Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 27 tháng 04 năm 2024,
Hài Tết phát hành 2 tiếng đã có ngay đĩa lậu, sao chẳng lỗ!
T.Huyên - 04/01/2014 17:55
 
“Nếu để ý trên thị trường các đĩa của chúng tôi vừa ra sau 2 tiếng, chưa nói đến một ngày ở đâu cũng có, đến các miền quê không có điện vẫn thấy đĩa, nhưng đó là đĩa lậu”, ĐD Phạm Đông Hồng cho biết. >>>
TIN LIÊN QUAN

Từ những sản phẩm hài Tết đầu tay Thầy rởm, Râu quặp… đến nay, đạo diễn Phạm Đông Hồng đã trở thành một tên tuổi có hơn 12 năm gắn bó với dòng sản phẩm đặc trưng đĩa hài Tết, đem lại những tiếng cười vui vẻ cho người xem mỗi dịp Tết đến xuân về.

Đạo diễn Phạm Đông Hồng (ngoài cùng bên trái) cùng ekip Chôn nhời

Năm nay cũng không ngoại lệ. 2 sản phẩm “made by Pham Dong Hong” của Xuân Giáp Ngọ 2014 có tên Cổ tích thời @Chôn nhời. Nhân dịp này, PV Infonet đã có cuộc trao đổi với đạo diễn Phạm Đông Hồng.

Anh cũng như rất nhiều đạo diễn khác vẫn chia sẻ rằng, tìm được kịch bản hay vô cùng khó. Năm nay, để có được 2 tiểu phẩm Chôn nhời Cổ tích thời @, anh đã phải “loại” bao nhiêu kịch bản?

Như tôi vẫn nói, khó nhất là khâu tìm kịch bản. Không biết ai như thế nào chứ tôi rất khó tính trong kịch bản. Để có một sản phẩm hoàn chỉnh, tôi đọc không biết bao nhiêu kịch bản, chỉ cần nắm được ý, bắt được linh hồn của câu chuyện là tôi chấp nhận ngồi cùng tác giả bàn bạc sửa chữa để có tác phẩm ưng ý nhất.

Năm nay tôi nhận được mấy chục kịch bản. Nhưng để đưa vào sản xuất theo ý mình thì đành phải từ chối bớt và chỉ ưng 2 kịch bản. Trong đó, kịch bản Chôn nhời được tôi đầu tư khá kỹ về chất xám. Làm nghề rất khó, được cái này thì phải chấp nhận mất cái kia.

Anh có thể chia sẻ cụ thể hơn về 2 đĩa hài Tết 2014 Chôn nhờiCổ tích thời @?

Cổ tích thời @ là đề tài hiện đại của nông thôn Việt Nam bây giờ, còn Chôn nhời thì đúng với sở trường mà tôi đã làm nhiều năm qua, đó là hài dân gian. Mà làm hài dân gian khó vô cùng, tôi không tự khen mình nhưng ở Việt Nam ít người làm phim cổ trang vì khó từ bối cảnh, phục trang, đến câu chuyện như thế nào để chuyển tải điều mình muốn.

Năm nay chúng tôi đầu tư khá kỹ lưỡng kịch bản từ ban đầu, cách đây 5 tháng là đã chuẩn bị xong. Cũng may kịch bản năm nay khá tốt, tuy hài dân gian nhưng đã đưa được rất nhiều sự kiện của năm 2013. Bởi vậy khi xem các bạn sẽ thấy tuy câu chuyện dân gian nhưng lại có hơi hướng những việc nổi cộm trong năm.

Một cảnh trong Cổ tích thời @

Từ những chuyện về thẩm mĩ viện, nhân bản kết quả xét nghiệm, cho vay nặng lãi…, chúng tôi không nói thẳng, trực tiếp mà xây dựng thành chuyện dân gian ngày xưa và được nhìn trên lăng kính hài hước. Ví dụ có chị đến gặp thầy lang nhờ chữa bệnh béo vì bị chồng chê, ông thầy lang bán cho mấy lá cao, chỗ này đắp vào bụng bé lại, chỗ này đắp vào ngực to ra…
Chuyện xưa nhưng mang hơi hướng đương đại, đó là thử nghiệm của tôi trong năm nay.

Làm hài dân gian khó, khổ, khoai như vậy, động lực nào để anh duy trì dòng sản phẩm này trong suốt hơn 12 năm qua?

Tâm sự thật với bạn, tôi ngày xưa lớn lên trong gia đình mẹ là Giám đốc thư viện, nên của cải, tài sản lớn nhất chỉ toàn sách, từ truyện cổ tích, dân gian, đến truyện nổi tiếng nước ngoài ngấm vào tôi từ ngày bé, nên tôi đã nảy ý định làm hài dân gian từ cách đây 12 năm và duy trì cho đến giờ để hình thành một dòng riêng của mình trong dịp tết nguyên đán.

Chọn hài dân gian thứ nhất là bởi mình yêu chuyện các cụ ngày xưa để lại, yêu kho tàng văn học đó, thứ hai, người Việt Nam phải giữ bản sắc của mình, nhất là tết nguyên đán. Không có gì bằng trong tết nguyên đán được nhìn thấy làng quê, cây đa, giếng nước sân đình.

Dân số Việt Nam hơn 70% là nông dân, có bạn đi Hà Nội làm, có trở thành ông nọ bà kia thì cũng xuất phát từ một miền quê nào đó. Tôi làm hài dân gian là cách đưa người xem trở lại cội nguồn, mà xem vào dịp tết thì càng hợp lý, ấm cúng hơn.

Ekip phim Chôn nhời

Anh dự định sẽ làm hài dân gian đến khi nào?

Như bạn cũng biết, kho tàng truyện Việt Nam rất mênh mông, phong phú. Để nói thời điểm nào dừng lại thì tôi không biết chắc được, tôi sẽ duy trì dòng này đến khi nào tự mình cảm thấy trình độ của mình không đáp ứng được thì mới thôi.

Còn trong trường hợp khán giả chán hài dân gian thì sao?

Tôi nghĩ khán giả không chán, mình có làm hay hay không, có biết chắt lọc tình huống đắt giá, và tay nghề đạo diễn đến đâu, khả năng diễn xuất của diễn viên chứ còn khán giả Việt Nam sẽ không chán. Ngay cả các nước phát triển như Nhật Bản, Trung Quốc hiện nay họ vẫn khai thác đề tài dân gian mà có bao giờ cũ đâu. Vì đại đa số dân chúng thích, vì phụ thuộc vào trình độ đạo diễn, trình độ diễn viên. Làm hay, diễn giỏi thì dân chúng vẫn thích thôi.

Nếu không quá riêng tư, anh có thể chia sẻ làm hài dân gian có lỗ không?

Thực ra mà nói, những năm gần đây làm đĩa hài tết lỗ là bình thường. Bởi vì sao? Nếu để ý trên thị trường tất cả các đĩa chúng tôi vừa ra thì sau 2 tiếng, chưa nói đến một ngày ở đâu cũng có. Có lần tôi đến một vùng quê không có điện vẫn thấy đĩa của mình. Tôi hỏi: “Các cháu dùng đĩa này làm gì?”, hóa ra tụi trẻ chạy ra đầu làng chờ có điện để xem.

Phải nói thẳng đấy là đĩa lậu. Không lỗ sao được khi bị đánh cắp trắng trợn như thế. Nhưng chả dẹp được đĩa lậu, chúng tôi đành chấp nhận sống chung với lũ, tức là phải xã hội hóa, phải tìm bà đỡ để dựa vào nhau mà sống vậy.

Vâng, xin cảm ơn anh!

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư