộng sự về kế hoạch phát triển thêm một sản phẩm tiện dụng là trà lá sen dạng lon. Thời điểm đó, thị trường nước uống trong nước đã phát triển, nhưng chưa có sản phẩm trà thảo dược dạng lon. Đây là cơ hội cho Công ty Khánh Thu”, anh Huy nhớ lại.

Khi ấy, mới hoạt động được gần 2 năm, nên với Khánh Thu, khoản kinh phí hơn 7 tỷ đồng để đầu tư dây chuyền sản xuất sản phẩm dạng lon là cả một vấn đề lớn. Các nhà đầu tư e dè trước kế hoạch của CEO, nhưng anh Huy đã thuyết phục họ bằng một bản kế hoạch chi tiết, bài bản, bao gồm thiết kế mẫu mã bao bì, bộ nhận dạng thương hiệu, phương án phát triển thị trường…

Tháng 12/2018, sản phẩm trà lá sen lon ra đời và lập tức giúp doanh thu của Công ty tăng gấp 6 lần. Sau 2 tháng, sản phẩm này có mặt tại 45 tỉnh, thành phố trên cả nước. Tiếp đó, Công ty Khánh Thu đẩy mạnh phát triển một số sản phẩm có giá trị gia tăng từ trà lá sen dạng lon, như trà lá sen ít đường, trà lá sen không đường và trà lá sen dành cho người tiểu đường… Đến tháng 2/2021, doanh nghiệp ghi nhận doanh thu tăng gấp 8 lần so với trước khi mở rộng sản phẩm.

Mọi việc đang thuận lợi, thì Covid-19 ập đến. Đối mặt với khó khăn, nhưng CEO Ngô Khánh Huy vẫn giữ tâm thế lạc quan. Anh tự tin đầu tư nhà máy, mở kênh phân phối, đầu tư một số hệ thống chuỗi… Tuy nhiên, đến tháng 6/2021, doanh thu của Công ty bắt đầu giảm dần. Trong gần 3 năm dịch bệnh, Khánh Thu thua lỗ gần 8 tỷ đồng. Sau đó, anh Huy phải nỗ lực tái cơ cấu, thu gọn mô hình và tập trung kinh doanh các dòng sản phẩm được người tiêu dùng lựa chọn.

“Giai đoạn dịch bệnh Covid-19 là một phép thử. Thời điểm đó, tôi rất tự tin, nhưng cũng đã rất vất vả để chèo lái doanh nghiệp và nhận được những bài học lớn. Hiện nay, doanh nghiệp hướng đến phát triển từng bước vững chắc, bán hàng đa kênh, không phụ thuộc vào một thị trường nhất định”, anh Huy chia sẻ.

Theo kế hoạch, trong năm nay, Khánh Thu sẽ cho ra mắt hàng loạt sản phẩm đón đầu xu thế, chú trọng mẫu mã, hình thức để gia tăng giá trị của sản phẩm ở cả thị trường trong và ngoài nước. Còn với Ngô Khánh Huy, anh luôn nhắc bản thân mình không được “ngủ quên” trên chiến thắng, mà sẽ không ngừng nỗ lực để đưa sản phẩm nông sản địa phương đến với người tiêu dùng nhiều hơn nữa.

Nguyễn Thị Lê Na, Nhà sáng lập EcoNations: “Hãy hỗ trợ nông dân, đừng tranh việc của họ”
Ứng dụng công nghệ, Nguyễn Thị Lê Na cùng đội ngũ EcoNations tạo ra “con đường tắt” kết nối nông dân với người tiêu dùng và hỗ trợ họ...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư