Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 27 tháng 04 năm 2024,
Đại biểu Quốc hội: Đa số người dân không an tâm khi đi mua thực phẩm
Hà Nguyễn - 05/06/2017 21:17
 
Tình trạng mất an toàn vệ sinh thực phẩm tiếp tục trở nên “nóng bỏng”, khi các đại biểu Quốc hội cho rằng những gì mà Chính phủ báo cáo chỉ là “phần nổi của tảng băng”.

Hôm nay, Quốc hội đã dành cả ngày để thảo luận về kết quả giám sát thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011 - 2016, một vấn nạn gây bức xúc dư luận lâu nay.

Và mặc dù báo cáo trước Quốc hội, ông Phan Xuân Dũng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho rằng, quản lý an toàn thực phẩm trong sản xuất - kinh doanh thực phẩm đã có nhiều chuyển biến tích cực, song đại đa số đại biểu đều bày tỏ sự quan ngại trước tình trạng mất vệ sinh an toàn thực phẩm hiện nay.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Hoàng Mai phát biểu tại hội trường. Ảnh: quochoi.vn
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Hoàng Mai phát biểu tại hội trường. Ảnh: quochoi.vn

Liệu có phải chúng ta đang đầu độc chính mình?

“Đa số người dân đều không yên tâm với thực phẩm đi mua. Theo kết quả điều tra dư luận xã hội về an toàn thực phẩm do Văn phòng Quốc hội tiến hành cho thấy, chỉ có 10% người được hỏi rất yên tâm với thực phẩm sử dụng hằng ngày, trong khi có tới 59% chưa yên tâm và 27% khẳng định không yên tâm”, đại biểu Nguyễn Hoàng Mai (Tiền Giang nói).

Vấn đề nằm ở chỗ, theo đại biểu Nguyễn Hoàng Mai, từ năm 2009, Quốc hội khóa XII đã thực hiện giám sát tối cao về an toàn thực phẩm và ban hành một nghị quyết riêng về vấn đề này, nhưng cho đến nay, tình hình chuyển biến rất chậm, tình trạng thiếu vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn đang xảy ra khá phổ biến.

“Theo báo cáo của Chính phủ giai đoạn 2011 - 2016 có 1.007 vụ ngộ độc thực phẩm, với 30.395 người mắc, 164 người chết. Theo tôi đây chỉ là phần nổi của tảng băng ngộ độc thực phẩm. Vì thực tế xảy ra với mỗi cá nhân, mỗi gia đình, tôi tin chắc rằng hàng năm chúng ta có hàng chục triệu ca tiêu chảy liên quan tới thực phẩm và người dân tự xử lý không được các cơ sở y tế ghi nhận”, đại biểu Nguyễn Hoàng Mai nói.

Trong khi đó, theo ông Nguyễn Hữu Toàn, Phó tổng thư ký Quốc hội, thì dù theo như báo cáo của Đoàn giám sát là công tác quản lý an toàn thực phẩm đã có chuyển biến tích cực, song “thực trạng vi phạm an toàn thực phẩm rất đáng báo động”.

Còn đại biểu Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) lại đề cập tình trạng hàng loạt vụ bắt giữ thực phẩm quá hạn, không rõ nguồn gốc, như thịt, nội tạng động vật hôi thối nhập về từ biên giới Trung Quốc, mà gần đây nhất là vào ngày 21/5 lực lượng chức năng Quảng Ninh đã phát hiện và bắt giữ 45 tấn tóp mỡ động vật bốc mùi có cả ròi bên trong đang trên đường đi tiêu thụ, để thốt lên rằng, những gì “chúng ta biết và xử lý được vẫn chỉ là phần nổi của tảng băng trôi”.

Đại biểu Phạm Trọng Nhân cũng đã dẫn số liệu trong 2 tháng đầu năm 2017, tổng giá trị nhập khẩu thuốc trừ sâu và nguyên liệu là 129 triệu USD, tăng 19,8% so với cùng kỳ năm trước để bày tỏ sự quan ngại, bởi đó chỉ là con số được cấp phép, còn số lượng được thông quan qua đường tiểu ngạch, nhập lậu từ biên giới vẫn không thể kiểm soát hết được.

“Đây là cái gốc của mọi nguyên nhân. Số lượng hóa chất đó đi đâu, được sử dụng làm việc gì, câu trả lời xin dành cho các ngành chức năng”, đại biểu Phạm Trọng Nhân bức xúc.

Thậm chí vị đại biểu này còn đặt câu hỏi rằng: “Liệu có quá khi nói rằng chúng ta đang tự đầu độc chính mình?”. Và rằng: “Quốc hội nghĩ gì khi báo cáo của đoàn giám sát cho rằng mỗi năm có khoảng 70.000 người chết vì ung thư và hơn 200.000 ca phát hiện mới, trong đó có một phần nguyên nhân từ việc sử dụng thực phẩm không an toàn”.

Quản lý chưa nghiêm, chế tài còn nhẹ

Theo kết quả giám sát, do ông Phan Xuân Dũng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội trình bày trước Quốc hội, từ năm 2011 đến tháng 10/2016, tình trạng ngộ độc thực phẩm diễn ra khá phức tạp, và là một thách thức lớn trong công tác an toàn thực phẩm.

Trong khoảng thời gian nói trên, toàn quốc đã ghi nhận 1.007 vụ ngộ độc thực phẩm với 30.395 người mắc, 25.617 người nhập viện và 164 người chết. Trung bình mỗi năm có khoảng 167 vụ với hơn 5.000 nạn nhân, với khoảng 27 người chết.

Mặc dù được coi đây chỉ là “phần nổi của tảng băng”, song điều quan trọng là, cũng theo báo cáo giám sát, thì theo thống kê của Bộ Công an, trong thời gian từ 2011 - 2016, cơ quan điều tra các cấp trong công an nhân dân chỉ khởi tố 1 vụ, 3 bị cáo về tội danh vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm, đã khởi tố, điều tra, đề nghị truy tố 90 vụ, 148 bị can có hành vi phạm tội liên quan đến an toàn thực phẩm theo các tội danh khác.

Tòa án nhân dân các cấp từ ngày 1/10/2010 đến 30/9/2016 đã thụ lý 321 vụ án liên quan đến an toàn thực phẩm, đã giải quyết, xét xử 313 vụ, cụ thể là thụ lý theo thủ tục sơ thẩm 258 vụ/467 bị cáo.

“Việc xử lý vi phạm như vậy còn chưa nghiêm”, ông Dũng thừa nhận như vậy và cho rằng, mặc dù số vụ vi phạm là nhiều, có nhiều vụ nghiêm trọng xong việc xử phạt không tương xứng với mức độ vi phạm, số vụ xử lý hình sự quá ít so với mức độ nghiêm trọng xảy ra, không tạo ra sức răn đe đối với các hành vi vi phạm pháp luật trong an toàn thực phẩm.

Chính vì vậy, khi phát biểu thảo luận tại Quốc hội, đa số đại biểu đã đề nghị việc quản lý, giám sát, xử lý vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm phải nghiêm minh và rõ ràng hơn nữa.

“Việc nêu trách nhiệm còn chung chung, tình trạng này có trách nhiệm của cả ba bộ: Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương. Tuy nhiên, báo cáo không nêu rõ phạm vi, trách nhiệm của mỗi bộ đối với các hạn chế này đến đâu, yếu kém của bộ nào là chính. Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm chính tại địa phương. Vậy địa phương nào làm tốt, địa phương nào chưa làm tốt. Tôi cho rằng nếu chúng ta không chỉ rõ địa chỉ và không làm rõ trách nhiệm, bộ, ngành nào của địa phương nào chưa làm tốt thì sẽ khó cải thiện được tình trạng này trong tương lai”, đại biểu Nguyễn Mạnh Cường (Quảng Bình) nói.

Đại biểu Nguyễn Mạnh Cường thậm chí còn đề nghị xử lý hình sự đối với các hành vi vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm.

“Một số đại biểu phát biểu trước đã nêu chế tài xử lý các hành vi, vi phạm pháp luật của cá nhân, tập thể đã qua xử lý còn nhẹ chưa đủ sức răn đe, có đại biểu coi đây là một tội ác và có đại biểu cũng đề nghị truy cứu trách nhiệm hình sự và trước đây cũng có đại biểu cũng đề nghị nên tăng mức xử phạt có thể lên mức xử phạt tử hình. Mặc dù chúng ta ngày càng có tính hướng nhân đạo nhưng cũng cần nghiên cứu nâng mức hình phạt lĩnh vực này lên để giúp bảo vệ sức khỏe và tính mạng của người tiêu dùng”, đại biểu Trương Thị Yến Linh (Cà Mau) bày tỏ sự đồng tình.

Đại biểu Quốc hội: "Thực phẩm bẩn cũng là... một nạn tham nhũng"
ĐBQH Lê Văn Lai (tỉnh Quảng Nam) nói thẳng quan điểm của mình trước lời trấn an của trưởng ngành nông nghiệp khi cho rằng đa số thực phẩm là an...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư