Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 26 tháng 04 năm 2024,
M&A: Tiền chưa phải là quan trọng nhất
Nhã Nam - 18/03/2017 08:16
 
Để cuộc “hôn phối” giữa hai doanh nghiệp thành công, vấn đề không hẳn là tiền, mà còn là quản trị doanh nghiệp như thế nào? Bởi thế, nhiều khi mua đứt doanh nghiệp chưa phải đã tốt, mà hợp tác mới là sự lựa chọn hoàn hảo.
TIN LIÊN QUAN

Không có mẫu số chung cho bất cứ thương vụ mua bán, hay hợp tác nào giữa các doanh nghiệp. Bởi thế, dễ hiểu vì sao ngay sau khi câu chuyện của một doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực bán lẻ, hiện sở hữu chuỗi 20 cửa hàng, đang tính toán xem nên mua lại hay hợp tác với một startup chuyên thiết kế các ứng dụng giao hàng và thiết kế online... được phát sóng trên Chương trình CEO - Chìa khóa thành công, rất nhiều quan điểm trái chiều đã xuất hiện - tương tự như sự xung đột quan điểm giữa CEO và cổ đông của công ty này.

Ông Phạm Đình Huấn trong vai trò CEO kỳ này
Ông Phạm Đình Huấn trong vai trò CEO kỳ này

Người ủng hộ quan điểm của CEO, là chỉ nên bắt tay hợp tác và chia sẻ lợi nhuận với startup. Nhưng cũng có rất đông đảo đồng tình với quan điểm của các cổ đông, đó là doanh nghiệp nên đầu tư để mua lại hoàn toàn công ty này, bởi khi nắm startup trong tay, doanh nghiệp hoàn toàn có thể chi phối, điều hành các hoạt động của startup đó theo định hướng của mình.

“Tôi đồng ý với cổ đông là nên mua - bán thay vì hợp tác, thì doanh nghiệp sẽ phát triển sâu và rộng hơn”, bạn Phạm Thị Thiệp đã chia sẻ như vậy trên fanpage của Chương trình CEO - Chìa khóa thành công.

Trong khi đó, cũng thẳng thắn như thế, bạn Đào Mạnh Linh khẳng định, hợp tác hai bên cùng có lợi là một ý kiến hay, bởi cả doanh nghiệp và startup có thể bổ trợ cho nhau cùng phát triển.

Nếu dành thời gian đọc hết các bình luận trên trang fanpage của Chương trình mới thấy, có quá nhiều vấn đề trong câu chuyện M&A, mà không phải chỉ là tiền, là giá trị thương vụ đó bao nhiêu. Để cuộc “hôn phối” giữa các doanh nghiệp thành công, còn là chuyện quản trị sau sáp nhập ra sao.

“Khi quyết định mua đứt hay hợp tác, đừng dựa trên quá nhiều về yếu tố nguồn vốn, mà hãy xem xét khả năng quản trị của CEO đối với doanh nghiệp ra sao, trong bối cảnh phải gánh thêm một doanh nghiệp khác nữa”, một khán giả của Chương trình CEO - Chìa khóa thành công bình luận.

Và đây không phải là ý kiến duy nhất. “Dù là hợp tác hay mua đứt thì cũng sẽ có một sự va chạm văn hóa vô cùng lớn giữa startup và doanh nghiệp. Nếu ‘miếng mồi’ vẫn ngon khi vứt vào nồi lẩu thập cẩm thì nên mua đứt, còn không thì hợp tác là giải pháp tối ưu và an toàn nhất”, bạn Dương Thanh Tú bày tỏ quan điểm.

Chương trình được phát sóng vào lúc 10h sáng Chủ nhật (12/3/2017) và phát lại vào 8h sáng thứ Hai (13/3/2017). Quý doanh nghiệp, doanh nhân có thể xem thông tin chi tiết về chương trình tại fanpage facebook: www.facebook.com/ceochiakhoathanhcongsme. Các chương trình lên sóng đều được phát online trên kênh CEOTVNEXT của Youtube.

“Nếu mua đứt, liệu có quản trị được họ để họ nâng cao được năng suất, hay gò bó họ?”, bạn Lee Đạo bình luận.

Thực tế, đây không chỉ là vấn đề của riêng doanh nghiệp nói trên, mà còn của nhiều doanh nghiệp Việt Nam khác trong việc thực hiện các thương vụ M&A. Cách đây ít năm, khi Thiên Minh mua lại hệ thống Victoria Hotels & Resorts từ đối tác nước ngoài, điều khiến ông Trần Trọng Kiên, Chủ tịch, kiêm Tổng giám đốc của Thiên Minh lo ngại nhất chính là sau sáp nhập sẽ quản trị hệ thống này ra sao. Nhận chuyển nhượng hệ thống này, chỉ riêng việc nhận thêm hơn 1.250 nhân viên cũng đã khiến ông Kiên đau đầu, huống chi còn rất nhiều vấn đề đằng sau khác.

Chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực M&A cũng thừa nhận, câu chuyện tăng vốn, mở rộng mạng lưới, thúc đẩy sản xuất - kinh doanh… chỉ là một trong những cấu phần của việc hậu sáp nhập, còn điều quan trọng nhất và đáng quan tâm hàng đầu là năng lực quản trị. Những khác biệt về quản trị, văn hóa doanh nghiệp…, nếu không giải quyết thỏa đáng, thì cuộc “hôn phối” sẽ chẳng thể thành công.

Bởi thế, đối với vấn đề của doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực bán lẻ nói trên, nên mua đứt hay bắt tay hợp tác thực sự không phải là dễ trả lời. Có lẽ, đó cũng là lý do vì sao, CEO của Chương trình, ông Phạm Đình Huấn, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần VietKTV cần đến sự trợ giúp của các chuyên gia tư vấn.

Trong chương trình kỳ này, ông Robert Trần, Tổng giám đốc Tập đoàn Tư vấn chiến lược Robenny khu vực Mỹ và châu Á - Thái Bình Dương và ông Võ Tấn Long, Giám đốc Khối Dịch vụ ngân hàng số Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng VP Bank sẽ ngồi ở vị trí chuyên gia. Và chắc chắn, kinh nghiệm của các vị chuyên gia này sẽ hỗ trợ rất lớn cho các doanh nghiệp trong quá trình ra quyết định, nên mua đứt hay hợp tác.

Chuyên mục được thực hiện với sự hợp tác của Chương trình CEO - Chìa khóa thành công do Đài Truyền hình Việt Nam và Tổ hợp Truyền thông Hoàng Gia phối hợp sản xuất với sự đồng hành của nhãn hàng OTIV.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư