Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 26 tháng 04 năm 2024,
Kinh tế phục hồi rõ nét hơn
Nguyên Đức - 29/05/2015 13:57
 
Những tín hiệu tích cực của nền kinh tế tiếp tục được ghi nhận, song khó khăn cũng còn rất lớn.

Các chỉ số kinh tế vĩ mô tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2015 tiếp tục ghi nhận sự hồi phục của nền kinh tế, trong đó, theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 5 tăng 7,5%, tính chung 5 tháng tăng 9,2% so với cùng kỳ năm trước.

“Mức tăng IIP cho thấy rõ nét nhất sự hồi phục của nền kinh tế, đặc biệt trong sản xuất công nghiệp - lĩnh vực luôn có đóng góp lớn cho tăng trưởng kinh tế. Năm ngoái, IIP tháng 5 chỉ tăng 5,9%, còn IIP 5 tháng tăng 5,6% so với cùng kỳ năm trước đó. Trong 5 tháng đầu năm 2013, IIP thậm chí còn tăng thấp hơn, chỉ ở mức 5,2%”, lãnh đạo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết.

Chỉ số sản xuất công nghiệp trong 5 tháng đầu năm tăng tới 9,2% so với cùng kỳ năm trước. Ảnh: CC
Chỉ số sản xuất công nghiệp trong 5 tháng đầu năm tăng tới 9,2% so với cùng kỳ năm trước. Ảnh: CC

 

Trong khi đó, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5 dù có nhích lên, song cũng chỉ tăng 0,16% so với tháng trước và tăng 0,2% so với tháng 12 năm ngoái. Tính bình quân, CPI 5 tháng đầu năm tăng 0,83% so với cùng kỳ năm trước.

Như vậy, bất chấp giá xăng tăng 11% vào đầu tháng 5, giá điện tăng 7,5% ngày 16/3, thì CPI chỉ nhích nhẹ. Lạm phát, theo cách tính của Việt Nam, cho tới thời điểm này mới tăng 0,2% - mức thấp nhất trong vòng 10 năm trở lại đây.

Bình luận về con số này, TS. Trần Du Lịch, chuyên gia kinh tế một lần nữa khẳng định, đây là tín hiệu tích cực, cho thấy sự ổn định vĩ mô một cách vững chắc hơn của nền kinh tế. Đây sẽ là nền tảng để GDP đạt mức tăng trưởng cao hơn trong năm nay.

Cũng cần phải nhắc lại rằng, sau khi lạm phát cao quay trở lại vào năm 2011, với con số lên tới 18,58%, Chính phủ đã kiên định mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Kết quả là, 5 tháng đầu năm, CPI mới tăng 0,2%. Điều này càng thêm căn cứ để khẳng định, Chính phủ đã thành công trong điều hành kinh tế vĩ mô.

Sự hồi phục của nền kinh tế là điều đã được khẳng định từ đầu năm tới nay. Con số được Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc báo cáo trước Quốc hội là, tăng trưởng GDP quý I đạt 6,03%, mức cao nhất trong 5 năm qua, đã khẳng định điều này.

Nếu cần viện dẫn, có thể lấy thêm con số 4,95 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) giải ngân trong 5 tháng qua, tăng 7,6% so với cùng kỳ để chứng minh. FDI giải ngân tăng chứng tỏ nhà đầu tư nước ngoài vẫn tiếp tục tin tưởng vào tiềm năng phát triển của nền kinh tế cũng như môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam.

Đây là những con số được báo cáo tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 5/2015, trong khi Quốc hội vừa có những phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội năm 2014 và những tháng đầu năm nay.

Những đánh giá tích cực về nền kinh tế cũng đã được các đại biểu Quốc hội khẳng định. Tuy nhiên, khó khăn phía trước cũng vẫn còn rất lớn, mà một trong số đó là vấn đề sản xuất nông nghiệp, tiêu thụ nông sản.

Cũng một phần vì khó khăn trong xuất khẩu nông sản, nên 5 tháng đầu năm, xuất khẩu của Việt Nam ước đạt 63,2 tỷ USD, chỉ tăng 7,3% so với cùng kỳ, thấp hơn mục tiêu đề ra và bằng một nửa mức tăng 15,4% cùng kỳ năm 2014.

Trong khi đó, số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, với kim ngạch nhập khẩu 66,2 tỷ USD, thì ước tính 5 tháng đầu năm, Việt Nam nhập siêu khoảng 3 tỷ USD, trong khi 5 tháng đầu năm ngoái xuất siêu 1,6 tỷ USD. Nhập siêu cao đang là mối lo lớn của nền kinh tế, nhất là trong bối cảnh xuất khẩu tăng trưởng chậm lại.

Cùng với nhập siêu, nỗi lo của các đại biểu Quốc hội khi thảo luận tình hình kinh tế - xã hội còn là vấn đề nợ xấu, nợ công, cũng như các vấn đề liên quan đến tái cơ cấu nền kinh tế. Đây cũng là những nội dung được thảo luận tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 5/2015.

Báo cáo Quốc hội, Chính phủ cho biết, đến cuối tháng 2/2015, nợ xấu giảm còn 3,59%. Tuy nhiên, xung quanh con số này còn nhiều quan điểm khác nhau. Điều quan trọng là, nếu nợ xấu không sớm được xử lý, thì hệ lụy đối với nền kinh tế là rất lớn.

Ý kiến - Nhận định

Kinh tế tăng trưởng tốt trong điều kiện lạm phát thấp.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TP.HCM)

Kinh tế Việt Nam đang phục hồi và tăng trưởng tốt. Chúng ta có thể nhìn nhận được kết quả thành công kép: kinh tế tăng trưởng tốt trong điều kiện lạm phát thấp. Với chỉ số giá tiêu dùng 5 tháng đầu năm là 0,2%, chỉ số lạm phát tháng 5 là 0,95%, chúng ta có thể kiểm soát được lạm phát ở mức 3% trong năm nay.

Kinh tế tăng trở lại thì nhập siêu lại tăng nhanh.

Đại biểu Trần Du Lịch (đoàn TP.HCM)

Trong 5 tháng đầu năm, kinh tế xuất hiện trở lại 2 vấn đề không có gì mới, đó là tái nhập siêu và đầu ra cho nông nghiệp. Đây là căn bệnh trầm kha từ cơ cấu kinh tế, chứ không phải chuyện điều hành. Cứ đầu tư tăng, kinh tế tăng trở lại thì nhập siêu lại tăng nhanh, không thể nào ngăn được, bởi cái gốc của vấn đề là cơ cấu kinh tế.

Vấn đề thứ hai, nông nghiệp chưa thích nghi được trong hội nhập. Cái gốc của vấn đề là chúng ta quá chậm trễ trong việc tái cấu trúc kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng.

Doanh nghiệp vẫn khó khăn.

Đại biểu Nguyễn Thị Nguyệt Hường (đoàn Hà Nội)

Trong bức tranh tổng thể tình hình kinh tế - xã hội 2014 và những tháng đầu năm 2015, Chính phủ cần tập trung phân tích, làm rõ thêm tình hình phát triển của khối doanh nghiệp, khi mà số doanh nghiệp phá sản không ngừng tăng. Bên cạnh đó, tỷ lệ doanh nghiệp nộp thuế rất thấp (năm 2014, chỉ có khoảng 50% số doanh nghiệp còn hoạt động phát sinh thuế). Điều đó cho thấy, doanh nghiệp vẫn khó khăn và trong số các doanh nghiệp phá sản, có cả doanh nghiệp tầm trung.

Chính sách ban hành còn dàn trải, không tập trung.

Đại biểu Trần Quang Chiểu (đoàn Nam Định)

Nhiều chính sách của chúng ta không có sức sống. Doanh nghiệp là chủ thể của nền kinh tế, đáng lẽ, chính sách đầu tư phát triển phải hướng vào doanh nghiệp, thì chính sách ban hành lại dàn trải, không tập trung, không đúng địa chỉ.

Đơn cử, trong phát triển nông nghiệp, chúng ta ban hành hàng loạt chính sách hỗ trợ cho đủ mọi đối tượng.

Lượng hóa chương trình tái cơ cấu nền kinh tế
Lần đầu tiên, việc thực hiện Chương trình tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế được lượng hóa bằng những con số. Xu hướng tích cực hiện...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư