Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 26 tháng 04 năm 2024,
Doanh nghiệp FDI than phiền địa phương kém năng động
Khánh An - 20/04/2015 15:17
 
Bốn điểm yếu của môi trường kinh doanh Việt Nam là tham nhũng, chi phí không chính thức, chất lượng dịch vụ hành chính công và chất lượng của cơ sở hạ tầng.

GS-TS Edmund Malesky, Trưởng nhóm nghiên cứu Báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh Việt Nam (PCI) 2014 đã chọn Đà Nẵng để minh họa cho nhận định rút ra sau cuộc khảo sát thu thập ý kiến của 1.491 doanh nghiệp FDI đến từ 43 quốc gia, hoạt động tại 14 tỉnh, thành phố có mật độ doanh nghiệp FDI tập trung cao nhất của Việt Nam, rằng 80% nhà đầu tư nước ngoài đang chọn Việt Nam vì thuế suất thấp, rủi ro thu hồi tài sản thấp, khả năng tác động chính sách và ổn định chính sách cao.

 

“Đà Nẵng là địa phương duy nhất mà nhà đầu tư nước ngoài tham gia khảo sát không nhận thấy chất lượng của cơ sở hạ tầng suy giảm so với lần khảo sát trước. Đây cũng là nơi duy nhất chưa có tới 2 cuộc thanh kiểm tra doanh nghiệp nước ngoài trong một năm và cũng là nơi dễ dàng  có được cấp phép lao động, chỉ với khoảng 15 ngày”, ông Edmund liệt kê.

Phân tích sâu hơn, có thể thấy, nhà đầu tư nước ngoài tại Đà Nẵng đã chọn được địa điểm đầu tư đáng mơ, khi có tới 72% doanh nghiệp FDI chính thức đi vào hoạt động chỉ sau 1 tháng kể từ ngày có giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, rất cao so với tỷ lệ 38% trung bình  cả nước.

“Đặc biệt, đây là nơi các nhà đầu tư đánh giá cao mức độ minh bạch và khả năng tiếp cận tài liệu pháp lý, quy hoạch”, ông Edmund Malesky phân tích.

Tuy vậy, Đà Nẵng là nơi tốt nhất trong việc đáp ứng mong muốn của nhà đầu tư, chứ không phải là đại diện mang tính điển hình. Trong nhận định chung về các yếu tố doanh nghiệp FDI sử dụng khi so sánh Việt Nam với các quốc gia cạnh tranh, thì điểm yếu rõ nét vẫn là tham nhũng và chi phí không chính thức, chất lượng dịch vụ hành chính công và chất lượng của cơ sở hạ tầng.

Đặc biệt, khảo sát năm nay lại cho thấy sự sụt giảm mạnh nhất trong việc chủ động giải quyết vấn đề cho doanh nghiệp của lãnh đạo tỉnh, từ 22% năm 2011 xuống còn 11% năm 2014. Các doanh nghiệp FDI cho rằng, nhiều lãnh đạo địa phương ngày càng e dè trong việc ra quyết sách độc lập và có tâm lý chờ đợi vào quyết định ở cấp trung ương.       

Trong nhóm những địa phương bị điểm thấp, Hà Nội bị xếp vào địa phương ít năng động nhất trong việc giải quyết vướng mắc cho doanh nghiệp FDI. Hải Phòng, Bà Rịa - Vũng Tàu và Đồng Nai cũng được xếp vào nhóm những địa phương khó đưa ra những quyết sách độc lập, tự chủ.

Có lẽ phải nhắc đến một chi tiết đính kèm trong thư mời của UBND TP. Hà Nội về Hội nghị giao ban tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy triển khai, thực hiện một số dự án FDI trên địa bàn vào ngày 22/4 tới đây, đó là yêu cầu các nhà đầu tư nước ngoài tham dự tự bố trí phiên dịch. Rất có thể, sự năng định của lãnh đạo địa phương sẽ bị chấm điểm thấp từ những chi tiết tưởng như rất nhỏ này.

PCI năm 2014: Đà Nẵng bảo vệ ngôi vương. Tuyên Quang thoát đáy
3 vị trí top đầu của PCI năm 2014 đã thuộc về Đà Nẵng, Đồng Tháp và Lào Cai. Nhóm cuối rơi vào các tỉnh Cao Bằng, Lai Châu và Điện Biên.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư