Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 26 tháng 04 năm 2024,
Năm Thân nói chuyện võ khỉ
Ngọc Tân - 10/02/2016 21:15
 
Hầu quyền được các võ sư tạo nên không chỉ dựa vào những động tác, tư thế chiến đấu của loài khỉ, mà còn là cái “thần thái” và sự tinh ranh của loài này. Để đạt được cảnh giới của Hầu quyền, hành giả “người luyện võ” phải nắm được cái “thần” của loài khỉ, từ đó những chiêu thức mới có thể biến hoá đa dạng được.

Từ xa xưa cả ngàn năm, người Trung Hoa sớm đã tìm được sự đồng điệu và cảm hứng từ các loài linh cầm thú. Đến thời Hoa Đà dược sư (Tam quốc), ông đã dựa trên các động tác của các loài hầu, hổ, báo, xà, hạc mà lập nên môn “ngũ cầm” để rèn luyện thân thể. Đến cuối thời Tuỳ, đầu đời Đường, các võ tăng Thiếu Lâm Tự đã dựa vào đó phát triển thành các môn võ Hầu quyền, Hổ quyền, Xà hình quyền, Báo quyền, Hạc quyền. Trải qua năm tháng suy nghiệm và đúc rút từ chiến đấu thực tiễn, các môn võ này đã trở nên linh diệu và trở thành các môn võ thuật lợi hại trên chiến trường.

Trong các loài “ngũ cầm” nói trên, loài khỉ cũng đã trở thành hình tượng của một môn võ công lợi hại bậc nhất thế giới võ lâm Trung Nguyên. Các quyền sư đã khéo léo đúc rút từ thần thái, các động tác và sự tinh khôn thông minh của loài khỉ để phát triển thành môn Hầu quyền – một trong những môn võ thuật tiêu biểu của dòng võ Thiếu Lâm Tự.

Loài khỉ trở thành hình tượng để các võ sư tạo ra môn võ Hầu quyền
Loài khỉ trở thành hình tượng để các võ sư tạo ra môn võ Hầu quyền

Thời nhà Đường, trong “Tây Du ký”, nhà văn Ngô Thừa Ân khi viết nên tiểu thuyết này đã sáng tạo nên nhân vật Tôn Ngộ Không, một nhân vật “đấu chiến thắng Phật” với võ công và 72 phép thuật tuyệt đỉnh. Có lẽ những ai đã từng đọc tiểu thuyết này và cả từng xem phim không khó để nhận ra môn võ công mà Hầu vương Ngộ Không đã sử dụng chính là “Hầu quyền”. Hầu quyền của Ngộ Không với sự linh hoạt của những đòn tay, đòn chân, sự mưu mẹo trong việc dẫn dụ chiêu thức đã dễ dàng đánh bại các đối thủ trong những pha chiến đầu tay không cũng như binh khí. Mặc dù tiểu thuyết đề cao sức mạnh của 72 phép biến hoá của Ngộ Không, nhưng tiểu thuyết đã mô tả rất tỷ mĩ các thế võ trong những trận chiến giữa Ngộ Không và các loài tiểu quỷ khác. Theo một số tài liệu cổ về võ thuật Trung Hoa của các tác giả như Thích Kế Quang, Trình Xung Đẩu (Trình Tòng Du), những võ sư đã thành danh trên chiến trường từng xuất thân từ chùa Thiếu Lâm Tự sau này thì để miêu tả được những màn kịch chiến của Tôn Ngộ Không, tác giả Ngô Thừa Ân đã từng thân chinh lên núi Đăng Phong để xem các võ sư Thiếu Lâm Tự biểu diễn tuyệt kỹ Hầu quyền.

Trong bộ phim truyền hình “Tây Du kỳ” phiên bản kinh điển năm 1986 của đại diễn Dương Khiết, phiên bản được xem là thành công nhất cho đến thời điểm hiện giờ, Hầu quyền một lần nữa đã được giới thiệu đến cả thế giới với tài năng diễn xuất của nghệ sĩ Lục Tiểu Linh Đồng.

Lục Tiểu Linh Đồng, con trai của cố nghệ sỹ Lục Linh Đồng -người vào vai xuất sắc nhất về nhân vật Tôn Ngộ Không của nền kinh kịch Trung Hoa vượt qua được cái bóng của cha và các bậc tổ tiên trong dòng tộc (dòng họ vốn có truyền thống về vai diễn Hầu vương và võ thuật Hầu quyền) để tạo nên vai diển Tôn Ngộ Không kinh điển. Bộ phim này đã trở thành cơn sốt trên toàn thế giới, qua đó góp công vào sự truyền bá võ thuật Wushu ra khắp nơi. Lần đầu tiên các tín đồ võ thuật trên thế giới được biết đến một môn võ công lợi hại khác ngoài “Triệt quyền đạo” của Lý Tiểu Long đó là Hầu quyền. Với căn cơ hơn người về môn võ gia truyền Hầu quyền cũng như tài năng diễn xuất lỗi lạc, Lục Tiểu Linh Đồng đã thể hiện được toàn bộ nét tinh tuý của võ Hầu quyền qua nhưng cảnh phim miêu tả các đoạn chiến đấu với các đối thủ. Trong phim, những nét căn bản của Hầu quyền như “âm, độc, tôn, hoạt, gian” (âm hiểm, tàn độc, giảo hoạt, gian xảo) đều được khắc hoạ rõ nét qua các phân đoạn chiến đấu với các tiểu quỷ trên chặng đường đi thỉnh kinh cùng nhà sư Đường Huyền Trang. Những phân đoạn chiến đấu với các chiêu thức đa dạng về các thủ pháp quyền, câu thủ, những thế cước pháp với thân bộ hơi rùn xuống, các bộ pháp di chuyển vào ra nhập nội và đảo vòng liên tục nhằm dẫn dụ đội phương tấn công để tìm ra sơ hở phản đòn…đó chính là nét căn bản trong võ Hầu quyền mà Lục Tiểu Linh Đồng đã thể hiện trên phim.

Cũng như môn Thái Cực quyền, môn Hầu quyền cho đến nay người ta cũng khó để thẩm tra được tường tận về “tổ sư” của môn võ này, nếu Thái Cực quyền được cho là ra đời vào thời điểm cuối đời Nguyên, đầu đời nhà Minh thì Hầu quyền được cho là ra đời trong giai đoạn đầu nhà Đường, khi chùa Thiếu Lâm Tự được xây dựng. Hầu quyền được các võ sư tạo nên không chỉ dựa vào những động tác,tư thế chiến đấu của loài khỉ, mà còn là cái “thần thái” và sự tinh ranh của loài này. Để đạt được cảnh giới của Hầu quyền, hành giả “người luyện võ” phải nắm được cái “thần” của loài khỉ, từ đó những chiêu thức mới có thể biến hoá đa dạng được.

Vào thời Khang Hy nhà Thanh, một võ sư người Mãn Châu là Phách Quải vốn nổi tiếng với môn võ cầm nã của người Mãn trong một lần phạm tội bị chuyển vào lao ngục. Lúc bấy giờ, lao ngục người ta phân thành 3 vòng canh giữ, trong đó vòng trong cùng người ta dùng chính loài khỉ để canh phòng tù nhân. Những con khỉ ranh mãnh và hung dữ có thể cào xé và cắn nát tù nhân nếu họ muốn vượt ngục. Với võ công điêu luyện, Phách Quải đã tìm mọi cách để vượt ra ngoài nhưng dù cố gắng nhiều lần nhưng vẫn thất bại. Sau nhiều lần như vậy, ông đã từ bỏ ý định vượt ngục và cố gắng chăm chú những động tác của những con khỉ canh ngục. Sau thời gian, ông đã sáng tạo ra môn võ “Đại thánh Phách Quải môn”. Từ những chiêu thức của loài khỉ, ông kết hợp với môn võ của mình chế tác thành bài Thiếu Hầu quyền. Đặc điểm của môn này hơi khác so với Hầu quyền đó là sự pha trộn của các thế cầm, nã, tróc, quăng vật của người Mãn.

Trong 108 chiêu thức tinh hoa của Thiếu Lâm tự được xem là căn cốt mà mọi võ sư cao cấp đều phải tinh thuộc cũng có những chiêu thức khá lợi hại dựa vào động tác loài khỉ như “hầu tử thâu đào”, “hầu vương trộm nguyệt”…

Ở Việt Nam, Tại Việt Nam trước 1975 cũng có cao thủ hầu quyền học từ Đại Thánh Phách Quải môn tên là Trần Lâm. Trần Lâm qua đời để lại duy nhất một truyền nhân mang tên Trần Cẩu võ đường Nhơn Nghĩa Đường).

Tại thành phố Huế, Việt Nam hiện nay cũng đang lưu truyền một dòng phái Hầu quyền mang tên Hầu quyền đạo Việt Nam. Môn phái này do võ sư Hoàng Thành (người Huế) lập ra vào năm 1975 tại Sài Gòn. Hiện nay phụ trách ở Huế đang là võ sư Nguyễn Văn Anh (Chủ tịch Hội võ thuật cổ truyền Thừa Thiên Huế) và võ sư Hoàng Sơn (em trai võ sư Hoàng Thành), Hầu Quyền đạo được 2 võ sư này huấn luyện tại đường Bến Nghé và khu vực chân núi Ngự Bình. Cũng như đặc điểm chung của võ Hầu quyền, Hầu quyền đạo Việt Nam mang đặc trưng của môn phái là nhu nhuyễn âm kình, nguyên lý âm dương tương tế, dĩ nhu thắng cương. Thủ pháp, cước pháp, quyền pháp cũng tương tự hệ thống thủ cước pháp Võ cổ truyền Việt Nam, tuy nhiên môn phái sử dụng nhiều thủ pháp câu thủ, tấn công bằng mu bàn tay, sử dụng câu thủ để quắp đòn, đở đòn, dùng thân pháp né tránh với bộ tấn thấp để né đòn, sau đó tấn công vào các vị trí yếu huyệt địch thủ như cổ tay, hông, hai bên thái dương, các huyệt chấn thuỷ, huyệt mi tâm… Trong những năm qua, ở Thừa thiên Huế, phái Hầu Quyền đạo cũng tham gia vào nhiều giải đấu cấp tỉnh và quốc gia, đạt được nhiều thành tích cao trong thi đấu.

Có thể nói, Hầu quyền tựu chung mang phong cách nhẹ nhàng, bộ pháp di chuyển linh hoạt, thủ pháp khi kín khi hở nhằm phòng thủ và dẫn dụ. Trong tấn công, bộ pháp di chuyển thường kết hợp với việc nhập nội nhanh bằng nhào lộn, nhảy, chụp bắt, tróc. Một đặc điểm đặc biệt khi thi triển Hầu quyền là võ sư thường phải phải hút môi tóp má lại khi thi triển công phu để thâu khí sau đó phối hợp với động tác để phân phối khí lực thở ra bằng mũi, do đó việc luyện tập thở được nhấn mạnh trong môn võ vày. Kinh nghiệm của các bậc võ sư đi trước cho thấy, để có được một bộ pháp di chuyển linh hoạt nhanh nhẹn tạo ưu thế trong chiến đấu, người học Hầu quyền thường mang ủng bọc đất trong đôi chân để chạy bộ. Sau thời gian luyện tập, đôi chân có thể di chuyển với tốc độ cao và tung được những cú đá nhanh phi thường.

(HLV cấp quốc gia môn phái Hầu quyền đạo Việt Nam)



Lái xe đường dài ngày Tết cần lưu ý gì?
Luôn chú ý chạy chậm, không bám đuôi hay kiểm tra phanh là những kỹ năng tài xế cần biết khi chạy xe ngày Tết.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư