Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 27 tháng 04 năm 2024,
Nafoods Group muốn quy hoạch 12.000 ha trồng “cây tiền mặt”
Thùy Liên - 24/02/2016 15:14
 
Tân binh mới trên sàn chứng khoán Nafoods Group (NAF) đang đề xuất với Bộ NN&PTNT quy hoạch vùng nguyên liệu chanh leo lên 12.000-15.000h để đáp ứng nhu cầu sản xuất. Đây là loại cây cho năng suất, hiệu quả cao, từ 200 triệu đến 2 tỷ đồng/ha, được mệnh danh là “cây tiền mặt”.
TIN LIÊN QUAN

Mở rộng vùng nguyên liệu chanh leo

Hiện nay, Công ty cổ phần Nafoods Group đang là đơn vị tiêu thụ Chanh leo lớn nhất cả nước. Khoảng 60%-70% sản lượng chanh leo của toàn Việt Nam được Nafoods thu mua để sản xuất các loại sản phẩm khác nhau phục vụ cho nội địa cũng như xuất khẩu.

Trong đó dạng sản phẩm cô đặc chiếm thị phần lớn và được ưa chuộng trên khắp thế giới. Với diện tích và sản lượng chanh leo hiện nay thì mới chỉ đáp ứng khoảng 60% công suất chế biến của Nhà máy sản xuất tại Nghệ An với sản lượng chanh leo cô đặc xuất khẩu hàng năm của Nafoods đạt từ 2000- 3.000  tấn chanh leo cô đặc chiếm khoảng 8% - 10% sản lượng trên thị trường thế giới.

Hiện tại, Công ty đang xây dựng nhà máy thứ hai tại ĐBSCL. Sau khi nhà máy hoàn thành, dự kiến phải có vùng nguyên liệu 12.000-15.000ha mới đủ đáp ứng nhu cầu.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch HĐQT Nafoods cho hay, hiệu quả trồng chanh leo khá cao, thu nhập từ 200 triệu đến 2 tỷ đồng/ha/năm, lại trồng chủ yếu ở vùng núi cao.

Hiện nay, tăng trưởng của công ty mỗi năm khoảng 30%, thị trường ngày càng rộng mở. Do đó, Nafoods rất muốn mở rộng vùng nguyên liệu. Công ty đã tiến hành khảo sát, lựa chọn các vùng có thể phát triển trồng chanh leo nguyên liệu cho Nafoods ở Tây Nguyên và Tây Bắc.

Nafoods đề nghị, Bộ NN&PTNT cần quy hoạch vùng nguyên liệu chanh leo để phát triển vùng nguyên liệu cho Nafoods trong đó trọng điểm là tỉnh Gia Lai với diện tích đề xuất khoảng 5.000ha, tỉnh Lâm Đồng khoảng 2.000ha, tỉnh Đắck Nông khoảng 2.000 ha để phục vụ nguyên liệu cho nhà máy chế biến của Nafoods tại tỉnh Long An và một phần cho Nhà máy tại Nghệ An và dự kiến một Nhà máy sơ chế ngay tai Gia Lai, Quy hoạch tại tỉnh Hòa Bình và Mộc Châu Sơn La khoảng 1.500ha, Nghệ An 1.500ha để phục vụ nguyên liệu cho nhà máy của Nafoods tại Nghệ An.

“Tại mỗi địa phương giao cho Nafoods tối thiểu 300ha đất  để Nafoods đầu tư trồng làm mô hình và dẫn dắt người dân phát triển trồng theo”, ông Hùng nói thêm.

Ngăn chặn nhập khẩu giống cây lây bệnh từ Đài Loan

Bên cạnh kiến nghị về vùng nguyên liệu, Nafoods cũng đề nghị Bộ NN&PTNT sớm cấp phép cho công ty thành lập Viện nghiên cứu giống chanh leo, công nhận một số giống chanh leo do công ty sản xuất, đồng thời có biện pháp ngăn chặn nhập khẩu giống chanh leo gây bệnh từ Đài Loan, nhằm chặn vi rút lây lan trong cả nước.

Được biết, thời gian gần đây, năng suất chanh leo của bà con nông dân giảm mạnh, nhiều khi mất trắng. Trong đó, 80% giống chanh leo nước ta được nhập khẩu từ Đài Loan.

Giáo sư Woo Nang Chang, chuyên gia giống chanh leo của Đài Laon cho hay, việc lấy mẫu kiểm tra gần đây cho thấy, 100% mẫu cây giống nhập khẩu từ Đài Loan gần đây đều có sự xuất hiện của vi rút gây bệnh gỗ hóa cây.  Vi rút này có khả năng lây lan sang nhiều loại cây trồng khác như các cây thuộc họ bầu bí, cà…

Vì vậy, ông Nguyễn Mạnh Hùng kiến nghị, Bộ NN&PTNT cần sớm xây dựng và ban hành bộ tiêu chuẩn cây giống chanh leo được phép sản xuất tại Việt Nam để ngăn chặn sự lây lan của các loại viruts gây hại. Trong thời gian chờ xây dựng và ban hành bộ tiêu chuẩn cây giống chanh leo đề nghị Bộ Nông nghiệp chỉ đạo và có ý kiến với các cơ quan chức năng  kiểm soát chặt chẽ việc nhập khẩu cây giống chanh leo từ Đài Loan, nếu có viruts thì tuyệt đối không cho nhập khẩu.  

Liên quan đến các kiến nghị của doanh nghiệp, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát yêu cầu các đơn vị thuộc bộ phải kiểm tra lại và tạm thời đình chỉ nhập khẩu giống chanh leo từ Đài Loan, nếu việc kiểm tra thấy 100% mẫu có nhiễm vi rút. Đồng thời, Bộ trưởng cũng yêu cầu các đơn vị trong hai quý tới cần xem xét xây dựng vùng nguyên liệu chanh leo. Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng yêu cầu doanh nghiệp đảm bảo thu mua cho dân, tránh việc dân trồng xong lại không có đơn vị thu mua.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư