Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
Định hình kinh tế 2018
Hà Nguyễn - 15/11/2017 08:20
 
Nét phác thảo cuối cùng về kinh tế Việt Nam năm 2018 đã hoàn tất khi chiều qua (14/11), Quốc hội chính thức thông qua Nghị quyết về phân bổ ngân sách Trung ương năm 2018. Trước đó, Quốc hội cũng đã thông qua Nghị quyết về Dự toán ngân sách nhà nước và Nghị quyết về Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 2018.
TIN LIÊN QUAN

Kinh tế 2018 được định hình. Vấn đề quan trọng tiếp sau là đề ra các giải pháp và quyết liệt triển khai thực hiện để được mục tiêu đó. Điều này là vô cùng cần thiết, khi năm 2018 là năm có ý nghĩa bản lề đối với việc thực hiện Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 2016 - 2020.

Quốc hội đã bấm nút thông qua, nghĩa là nhiệm vụ đã được trao lại cho Chính phủ. Phải làm sao để năm tới, tăng trưởng GDP ở mức 6,5 - 6,7%; lạm phát 4%? Phải làm sao để huy động vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt 33 - 34% GDP; tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 7-8%? Phải làm thế nào để chi tiêu ngân sách cho hiệu quả, giữ bội chi ngân sách ở mức 204.000 tỷ đồng (tương đương 3,7% GDP) và để tổng mức vay của ngân sách nhà nước, bao gồm vay để bù đắp bội chi và vay để trả nợ gốc của ngân sách nhà nước chỉ ở mức trên 363.000 tỷ đồng?

.
.

Làm sao có nguồn để từ ngày 1/7/2018, tăng lương cơ sở thêm 90.000 đồng/tháng so với hiện nay, lên 1,39 triệu đồng/tháng?…

Nhiệm vụ là vô cùng nặng nề. Bởi tăng trưởng 6,5 - 6,7% trên nền tăng trưởng cao của GDP năm 2017 là không hề dễ, nhất là trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều bất ổn, kinh tế trong nước còn khó khăn, nhiều động lực cho tăng trưởng đã tới hạn. Giữ lạm phát ở mức 4% cũng là một thách thức, khi các giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng năm 2017, như đẩy nhanh đầu tư, nới tăng trưởng dư nợ tín dụng… có thể tác động trễ tới diễn biến chỉ số giá tiêu dùng trong năm sau.

Tương tự, dù tăng trưởng xuất khẩu năm nay đang ở mức rất cao, với lần đầu tiên kim ngạch xuất khẩu của cả nước vượt ngưỡng 200 tỷ USD, nhưng để xuất khẩu tiếp tục tăng trưởng 7-8% trong năm tới, đòi hỏi tất cả các ngành, lĩnh vực sản xuất và xuất khẩu phải nỗ lực rất lớn.

Hẳn nhiên, chuyện thu - chi ngân sách luôn là vấn đề khiến Chính phủ đau đầu. Năm tới, ngân sách được chi cao hơn năm nay, với mức bội chi được chốt là 3,7% GDP, trong bối cảnh nợ công tăng cao, nợ xấu chưa được xử lý quyết liệt và hiệu quả.

Chưa kể, làm sao huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển, làm sao có nguồn để tăng lương, làm sao tiếp tục vay để bù đắp bội chi và vay để trả nợ gốc của ngân sách nhà nước… Đây là thách thức cực lớn trong bối cảnh thu ngân sách của Việt Nam còn eo hẹp, muốn đầu tư đều phải đi vay, trong khi chi thường xuyên quá lớn…

Nhiệm vụ là nặng nề, thách thức là lớn lao. Nhưng nhiệm vụ đã được trao và phải hoàn thành, nhất là khi năm 2017 là năm mà cả 13 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội đều vượt và đạt mục tiêu kế hoạch đề ra. Điều này sẽ đặt áp lực lên Chính phủ trong điều hành kinh tế - xã hội năm 2018, đòi hỏi sự quyết liệt và đồng bộ của tất cả các cấp, ngành, địa phương khi thực hiện nhiệm vụ quan trọng này.

Còn khoảng 1 tháng nữa để Chính phủ xây dựng và ban hành nghị quyết về việc thực hiện cả 3 nghị quyết mà Quốc hội vừa thông qua. Sẽ có các giải pháp cụ thể được ban hành. Sẽ tiếp tục có những chỉ đạo mạnh mẽ của người đứng đầu Chính phủ. Hiện là lúc để hành động, trước nhất nhằm hoàn thành đúng dự kiến Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội năm 2017, tạo nền tảng để nền kinh tế tiếp tục bứt phá trong năm 2018.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư