Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 26 tháng 04 năm 2024,
Hợp tác Việt Nam - Singapore ngày càng bền chặt
P.V - 07/08/2018 08:37
 
Những năm qua, hợp tác song phương giữa Việt Nam và Singapore ngày càng bền chặt và phát triển mạnh mẽ. Bà Catherine Wong, Đại sứ Singapore tại Việt Nam nhấn mạnh, Singapore sẽ đẩy mạnh hỗ trợ Việt Nam cải thiện kết cấu hạ tầng và doanh nghiệp hai nước sẽ có nhiều cơ hội trong hội nhập khu vực và quốc tế.

Vào tháng 4/2018, trong chuyến thăm chính thức Singapore của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Singapore đã cam kết hỗ trợ Việt Nam phát triển các thành phố thông minh. Vậy cam kết này đã được thực hiện đến đâu, thưa Đại sứ?

Singapore mong muốn hỗ trợ Việt Nam thực hiện mục tiêu có ít nhất 3 thành phố thông minh vào năm 2020. Trên cương vị là Chủ tịch ASEAN năm nay, Singapore đã đề xuất thành lập Mạng lưới Thành phố thông minh (ASEAN Smart Cities Network - ASCN) của ASEAN. Mạng lưới này sẽ thúc đẩy hợp tác phát triển các thành phố thông minh, chia sẻ các thông lệ tốt nhất và tìm kiếm các giải pháp công nghệ chung.

Đại sứ Singapore tại Việt Nam Catherine Wong phát biểu khai mạc Lễ kỷ niệm 53 năm Quốc khánh Cộng hòa Singapore được tổ chức tại Hà Nội tối 3/8. Ảnh: Kỳ Thành
Đại sứ Singapore tại Việt Nam Catherine Wong phát biểu khai mạc Lễ kỷ niệm 53 năm Quốc khánh Cộng hòa Singapore được tổ chức tại Hà Nội tối 3/8. Ảnh: Kỳ Thành

Vào tháng 5/2018, Trung tâm Các thành phố đáng sống và Bộ Ngoại giao Singapore đã tổ chức Hội thảo về Quản trị các thành phố thông minh của ASEAN cho 75 đại biểu đến từ 25 thành phố của ASEAN, bao gồm 14 đại diện của Chính phủ Việt Nam và của các thành phố thuộc ASCN tại Việt Nam là Hà Nội, TP.HCM và Đà Nẵng.

Hội thảo 4 ngày này bao gồm các chuyến thăm thực địa và các phiên thảo luận với các chuyên gia, các nhà nghiên cứu và các đơn vị tư vấn tư nhân, nhằm chia sẻ các ý tưởng và thông lệ toàn cầu tốt nhất đối với các thành phố thông minh. Các đại biểu tham dự cũng bắt đầu vạch ra các kế hoạch hành động của mình, nhằm xây dựng các thành phố thông minh.

Ngoài ra, các thành viên của ASCN còn nhóm họp cùng nhau tại Singapore vào tháng 7/2018 nhân dịp tham dự Hội nghị Thượng đỉnh các thành phố trên thế giới (World Cities Summit). Việt Nam có 14 đại diện từ Chính phủ và các thành phố ASCN được đề cử là Hà Nội và TP.HCM. Cuộc họp này đã thông qua Khuôn khổ ASCN - khuôn khổ đã làm rõ định nghĩa về thành phố thông minh và chốt các kế hoạch hành động thành phố thông minh cụ thể của 26 thành phố ASCN thí điểm.

Phù hợp với các mục tiêu của ASCN, trong năm nay, Enterprise Singapore (Cơ quan Phát triển Doanh nghiệp Singapore) đã đưa một số đoàn doanh nghiệp Singapore, gồm những doanh nghiệp như ST Engineering, Ademco Security Group, V3 Smart Technologies và Nexwave Technologies đến TP.HCM và Hà Nội để tìm kiếm cơ hội đầu tư về thành phố thông minh và các dự án thí điểm.

Hiện nay, các công ty của chúng tôi đang thảo luận với các cơ quan chức năng Việt Nam để xác định những dự án thành phố thông minh phù hợp nhằm thực hiện tại Việt Nam. Các lĩnh vực hợp tác tiềm năng bao gồm hệ thống giao thông thông minh, đèn đường thông minh, an ninh và các doanh nghiệp công ích thông minh.

Singapore cũng sẽ hỗ trợ Việt Nam xây dựng cảng và phát triển các dịch vụ logistics và nông nghiệp công nghệ cao. Sự hỗ trợ này đang được tiến hành thế nào, thưa Đại sứ?

Singapore quan tâm đến đầu tư vào cảng biển và kết cấu hạ tầng logistics, như kho chứa và các chuỗi cung ứng lạnh tại Việt Nam. Lý do là Việt Nam có bờ biển dài và ngành sản xuất hướng đến xuất khẩu ngày càng phát triển và được các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư trong những năm qua. Các doanh nghiệp của chúng tôi sẽ tiếp tục đầu tư thêm tại Việt Nam.

Ngành nông nghiệp tại Việt Nam có nhiều tiềm năng để áp dụng các giải pháp công nghệ cao, vì phần lớn các trang trại vẫn đang áp dụng các phương pháp thủ công khiến khó tăng năng suất. Các công ty Singapore có thể cung cấp các giải pháp công nghệ như giám sát thông minh, truy xuất và theo dõi các sản phẩm từ trang trại đến bàn ăn và tự động hóa, nhằm giúp tăng sản lượng và chất lượng nông sản.

Với năng suất cao hơn và chất lượng nông sản tốt hơn, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ có thể đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường khác như Trung Quốc và Đông Nam Á.

Ngoài Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) với Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), các nhà đầu tư và doanh nghiệp của Việt Nam cũng như Singapore kỳ vọng sẽ có sân chơi lớn hơn. Vậy, cơ hội mà doanh nghiệp Singapore có được từ CPTPP là gì, thưa Đại sứ?

Singapore vừa phê chuẩn CPTPP vào ngày 20/7/2018, trở thành nước thứ ba phê chuẩn hiệp định này, sau Mexico và Nhật Bản. Các nước thành viên CPTPP tạo thành một thị trường lớn cho các doanh nghiệp Singapore, chiếm khoảng 13,5% nền kinh tế toàn cầu và là thị trường có 500 triệu dân, với tổng quy mô GDP là 10.000 tỷ USD. Vào năm 2017, các nước thành viên CPTPP đã chiếm 22,2% tổng thương mại hàng hóa của Singapore, với tổng giá trị là 214 tỷ đô la Singapore (tương đương 156,22 tỷ USD).

CPTPP là hiệp định quan trọng, sẽ bổ sung mạng lưới các hiệp định thương mại tự do hiện hành của Singapore và Việt Nam. CPTPP sẽ tăng cường giao thương giữa các nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, đem đến sự lưu chuyển không ngừng của hàng hóa, dịch vụ và đầu tư.

Trái ngược với bối cảnh hiện tại là căng thẳng thương mại và một số động thái đi ngược với toàn cầu hóa, CPTPP gửi tới tín hiệu mạnh mẽ về cam kết của chúng ta về tự do hóa thương mại và về một hệ thống thương mại dựa trên các quy định. Chúng tôi mong chờ thương mại hai nước chúng ta sẽ ngày càng mở rộng.

Đại sứ đánh giá thế nào về những cơ hội mà Việt Nam có thể tăng xuất khẩu sang Singapore nhờ CPTPP?

Cả Việt Nam và Singapore đều là các thành viên của AEC và có các hiệp định thương mại tự do với các nước khác. Với CPTPP, Việt Nam sẽ giảm được chi phí và được lợi từ việc các nước thành viên hạ thấp các rào cản đầu tư và thương mại.

Singapore sẽ tiếp tục tăng cường thương mại và đầu tư với Việt Nam nhờ việc Việt Nam có những chính sách đầu tư tốt và cải thiện môi trường kinh doanh. Việc thu hút thêm dòng vốn đầu tư nước ngoài nhờ CPTPP cũng sẽ tăng việc làm cho người dân Việt Nam.

Singapore đang đẩy mạnh hợp tác giáo dục và đào tạo với Việt Nam thông qua việc cấp học bổng cho sinh viên Việt Nam. Trong thời gian tới, lĩnh vực hợp tác này có điểm gì mới? Singapore sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam đào tạo tiếng Anh và cải thiện chất lượng dạy nghề, thưa Đại sứ?

Cùng là các nước châu Á, Singapore và Việt Nam có một ước mong chung là mang đến sự giáo dục tốt nhất cho các thế hệ tương lai. Hai nước đã ký kết Bản ghi nhớ về Hợp tác giáo dục vào tháng 4/2017, nhằm tăng cường các mối liên kết các trường phổ thông, thúc đẩy các hoạt động chung của sinh viên, khuyến khích trao đổi thông tin và tăng cường hợp tác giữa các viện nghiên cứu và các trường đại học.

Một lĩnh vực mà các công ty Singapore muốn tham gia là cung cấp các dịch vụ đào tạo nghề nhằm cải thiện kỹ năng của người lao động Việt Nam, đặc biệt trong các ngành dệt may, du lịch, sản xuất và các dịch vụ bán lẻ. Các công ty về giáo dục của Singapore cũng muốn thực hiện các dịch vụ đào tạo ngôn ngữ và các ngành đào tạo liên quan tại Việt Nam.

Ngoài ra, kể từ năm 1992, Singapore đã đào tạo hơn 18.000 quan chức Việt Nam theo Chương trình Hợp tác Singapore. Singapore hy vọng rằng, trong tương lai sẽ được tiếp tục mở rộng hợp tác với Việt Nam, nhằm tăng cường tình hữu nghị giữa hai nước chúng ta.

Trên thực tế, là một phần của sáng kiến của Singapore trên cương vị Chủ tịch ASEAN năm nay, chúng tôi đang làm việc với phía Việt Nam nhằm nâng cấp Trung tâm Đào tạo Việt Nam - Singapore thành Trung tâm Hợp tác Việt Nam - Singapore. Trung tâm này sẽ giúp mở rộng các phương thức xây dựng năng lực, vượt ra khỏi các khóa học trên lớp nhằm đáp ứng các ưu tiên phát triển đang ngày càng tăng của Việt Nam.

Vốn FII từ Singapore chủ động tìm đến Việt Nam
Dòng vốn đầu tư gián tiếp từ Singapore đang chủ động tìm đường đến Việt Nam, thông qua hàng loạt thương vụ mua cổ phần trên sàn chứng khoán...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư