Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 26 tháng 04 năm 2024,
Quốc lộ 14: Mở cánh cửa giao thương Tây Nguyên
Sơn Thắng - 12/09/2013 09:41
 
Năm 2016, Dự án Nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 14 chính thức hoàn thiện, đánh dấu bước ngoặt quan trọng cho sự phát triển của Tây Nguyên, mở cánh cửa giao thương khu vực này với Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam… Đầu tư 1.775 tỷ đồng cho Quốc lộ 14 qua Gia Lai
TIN LIÊN QUAN

Tháo nút thắt kinh tế

Cuối tháng 6/2013, Bộ Giao thông - Vận tải, UBND tỉnh Đắk Nông phối hợp với Liên danh Toàn Mỹ 14 - Băng Dương đã chính thức khởi công Dự án Nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 14 thuộc đường Hồ Chí Minh qua tỉnh Đắc Nông (từ Km 1793+600 đến Km 1824+00), với tổng mức đầu tư hơn 1.023 tỷ đồng, theo hình thức BOT.

Nhân dịp khởi công Dự án Quốc lộ 14, Toàn Mỹ 14 trao tặng 10 tấn gạo cho đồng bào hai huyện Cư Jut và huyện Đắk Mil (Đắk Nông)

Dự án có chiều dài xấp xỉ 30 km, do Liên danh Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng Toàn Mỹ 14 - Băng Dương làm chủ đầu tư. Dự án được nâng cấp tương đương đường cấp III đồng bằng, hai làn xe cơ giới, vận tốc thiết kế 60 - 80 km/giờ, dự kiến hoàn thành và đưa vào khai thác, thu phí từ tháng 1/2016.

Đại tướng Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Trưởng ban Chỉ đạo Tây Nguyên khẳng định, đây là công trình hạ tầng có vai trò đặc biệt quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh quốc phòng cho các tỉnh Tây Nguyên. Cần nói thêm rằng, Quốc lộ 14 đi trùng với đường Hồ Chí Minh dài 663 km là tuyến huyết mạch nối các tỉnh Tây Nguyên với các tỉnh Đông Nam Bộ và TP.HCM.

Theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Quốc lộ 14 sẽ được đầu tư lớn để nâng cấp đạt tiêu chuẩn đường cấp III. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, toàn tuyến đường Quốc lộ 14 đang xuống cấp, không thể đáp ứng được nhu cầu tham gia giao thông, vận tải hàng hóa ngày càng tăng và thường xuyên xảy ra những vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng làm thiệt hại về người và tài sản phần lớn do chất lượng đường xuống cấp, hư hỏng.

Thứ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Nguyễn Hồng Trường đánh giá, khu vực các tỉnh Tây Nguyên hiện không có đường sắt, đường thủy, nên tuyến đường Hồ Chí Minh đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế, xã hội của vùng. Vì vậy, đề nghị UBND tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông gấp rút chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc và các địa phương triển khai công tác giải phóng mặt bằng, sớm bàn giao để nhà đầu tư có điều kiện đẩy nhanh tiến độ thi công, với mục tiêu thi công công trình ít ảnh hưởng nhất đến việc đi lại của quốc lộ hiện hữu và đời sống bà con vùng Dự án.

Theo ông Trường, hiện Quốc lộ 14 đoạn qua Tây Nguyên dài 663 km đã cơ bản hoàn thành 187 km bằng vốn trái phiếu chính phủ, đã và đang triển khai xây dựng 274 km, còn lại 202 km/tổng mức đầu tư 6.500 tỷ đồng, dự kiến được đầu tư bằng nguồn vốn trái phiếu chính phủ bảo lãnh, phấn đấu cơ bản hoàn thành vào cuối năm 2016.

Lãnh đạo chính quyền và cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên cũng đã đặt nhiều kỳ vọng vào dự án này, bởi điều kiện giao thông kém phát triển hiện nay là một trong những nguyên nhân chia cắt giao thương khu vực, kiềm chế kích hoạt kinh tế Tây Nguyên, một vùng đầy tiềm năng phát triển.

Đơn cử như Đắk Nông, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, đây là vùng đất tiềm ẩn điều kiện phát triển nông nghiệp và du lịch chưa được khai phá nhờ sở hữu nhiều điểm du lịch tự nhiên độc đáo và là nơi hội tụ đa dạng truyền thống văn hóa đặc sắc của các dân tộc anh em. Chưa kể, Đắc Nông có tiềm năng về khoáng sản rất lớn, với trữ lượng bô-xít ước khoảng 3,4 tỷ tấn, trữ lượng thăm dò 2,6 tỷ tấn. Ngoài ra, còn có mỏ đất sét, đá bazan, thiếc…

Tiềm năng có thừa, nhưng điều kiện phát triển hiện nay chưa đủ sức để kích hoạt. Chính quyền địa phương cũng đã khẳng định điều này tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư Tây Nguyên diễn ra tại Gia Lai trung tuần tháng 4 năm nay.

Đại diện tỉnh Đắk Nông cho rằng, để kích hoạt được tiềm năng đó, địa phương cần sự chung tay của các doanh nghiệp thông qua các chương trình đầu tư mang tính xã hội hóa của Nhà nước. Trong đó, tỉnh Đắk Nông xác định, xây dựng kết cấu hạ tầng là lĩnh vực tiên phong, mang tính lâu dài và bền vững, tác động tích cực đến sự phát triển của nhiều lĩnh vực khác.

“Chúng tôi đánh giá cao Dự án mở rộng Quốc lộ 14 do Liên danh Toàn Mỹ 14 - Băng Dương làm chủ đầu tư. Dự án này đã mở ra cơ hội lớn cho Đắk Nông nói riêng và khu vực Tây Nguyên nói chung trong việc kết nối với Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Qua đó, hỗ trợ thu hút đầu tư, thúc đẩy kinh tế phát triển, nâng cao cuộc sống cho đồng bào”, đại diện tỉnh Đắk Nông khẳng định.

Ban Quản lý dự án đường Trường Sơn cũng nhìn nhận, việc triển khai nâng cấp tuyến đường Hồ Chí Minh qua địa phận các tỉnh Tây Nguyên theo hình thức xã hội hóa được đánh giá là bước ngoặt quan trọng đối với Vùng kinh tế Tây Nguyên. Điều này không chỉ mang tính xã hội và nhân văn cao, thể hiện trách nhiệm của cộng đồng doanh nghiệp với Tây Nguyên, với đồng bào các dân tộc, mà còn tháo được nút thắt quan trọng nhất để kích hoạt kinh tế Tây Nguyên phát triển tương xứng với tiềm năng hiện có.

Trách nhiệm với cộng đồng và cơ duyên với Tây Nguyên

Không ngẫu nhiên mà Liên danh Toàn Mỹ 14 - Băng Dương lựa chọn đầu tư Dự án Nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 14 thuộc tuyến đường Hồ Chí Minh đoạn qua tỉnh Tây Nguyên. Với họ, đây không chỉ là cơ duyên, mà còn là trách nhiệm với cộng đồng, thể hiện lòng yêu nước bằng những hành động cụ thể đối với vùng đất có thể xem là chịu nhiều thiệt thòi nhất cả nước về những điều kiện phát triển.

Ngay tại lễ khởi công, trước hàng trăm ánh mắt, nụ cười hứng khởi của đồng bào các dân tộc thiểu số, lãnh đạo Toàn Mỹ 14 đã khẳng định sự quyết tâm đầu tư nhanh chóng, để sớm mang lại một luồng sinh khí mới cho vùng đất còn quá nhiều khó khăn này. Đây có thể là một cam kết về trách nhiệm của họ với Tây Nguyên. Họ tin tưởng và gửi gắm rất nhiều hy vọng vào Dự án, kỳ vọng mang lại một sự thay đổi tích cực cho quê hương.

Đối với nhà đầu tư, khi đặt chân lên Tây Nguyên, có lẽ, điều họ nghĩ đến đầu tiên là sự chia sẻ với khó khăn, chia sẻ một phần sức lực để kích hoạt vùng đất này, hơn là nghĩ đến lợi nhuận khi đầu tư Dự án. Và có lẽ, đây là yếu tố tác động đáng kể đến quyết định đầu tư Dự án của lãnh đạo Toàn Mỹ 14.

Điều đáng ghi nhận là, ngay tại lễ khởi công, bà Đỗ Thị Kim Liên, đại diện liên danh Toàn Mỹ 14 - Băng Dương, đã trao tặng 10 tấn gạo cho hai huyện Cư Jut và huyện Đắk Mil (Đắk Nông). Với phần quà nhỏ này, bà Liên hy vọng, đồng bào vùng Dự án sẽ ổn định đời sống, thông suốt ý thức, góp phần đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, sớm bàn giao để nhà đầu tư có điều kiện đẩy nhanh tiến độ thi công.

Bà Liên cho rằng, sự ủng hộ của đồng bào là yếu tố quyết định tốc độ triển khai, cũng như sự thành công của Dự án. Đồng thời, việc Dự án thi công nhanh, theo đúng tiến độ cũng đồng nghĩa với việc mang lại lợi ích cho chính người dân nơi đây. Vấn đề quan trọng nhất là, bản thân nhà đầu tư luôn hiểu và luôn chia sẻ với cuộc sống thực tế của người dân, xem đây là một phần quan trọng trong Dự án mà Toàn Mỹ đang triển khai. Vì vậy, trách nhiệm với người dân, với địa phương là không thể tách rời.

Với cá nhân bà Liên, người từng sáng lập thương hiệu bảo hiểm AAA nổi tiếng và đã đi xuyên Việt để mở rộng hệ thống kinh doanh, bà đã nhiều lần đi trên những con đường này. Hiện tại, bà đang là Lãnh sự danh dự của Cộng hòa Nam Phi tại TP.HCM. Với vị trí này, bà muốn mang lại nhiều hơn cho lợi ích cộng đồng, đặc biệt là đồng bào các vùng dân tộc Tây Nguyên. “Cơ hội làm việc tốt không nhiều. Do vậy, tôi sẽ luôn chộp lấy cơ hội tốt để trở thành người tốt ở kiếp sống này”, bà Liên nói.

Miền đất Tây Nguyên đối với bà Liên quá đỗi thân thương. Trước khi triển khai dự án này, bà từng là người tiên phong trong việc đầu tư xây cầu giúp các dân tộc Tây Nguyên thuận tiện trong giao thông. Bà cũng từmg tham gia nhiều chương trình từ thiện hỗ trợ chất lượng cuộc sống cộng đồng Tây Nguyên. Là người gắn bó với Tây Nguyên, bà hiểu Tây Nguyên, biết đồng bào Tây Nguyên cần gì để thoát khỏi khó khăn.

Bà Liên luôn cho rằng, Tây Nguyên rộng lớn, tiềm năng kinh tế đa dạng, đồng thời đây là vị trí chiến lược về an ninh quốc gia. Vì vậy, Tây Nguyên cần một cú huých để phát triển. Cú huých đó chính là việc mở rộng cánh cửa giao thương, tạo nền tảng vững chắc về hạ tầng, để chào đón các nhà đầu tư đến với vùng đất này. Quyết định đầu tư Dự án Nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 14 cũng xuất phát từ suy nghĩ cũng như cơ duyên này.

“Vùng đất Tây Nguyên đầy tiềm năng phát triển, đã được chính phủ các nước trong Tam giác Phát triển Lào-Việt Nam-Campuchia khẳng định. Tuy nhiên, với điều kiện giao thông còn hạn chế, muốn Tây nguyên thật sự bứt phá, đầu tiên phải nâng cấp hạ tầng, mở rộng cánh cửa giao thương với bên ngoài. Với Dự án Nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 14, trong tương lai không xa, Tây Nguyên nói chung và Đắk Nông nói riêng sẽ tiến gần hơn với Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, với các địa phương có điều kiện phát triển... Đó là bước đệm lớn để kích hoạt kinh tế Tây Nguyên phát triển, nâng cao đời sống người dân địa phương”, bà Liên tự tin khẳng định.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư