Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 28 tháng 03 năm 2024,
Cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968: Dấu son trên hành trình tiến tới Đại thắng mùa Xuân 1975
Cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 với sự bất ngờ, táo bạo và dũng mãnh đã làm cho ý chí xâm lược của Mỹ bị lung lay đến tận gốc rễ, mở ra giai đoạn mới, để ý chí, bản lĩnh Việt Nam đưa cả non sông tới ngày thống nhất.

Đòn đánh lung lay ý chí xâm lược của đế quốc

Vào những ngày Xuân Mậu Thân 1968 lịch sử, quân và dân ta đã mở một đòn tiến công bất ngờ, dũng mãnh, đồng loạt vào hậu phương và căn cứ đầu não của kẻ thù trong các đô thị trên khắp miền Nam, làm đảo lộn thế bố trí chiến lược của Mỹ trên chiến trường miền Nam Việt Nam, làm phá sản toàn bộ chiến lược chiến tranh cục bộ mà Mỹ đã thực thi từ đầu năm 1965. 

Quân Giải phóng miền Nam nhận cờ và mệnh lệnh chiến đấu trước giờ xuất kích. Ảnh: Tư Liệu
Quân Giải phóng miền Nam nhận cờ và mệnh lệnh chiến đấu trước giờ xuất kích. Ảnh: Tư Liệu

Để có được đòn đánh bất ngờ, tạo bước ngoặt quan trọng đó, Đảng ta đã phân tích, đánh giá nhiều điểm mạnh - yếu của đối phương một cách khoa học, có những tính toán cần thiết để lực lượng ta ở miền Nam, với 27 vạn người, đủ sức làm đảo lộn thế trận chiến tranh của đối phương. Kế hoạch tiến công của ta, vì thế, đã được Bộ Chính trị hoạch định từ rất sớm và rất kỹ lưỡng, với phương án hành động táo bạo, bất ngờ: đánh vào các cơ quan đầu não của Mỹ và Chính quyền Sài Gòn trong dịp Tết Nguyên đán.

Cũng phải thấy rằng, quá trình bàn bạc, xây dựng kế hoạch hành động và việc tổ chức, chuẩn bị lực lượng, chuẩn bị thế trận trên chiến trường miền Nam là một kỳ công lớn. Điều đặc biệt là hoạt động đó đã qua mắt mạng lưới tình báo nhà nghề của đối phương.

Chính vì thế, khi đòn tiến công mãnh liệt và rộng khắp nổ ra, đối phương đã bị bất ngờ cả về thời gian, không gian và phương hướng của Cuộc tổng tiến công. Chỉ trong vòng 24 giờ (từ rạng sáng ngày 30/1 đến rạng sáng ngày 1/2/1968, tức là đêm Giao thừa và đêm mùng Một Tết), các thành phố lớn miền Nam - nơi được coi là hậu phương vững chắc của Mỹ và Chính quyền Sài Gòn bỗng chốc biến thành chiến trường ác liệt. Ngay cả những vị trí được bố trí bảo vệ cẩn mật như Đại sứ quán Mỹ, Bộ Tổng Tham mưu Quân đội Việt Nam Cộng hoà, Đài Phát thanh Sài Gòn, nội thành Huế... cũng đều trở thành nơi đọ súng quyết liệt giữa quân ta với các lực lượng Mỹ và quân đội Ngụy quyền.

Sau này, trong cuốn sách “Một người lính tường trình”, xuất bản năm 1976, viên tướng W. Westmoreland - Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân Mỹ ở miền Nam Việt Nam lúc bấy giờ, đã nhắc lại sự bất ngờ khi “36 thành phố, thị xã của 44 tỉnh lỵ, 5 thành phố trong 6 thành phố tự trị, 64 trong số 242 quận lỵ và 50 ấp” bị quân ta tiến công trong những ngày Tết Mậu Thân. Cũng trong cuốn sách này, tướng Westmoreland nhìn nhận: “Chúng ta phải công nhận đối phương đã giáng cho Chính phủ Nam Việt Nam một cú đấm nặng nề”.

Trong những ngày quân và dân ta nổ súng tiến công vào các mục tiêu của Mỹ và Chính quyền Sài Gòn ngay giữa lòng Sài Gòn, cố đô Huế và nhiều thành phố lớn miền Nam, các hãng thông tấn, báo chí, nhất là của Mỹ, thông qua mạng lưới phóng viên của mình, đưa đến công chúng Mỹ và nhân dân nhiều nước trên thế giới những hình ảnh và tin tức nóng hổi. Những hình ảnh và tin tức sống động ấy đã thổi bùng lên ngọn lửa chống chiến tranh Việt Nam trong nhân dân Mỹ...

Kể từ Tết Mậu Thân 1968, các cuộc biểu tình phản đối chiến tranh Việt Nam, đòi rút quân Mỹ về nước diễn ra hàng ngày trên các đường phố, trước trụ sở của các cơ quan chính quyền và quân đội Mỹ. Những gì đang diễn ra trên chiến trường miền Nam và ngay giữa lòng nước Mỹ đã làm cho chính quyền Mỹ, đứng đầu là Tổng thống L.B. Johnson, thực sự choáng váng và bối rối.

Người đứng đầu Nhà Trắng đã có những đêm thức trắng vì tình hình “tồi tệ” trên chiến trường miền Nam. Ngay từ khi quân ta tiến hành đòn nghi binh chiến lược ở Khe Sanh (trước Tết Mậu Thân 10 ngày), Tổng thống Mỹ đã cho bố trí một “phòng tình hình” trong Nhà Trắng, với sơ đồ đắp nổi để theo dõi sát mọi diễn biến ở Khe Sanh. Vị Tổng thống này luôn mường tượng Khe Sanh giống như một “Điện Biên Phủ thứ hai” và buộc các tướng lĩnh phải cam kết không để mất Khe Sanh.

Sự suy sụp về ý chí được biểu hiện cụ thể vào ngày 31/3/1968 - tròn một tháng sau đợt tiến công Tết Mậu Thân của ta, Tổng thống Mỹ L.B. Johnson, đã phải tuyên bố trước nhân dân Mỹ và nhân dân thế giới việc Mỹ ngừng ném bom miền Bắc Việt Nam từ vĩ tuyến 20 trở ra, xem xét việc rút quân Mỹ khỏi miền Nam Việt Nam, xúc tiến đàm phán ngoại giao với Việt Nam và không ra tranh cử chức tổng thống nhiệm kỳ hai.

Tuyên bố của Tổng thống Mỹ chính là sự thừa nhận một thực tế, nước Mỹ đã không thể giành thắng lợi trong cuộc chiến tranh Việt Nam, ngay cả khi Mỹ đã đưa cuộc chiến tranh đó lên một nấc thang rất cao, với việc tham gia của hơn nửa triệu quân Mỹ và đồng minh của Mỹ, cùng hơn 70 vạn quân ngụy, kể cả việc Mỹ đã sử dụng không quân, hải quân đánh phá miền Bắc Việt Nam.

Điều này lý giải rõ ràng hơn vì sao Tổng thống và nhiều quan chức chính phủ Mỹ đã choáng váng trước đòn tiến công Tết Mậu Thân của ta vào các đô thị miền Nam. 

Bước ngoặt quan trọng tiến tới Đại thắng mùa Xuân 1975

Cuộc tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 đã tạo ra bước ngoặt có tính quyết định cho sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Cuộc tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 là viên gạch đặt nền tảng quan trọng trên con đường tiến tới Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Có thể nói, bên cạnh sự hiệp đồng tác chiến đáng khâm phục để một cuộc chiến trên quy mô rộng lớn, với trọng tâm ở ngay những đô thị có sự hiện diện của địch như Sài Gòn - Gia Định, Đà Nẵng, Huế mà ta vẫn giữ được yếu tố bất ngờ đến tận giờ nổ súng, khiến địch hoang mang, thì hơn hết, thành công của Cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 tại Sài Gòn - Gia Định chính là khả năng nắm bắt thời cơ, kịp thời đề ra chủ trương chiến lược đúng đắn, sáng tạo để tiến một bước quan trọng tới việc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Cần nhìn nhận bối cảnh khi đó để thấy sự nhạy bén của quyết định tổ chức cuộc tổng tiến công. Tại miền Nam Việt Nam, hai cuộc phản công chiến lược mùa khô 1965-1966 và 1966-1967 của Mỹ và chính quyền Sài Gòn không đạt mục tiêu đề ra và bị thiệt hại nặng nề. Ở miền Bắc, cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân của Đế quốc Mỹ hòng ngăn chặn sự chi viện của hậu phương lớn miền Bắc cho tiền tuyến lớn miền Nam, uy hiếp tinh thần kháng chiến của nhân dân ta cũng bị quân và dân ta đáp trả quyết liệt; nội bộ chính quyền Mỹ bị chia rẽ sâu sắc. Phong trào phản đối chiến tranh dâng cao khắp nước Mỹ... Đáng chú ý, năm 1968 là năm bầu cử Tổng thống Mỹ - thời điểm rất nhạy cảm về chính trị đối với người đứng đầu Nhà trắng, nhất là với những quyết sách liên quan đến cuộc chiến mà Mỹ đang sa lầy ở Việt Nam. 

Do đó, tháng 12/1967, Bộ Chính trị đã nhận định: "Chúng ta đang đứng trước triển vọng và thời cơ chiến lược lớn. Tình hình đó cho phép chúng ta có thể chuyển cuộc chiến tranh cách mạng sang một thời kỳ mới - thời kỳ tiến công và nổi dậy giành thắng lợi quyết định". 

Nói những đánh giá, nhận định đó là nhanh nhạy, chớp đúng thời cơ là bởi theo đánh giá của các nhà nghiên cứu quân sự, nếu làm sớm hơn, Mỹ sẽ có đủ thời gian triển khai đầy đủ chiến lược "chiến tranh cục bộ"; còn làm muộn hơn, khi cuộc bầu cử tổng thống tại Mỹ đã an bài, thì những áp lực về chính sách tại chiến trường miền Nam Việt Nam sẽ không đủ lớn để ảnh hưởng tới người đứng đầu Nhà Trắng.

Điểm nhấn không thể không nhắc tới thể hiện bản lĩnh và sự quyết đoán, táo bạo của quân và dân ta trong Cuộc tổng tiến công chính là việc lựa chọn các mục tiêu tiến công nằm ngoài mọi phán đoán của đối phương.

Đó là thay vì nổ súng ở những vùng rừng núi, nông thôn được xem là lợi thế của ta, nơi địch bố trí ít lực lượng, thì lần này, Quân Giải phóng miền Nam đã bất ngờ đánh thẳng vào khu vực thành thị, nhất là các thành phố lớn (trọng tâm là Sài Gòn - Gia Định, Đà Nẵng, Huế) - nơi tập trung bộ máy quân sự và hành chính của Mỹ và Chính quyền Sài Gòn. 

Việc những “biểu tượng sức mạnh” của kẻ địch như Bộ Tổng Tham mưu quân đội Sài Gòn, Dinh Độc Lập, Đài Phát thanh, Tòa Đại sứ Mỹ, Bộ Tư lệnh Hải quân, Biệt khu Thủ đô, Tổng nha Cảnh sát... bị tấn công đã giúp ta nhìn rõ hơn sức mạnh thực sự của bộ máy chiến tranh Mỹ, đồng thời cho thấy khả năng của Quân Giải phóng miền Nam, từ đó ta có thể cân nhắc giải pháp mạnh mẽ hơn, táo bạo và toàn diện hơn. 

Nói đến Cuộc tổng tiến công, không thể không nói đến “thế trận lòng dân”, phát huy vai trò to lớn của nhân dân trong việc phối hợp với các lực lượng vũ trang tiến công tiêu diệt địch, giành quyền làm chủ. Nhân dân Sài Gòn - Gia Định đã tạo ra thế trận tiến công thường xuyên cả chính diện và sau lưng địch, thực hiện bám trụ tại chỗ, "một tấc không đi, một ly không rời”, đánh địch khắp nơi, vây hãm chúng vào thế bị động, lúng túng, tạo điều kiện thuận lợi cho ta tiến công địch. Đây vừa là sự khẳng định truyền thống, bài học về sức dân trong chặng đường đấu tranh chống xâm lược ngàn năm của dân tộc, vừa là cuộc tập dượt quan trọng để trong những năm tiếp theo, chúng ta đã tổ chức một cuộc tổng động viên sức dân, lòng dân chưa từng có, làm nên Đại thắng mùa Xuân 1975, thống nhất đất nước.

Để không lỡ cơ hội của đất nước
Theo kế hoạch, cuối tuần này, các đại biểu Quốc hội sẽ bấm nút thông qua Dự thảo Luật Quy hoạch. Đây là điều cần thiết, bởi như Chủ...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư