Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 26 tháng 04 năm 2024,
Dự án BOT thu phí cao: Địa phương xin giảm, nhà đầu tư từ chối
Ngân Tuyền (ANTĐ) - 11/04/2016 09:27
 
Gần đây, việc người dân liên tiếp phản đối các trạm thu phí dự án BOT (xây dựng – kinh doanh – chuyển giao) tăng phí quá cao đã gây nên tình trạng mất an ninh trật tự ở nhiều địa phương. Hệ lụy đối với xã hội sẽ còn phức tạp nếu không có phương án thỏa đáng cho các trạm thu phí này.
Các trạm BOT tăng phí ồ ạt dẫn đến phản ứng gay gắt của người dân
Các trạm BOT tăng phí ồ ạt dẫn đến phản ứng gay gắt của người dân



Phản ứng vì trạm BOT tăng phí “sốc”

Tối 6-4, 2 xe khách chạy tuyến Hà Nội - Hải Phòng đã bất ngờ chắn ngang cao tốc Hà Nội - Hải Phòng theo chiều Hải Phòng đi Hà Nội. Sự việc xảy ra đã gây cản trở, ùn tắc giao thông trên tuyến. Đơn vị quản lý tuyến đường đã phải nhờ tới sự can thiệp của lực lượng chức năng để giải tỏa 2 chiếc xe khách này. Nguyên nhân dẫn tới hành vi này được cho là để phản đối việc tăng phí trên cao tốc. 

Trước đó, từ ngày 1-4-2016, Tổng Công ty Phát triển hạ tầng và đầu tư tài chính Việt Nam (Vidifi - chủ đầu tư Dự án) đã điều chỉnh mức phí trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng thêm 500 đồng/km, thành 2.000 đồng/km, trong khi cao tốc này mới được thông xe toàn tuyến vào đầu tháng 12-2015. Đáng nói, cũng từ ngày 1-4, phí trên QL5 (do Vidifi thu phí) cũng tăng tới 50%, thấp nhất là 45.000 đồng và cao nhất là 200.000 đồng/lượt xe.

Trước đó, đầu tháng 12-2015, phí trên tuyến quốc lộ này cũng đã tăng gấp 2-3 lần so với mức cũ. Theo lý giải của Vidifi, việc tăng phí trên QL5 và cao tốc Hà Nội - Hải Phòng đã nằm trong lộ trình được cơ quan có thẩm quyền cho phép. Ông Đào Văn Chiến, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vidifi cho biết, nếu không tăng phí, chủ đầu tư sẽ không đảm bảo được phương án hoàn vốn tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng và nhà đầu tư sẽ phá sản. 

Ông Khúc Hữu Thanh Hải, Giám đốc Công ty vận tải Đất Cảng (khai thác tuyến Hải Phòng - Hà Nội) cho biết, phí qua QL5 và cao tốc Hà Nội – Hải Phòng tăng mạnh khiến doanh nghiệp rất khó khăn. “Chủ đầu tư đã chất thêm gánh nặng lên vai hàng nghìn doanh nghiệp vận tải. Mỗi xe 35 chỗ trở lên qua các trạm thu phí trên tuyến đường này  phải đóng tới 40 - 50 triệu đồng/tháng, chiếm gần 30% doanh thu của doanh nghiệp”.

Ở Phú Thọ, trạm BOT cầu Hạc Trì (TP Việt Trì) cũng đang tạo ra mâu thuẫn giữa nhà đầu tư, người dân và chính quyền địa phương. Cầu Hạc Trì thu phí từ tháng 12-2015 với mức thu từ 35.000 -180.000 đồng/xe. Công ty CP BOT cầu Việt Trì (chủ đầu tư) đã liên tiếp phải có văn bản “cầu cứu” Bộ GTVT, Tổng cục Đường bộ Việt Nam trước tình trạng ô tô né trạm thu phí BOT cầu Hạc Trì bằng cách đi vào cầu Việt Trì cũ dù đã bị cấm. Tháng 3 vừa qua, được sự cho phép của Bộ GTVT, Công ty CP BOT cầu Việt Trì đã xây trụ bê tông chặn phương tiện lưu thông qua cầu Việt Trì cũ.

Sự việc này khiến người dân trên địa bàn phường Bạch Hạc (TP Việt Trì) phản ứng dữ dội, tập trung yêu cầu chủ đầu tư phải dỡ bỏ các trụ bê tông để người dân lưu thông qua cầu Việt Trì cũ như trước kia. Người dân cho rằng, hàng chục năm nay, họ vẫn lưu thông qua cầu Việt Trì cũ, nay lại buộc phải đi xa thêm 5-6km để đi cầu Hạc Trì và tốn 35.000 đồng/lượt là vô lý. 

Nhà đầu tư phải có trách nhiệm

Mới đây, UBND tỉnh Phú Thọ đã kiến nghị Bộ GTVT chỉ đạo Công ty CP BOT cầu Việt Trì miễn phí cho phương tiện dưới 7 chỗ không kinh doanh của người dân phường Bạch Hạc qua cầu Hạc Trì. Đồng thời, xem xét giảm phí cho ô tô dưới 7 chỗ không kinh doanh của người dân xã Sông Lô hoặc người dân có quê quán ở phường Bạch Hạc có hộ khẩu thường trú ở các xã, phường khác của TP Việt Trì. Tuy nhiên, Bộ GTVT cho biết, việc giảm phí hay không tùy thuộc vào chủ đầu tư. Dù có miễn giảm như thế nào, thời gian thu phí hoàn vốn của dự án cầu Hạc Trì vẫn giữ nguyên là 20 năm 8 tháng.

Liên quan tới trạm thu phí QL1 Quán Hàu, tỉnh Quảng Bình - từng vấp phải phản ứng dữ dội của người dân vì mức phí cao. UBND tỉnh Quảng Bình đã kiến nghị chủ đầu tư là Công ty CP Tasco và Công ty CP Tập đoàn Trường Thịnh xem xét giảm phí cho người dân trên địa bàn vì mức phí 35.000 đồng/xe dưới 9 chỗ ngồi là quá cao so với thu nhập của người dân. Song, 2 nhà đầu tư này đã từ chối với lý do ảnh hưởng đến thời gian thu hoàn vốn của dự án. UBND tỉnh Quảng Bình cho biết, sẽ tiếp tục kiến nghị lên Bộ GTVT về việc này.

Theo ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam, người dân bức xúc là đúng và Bộ GTVT, chủ đầu tư các dự án trên phải thương lượng để tìm ra giải pháp cho vấn đề này. Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam cho rằng, không thể phủ nhận ưu điểm của các dự án đầu tư theo phương thức BOT nhưng cũng phải đánh giá một cách khách quan những điểm bất cập của mô hình này.

Thứ nhất, mức phí qua trạm BOT hiện rất cao. Thứ hai, khoảng cách giữa các trạm BOT dày đặc cũng gây bức xúc cho người dân. “Lộ trình tăng phí như hiện nay là quá sức chịu đựng của doanh nghiệp và người dân. Do đó, chủ đầu tư và các cơ quan quản lý có trách nhiệm phải xem xét, cân nhắc kỹ, không đẩy căng thẳng lên quá mức”, ông Nguyễn Văn Thanh nói.

Phí BOT được ban hành trên cơ sở nào?
Ông Lưu Đức Huy, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế đã có lý giải cụ thể cho câu hỏi này tại cuộc họp báo quý I-2016 của Bộ Tài chính tổ chức...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư