Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 27 tháng 04 năm 2024,
Sao người dân cứ phải mua ô tô giá cao
Thanh Hương - 10/07/2014 14:33
 
“Đừng làm người dân khốn khổ vì phải mua xe với giá đắt hơn nhiều do thuế cao”, là nhận xét của GS- TSKH Nguyễn Mại khi góp ý vào Dự thảo sửa đổi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt mới đây.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Doanh nghiệp ô tô kêu thiệt do cách tính thuế
Đến Toyota cũng "nản" với công nghiệp ô tô Việt Nam
Ô tô nội tiếp tục xin ưu đãi

Mặc dù trong Dự thảo sửa đổi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt được Bộ Tài chính soạn thảo và lấy ý kiến hiện nay không có bất cứ biến động nào về mức thuế suất hay diện chịu thuế với mặt hàng ô tô, nhưng theo nhận xét của GS-TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, người dân Việt Nam đang khốn khổ vì phải mua xe với giá đắt đỏ nhất thế giới do thuế cao, chưa kể phải chịu thêm các chi phí giao thông để lưu hành sau đó.

  Dù có 20 doanh nghiệp sản xuất ô tô, nhưng tăng trưởng ngành công nghiệp ô tô Việt Nam không đạt mức mong muốn  
  Dù có 20 doanh nghiệp sản xuất ô tô, nhưng tăng trưởng ngành công nghiệp ô tô Việt Nam không đạt mức mong muốn  

“Thất bại nặng nề về chiến lược phát triển ô tô của Việt Nam chính là đã có sự bảo hộ bằng thuế khá lâu và ở mức quá cao”, GS-TSKH Nguyễn Mại nhấn mạnh.

Dẫn số liệu để chứng minh nhận định của mình, GS. TSKH Nguyễn Mại chỉ ra rằng, năm 2013, Thái Lan sản xuất 2,2 triệu ô tô cho thị trường nội địa và thêm 1,4 triệu xe ô tô để xuất khẩu. Ngành công nghiệp hỗ trợ tại Thái Lan cũng phát triển mạnh với sự có mặt của các doanh nghiệp nội địa và các nhà đầu tư nước ngoài. Trong khi đó, tại Việt Nam, công suất thiết kế của các doanh nghiệp ô tô hiện tại khoảng 500.000 xe/năm, nhưng năm 2013 mới sản xuất được hơn 100.000 xe, chưa kể dân số Việt Nam đông hơn Thái Lan.

“Chính việc bảo hộ mậu dịch cao và kéo dài khiến ngành công nghiệp ô tô của Việt Nam thất bại”, GS-TSKH Nguyễn Mại nói.

Báo cáo của Nhóm công tác công nghiệp ô tô - xe máy được ghi nhận tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam mới đây cho hay, dù có tới hơn 20 doanh nghiệp sản xuất ô tô và 40 thương hiệu, nhưng tăng trưởng của toàn ngành công nghiệp ô tô Việt Nam vẫn không đạt mức mong muốn của cả nhà đầu tư và Chính phủ.

Tổng sản lượng toàn ngành năm 2013 khoảng 100.000 xe, trong đó 80% được lắp ráp. Năng lực sản xuất thực tế chỉ đạt xấp xỉ 20% tổng công suất gần 500.000 xe đang khiến nhà đầu tư lo lắng, thậm chí đặt câu hỏi về khả năng đầu tư mới trong tương lai.

Cũng cho rằng, cần phải giảm thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng để ô tô phù hợp hơn với túi tiền người dân, các doanh nghiệp ô tô hiện có tại Việt Nam cũng tiếp tục đề cập sự tồn tại về cách áp thuế giữa xe lắp ráp và xe nhập khẩu nguyên chiếc.

Hiện thời điểm tính thuế tiêu thụ đặc biệt với xe nhập khẩu nguyên chiếc là ở ngay khâu nhập khẩu, tức là theo giá CIF có cước và phí bảo hiểm rồi nhân với thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt. Trong khi đó, với xe lắp ráp trong nước, thời điểm tính thuế tiêu thụ đặc biệt là khi bán ra cho đại lý. Nghĩa là, mức giá để tính thuế tiêu thụ đặc biệt của xe lắp ráp trong nước đã cộng thêm cả lợi nhuận của doanh nghiệp, cước vận chuyển từ nơi sản xuất đến đại lý và một số chi phí khác. Điều này đang tạo ra chênh lệch 5% về chi phí giữa các loại xe tương đương do khác nhau về việc lắp trong nước hay nhập khẩu nguyên chiếc.

Ngoài ra, việc ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt cho xe tiêu hao ít nhiên liệu xăng truyền thống do dùng công nghệ xăng pha điện hay pin năng lượng tuy đã được đề cập trong Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt hiện hành, nhưng trên thực tế, không có mẫu xe nào được hưởng, bởi không đáp ứng được yêu cầu oái ăm trong quy định. 

Cụ thể, không chứng minh được xe hybrid hay xe trang bị động cơ điện song song với động cơ xăng có mức tiêu hao năng lượng ở dưới 70% so với chỉ dùng duy nhất động cơ xăng, dù cả thế giới đều thừa nhận đó là xe tiết kiệm năng lượng.

Việc các kiến nghị bấy lâu của doanh nghiệp vẫn chưa tạo ra một thay đổi nào từ phía cơ quan quản lý nhà nước, mà cụ thể là Bộ Tài chính, dù đã qua nhiều lần đối thoại cũng cho thấy, con đường mà ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đang đi không có nhiều hy vọng thăng hoa như đang diễn ra tại Thái Lan.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư