Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 26 tháng 04 năm 2024,
Khai vấn trong doanh nghiệp: Khi nào cần?
Phi Vũ - 18/05/2016 09:02
 
Bên cạnh đào tạo chuyên môn, coaching (khai vấn) được xem là liệu pháp nâng cao nguồn lực nhân sự trong doanh nghiệp, từ đó tạo cơ sở đạt được các chỉ tiêu doanh thu đề ra.
Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet
Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet

Chuỗi Burger King ở bang Wyoming (Mỹ) từng nhận dịch vụ khai vấn cho lãnh đạo cấp cao và 3 năm sau, doanh thu chuỗi nhượng quyền của thương hiệu này tại bang đã tăng 800%. Ở Việt Nam, Nguyễn Pro cũng đã tăng năng suất làm việc sau khi tham gia khai vấn, mà dấu ấn gần đây là Dự án iConcert, hợp tác với nhãn hàng Pepso của Suntory PepsiCo Việt Nam thu hút 26.000 người tham dự hồi cuối tháng 3/2016.

Theo bà Đoàn Huỳnh Vân Anh, chuyên gia khai vấn của Công ty LifeCoaching Việt Nam, việc sử dụng dịch vụ khai vấn là điều khá thường xuyên của các công ty đa quốc gia như Unilever, BAT, Prudential…, với mục tiêu là cải thiện chất lượng đội ngũ. Ở Việt Nam, dịch vụ này mới nhen nhóm, nhưng đã có nhiều doanh nghiệp quan tâm để nâng cao năng lực cạnh tranh.

Theo bà Vân Anh, có 3 vấn đề chủ doanh nghiệp hoặc giám đốc nhân sự nên quan tâm khi triển khai dịch vụ khai vấn cho doanh nghiệp.

Thứ nhất là khi nào doanh nghiệp nên nghĩ đến khai vấn? Doanh nghiệp nên nghĩ đến việc khai vấn trong hai trường hợp. Trước hết là xử lý vấn đề đang gặp phải trong nội bộ nhân sự. Ví dụ, mỗi cá nhân rất có năng lực, tuy nhiên khi họp thành nhóm thì gặp khó khăn trong việc kết nối. Mỗi lãnh đạo cấp trung và cấp cao trong công ty là một cá thể tài năng, tuy nhiên giám đốc phòng này không coi trọng giám đốc phòng kia, dẫn đến việc hiệu suất hoạt động của công ty không đạt tối đa tiềm năng.

Nhu cầu thứ hai đến từ việc phát triển của công ty. Đội ngũ nhân sự đang hoạt động ổn định, nhưng cần chất xúc tác để nâng cấp năng lực, tiến lên, đạt bước đột phá tiếp theo, phát triển từng cá nhân để doanh nghiệp đi lên.

Thứ hai là nên áp dụng khai vấn ở các bộ phận nào? Hiện nay, công việc phòng nhân sự một doanh nghiệp chia làm 3 mảng chính là chính sách lương thưởng, tuyển dụng, đào tạo và phát triển. Việc khai vấn nên tập trung vào mảng đào tạo và phát triển.

Cách hoạt động là người phụ trách đào tạo phát triển nhân sự sẽ hẹn gặp thường xuyên người được khai vấn để trò chuyện về kế hoạch cá nhân có ảnh hưởng đến việc kinh doanh của công ty.

Mật độ gặp tùy vào hai bên sắp xếp và kế hoạch phát triển lâu dài của công ty. Mỗi lần gặp khoảng 45 - 60 phút. Đó gọi là khai vấn nội bộ (internal coaching).

Đối với một số nhân vật quan trọng, lãnh đạo cấp cao, những công ty đang sử dụng khai vấn sẽ tìm đến một công ty chuyên cung cấp dịch vụ khai vấn lãnh đạo (executive coaching) để người được khai vấn thoải mái trao đổi, hay còn gọi là khai vấn từ bên ngoài (external coaching). Đặc trưng đạo đức và thỏa thuận có ký kết của khai vấn là bảo mật thông tin, nên khi trao đổi với người ngoài doanh nghiệp, lãnh đạo dễ chịu, dễ đón nhận và dễ có lợi ích từ khai vấn hơn.

Thứ ba là làm sao để đo hiệu quả sau khi ứng dụng khai vấn? Nhìn chung khai vấn là quá trình phát triển nhân sự lâu dài, xuất phát từ những hành động có được sau mỗi buổi trò chuyện. Thông thường, doanh nghiệp không đo lường hiệu quả khai vấn sau mỗi buổi, mà là so sánh quá trình thay đổi về con người (thái độ, năng lực), cũng như hiệu quả công việc người này mang lại cho công ty trước và sau quá trình khai vấn.

Tuy nhiên, có một điều nhiều doanh nghiệp hay lầm là khai vấn giống như “huấn luyện” trong thể thao, tức là cầm tay chỉ việc, là khuyên. Trong khi thực tế, “khuyên” là hoạt động chính của tư vấn (consulting), cố vấn (mentoring) nhiều hơn. Bản chất của khai vấn là đặt câu hỏi để người nghe tự đi tìm câu trả lời từ chính mình. Khi đã trở thành lãnh đạo cấp cao, đại đa số những người được khai vấn đã có vốn sống và kiến thức nhất định, đã qua đào tạo nhất định và đủ lượng thông tin cũng như năng lực để ra quyết định sáng suốt cho bản thân và doanh nghiệp.

Apple đang đăng tuyển nhân sự làm việc tại Việt Nam
Đại diện đơn vị nhận đặt hàng tuyển dụng của Apple cho biết, mức lương cho vị trí Giám đốc phân phối của Apple Việt Nam là khá cao so với...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư