Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 27 tháng 04 năm 2024,
Đừng tự khép cánh cửa sang Hàn Quốc
Phan Long - 08/01/2014 21:41
 
Việc Hàn Quốc và Việt Nam vừa ký Bản ghi nhớ (MOU) về việc đưa lao động Việt Nam trở lại Hàn Quốc làm việc theo Chương trình Lao động phái cử (EPS) năm 2014 là tin vui với hơn 12.000 lao động đã hoàn thành kỳ kiểm tra tiếng Hàn vào năm ngoái, nhưng lại đánh mất cơ hội sang nước này làm việc, khi phía bạn tạm dừng EPS từ tháng 8/2013. Cửa mở với 14.000 lao động Việt Nam sang Hàn Quốc
TIN LIÊN QUAN

Vui, vì với bản ghi nhớ này, phía Hàn Quốc đã dần hé mở cánh cửa, tạo cơ hội cho hơn một vạn lao động Việt Nam có thể được sang nước này làm việc với mức lương 1.000 - 1.500 USD/tháng.

đưa lao động Việt Nam trở lại Hàn Quốc làm việc

Nhưng vui không có nghĩa đã có thể mừng vì MOU chỉ mang ý nghĩa tạm thời và chỉ có giá trị trong năm 2014. Nghĩa là, Hàn Quốc mới tạm mở lại EPS. Đến cuối năm nay, nếu Việt Nam giảm đáng kể tỷ lệ bỏ trốn, thì Hàn Quốc mới xem xét có nối lại chính thức EPS hay không.

Và cũng chưa ai biết chắc sẽ có bao nhiêu trong số hơn một vạn lao động nói trên có cơ hội xuất cảnh do Hàn Quốc vẫn đang bỏ ngỏ hạn ngạch tiếp nhận lao động Việt Nam. Phía bạn cũng bỏ ngỏ việc tuyển thêm lao động mới ngoài 1,2 vạn ứng cử viên đã hoàn thành kỳ kiểm tra tiếng Hàn nói trên.

Động thái này cho thấy, Hàn Quốc chỉ có câu trả lời cụ thể khi Việt Nam giảm được tỷ lệ bỏ trốn hiện vẫn đang cao ngất ngưởng (hơn 38%) so với mức trung bình 18% của 13 quốc gia khác có chương trình hợp tác lao động với Hàn Quốc.

Đây là thách thức lớn đối với cơ quan quản lý cũng như doanh nghiệp xuất khẩu lao động vì để ngăn chặn tình trạng này, trước đây, Việt Nam đã đưa ra yêu cầu lao động trước khi xuất khẩu sang Hàn Quốc phải ký quỹ bắt buộc 100 triệu đồng và sẽ sung công nếu bỏ trốn trong thời gian làm việc. Các lao động đã bỏ trốn, nếu không tự nguyện về nước trước 10/1/2014 cũng chịu mức phạt tương đương.Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội coi đây là biện pháp mạnh, khi mà các biện pháp giáo dục ý thức pháp luật không phát huy tác dụng. Song dường như nhiều lao động vẫn phớt lờ quy định này, sẵn sàng bỏ trốn.

Nhìn một cách khách quan thì tình trạng trên không chỉ xuất phát do ý thức kém của người lao động. Vấn đề đặt ra là do đâu mà đa số lao động xuất khẩu của Việt Nam phải trả 5.000-7.000 USD, thậm chí 10.000 USD/người cho các công ty xuất khẩu lao động hay “cò mồi” để có được một suất sang Hàn Quốc làm việc, dù theo quy định của pháp luật, số tiền này chỉ khoảng 1.200 USD/người? Liệu có hoàn toàn là lỗi của lao động nghèo vì họ thiếu kiến thức pháp luật, còn các công ty và “cò mồi” tha hồ “chặt chém” các loại phí môi giới, đào tạo mà không ai quản? Liệu có phải là lỗi của người lao động khi cả nước có hơn 160 doanh nghiệp có giấy phép xuất khẩu lao động, nhưng lại có rất nhiều chi nhánh con thành lập sai phép, tuyển dụng tràn lan khắp các tỉnh thành?

Lao động nghèo bỏ trốn khi hết hạn hợp đồng là điều dễ hiểu vì với cả trăm triệu đồng chi phí một cách vô lý, mà đa phần là phải đi vay lãi cao, họ muốn gỡ gạc thêm chút vốn để nuôi gia đình. Chắc hẳn phần nhiều trong số này muốn vi phạm pháp luật, để rồi phải sống chui lủi nơi xứ người. Nếu không giải quyết được gốc rễ vấn đề, thì xin đừng đổ hết lỗi lên đầu người lao động.

Hẳn nhiều người vẫn chưa quên hội nghị công bố kết quả khảo sát nguyên nhân lao động Việt Nam tại Hàn Quốc bỏ trốn do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tổ chức giữa năm 2013, khi đại diện Bộ Việc làm Hàn Quốc thẳng thừng phủ nhận kết quả khảo sát cho rằng, nguyên nhân chính là vì lương cao. Ngỡ ngàng, nhưng không lãnh đạo nào của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có thể phản biện, đơn giản vì lý lẽ do diễn giả Hàn Quốc đưa ra quá thuyết phục, nhất là khi họ cho rằng, mức lương 1.000-1.500 USD không hề cao nếu so với chi phí gần 200 triệu đồng mà lao động Việt Nam phải bỏ ra. Nếu phải ký quỹ thêm 100 triệu đồng nữa, thì áp lực càng đè nặng lên vai lao động nghèo.

Đã đến lúc phải xem lại chính sách quản lý doanh nghiệp, cùng cách thức tuyển dụng lao động xuất khẩu. Chỉ khi nào thực hiện tốt chính sách quản lý, hiểu được thấu đáo tâm tư, nguyện vọng của người lao động Việt Nam, thì mới có thể giảm bớt tỷ lệ lao động xuất khẩu bỏ trốn tại Hàn Quốc cũng như ở một số thị trường khác.

Tăng chỉ tiêu XKLĐ sang Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư điện tử - baodautu.vn, ông Đào Công Hải, Phó cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động -...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư