Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 26 tháng 04 năm 2024,
Thay đổi cách tính lương công chức
Phan Long - 01/04/2013 14:57
 
Ngân sách chỉ trả lương công chức khu vực hành chính, các đơn vị sự nghiệp có thu có thể tự tính lương phù hợp với điều kiện từng đơn vị.
TIN LIÊN QUAN

Việc gắn lương công chức, viên chức vào lương tối thiểu khiến việc điều chỉnh tiền lương theo kịp quy luật thị trường đang rất khó khăn, khi tăng lương tối thiểu sẽ gây áp lực lên ngân sách nhà nước. Do vậy, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đang xây dựng Dự thảo Luật tiền lương tối thiểu, dự kiến hoàn chỉnh, báo cáo Chính phủ và trình Quốc hội thông qua vào 5 tới đây. Theo bà Tống Thị Minh, Vụ trưởng Vụ Lao động - Tiền lương (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội), thay đổi quan trọng nhất trong Dự Luật này là việc tách tiền lương của công chức, viên chức, lực lượng vũ trang ra khỏi lương tối thiểu, tức là không áp dụng điều chỉnh theo Dự Luật này.

Lương công chức sẽ được tính theo công việc thay vì chức vụ, thâm niên

Thực tế, việc cải cách tiền lương công chức không phải bây giờ mới được đặt ra. TS Trần Thị Thu Hà, nguyên Vụ trưởng Vụ Hành chính – Sự nghiệp (Bộ Tài chính) cho biết, chương trình cải cách hành chính giai đoạn 2001-2010 đã khẳng định, “tiền lương là hình thức đầu tư trực tiếp cho con người, đầu tư cho phát triển kinh tế xã hội, góp phần nâng cao chất lượng cán bộ, công chức và hoạt động công vụ”. Vấn đề là, dù ai cũng thừa nhận lao động công vụ là loại lao động được đào tạo công phu, phức tạp, trình độ cao, chủ yếu bằng trí óc, có phạm vi ảnh hưởng rộng lớn (sản phẩm công) đòi hỏi tinh thần trách nhiệm cao, nhưng qua nhiều lần cải cách hệ thống chế độ tiền lương cán bộ công chức vẫn chưa tương xứng với vị thế công quyền của bộ máy nhà nước.

GS.TS kinh tế Mai Ngọc Cường cho rằng, những người có quyền quyết định cải cách triệt để chế độ tiền lương lại không sống bằng lương, vì vậy mới chỉ có những đợt cải tiến tiền lương chứ chưa có những cải cách thiết thân, sát sườn đối với cán bộ công chức, người lao động. Trong khi đó, ngân sách nhà nước liên tục bội chi lớn vì phải nuôi cả ba bộ máy: Đảng, Chính phủ, Mặt trận và các đoàn thể. Gánh nặng này khiến ngân sách không đủ sức chịu đựng nếu trả lương theo hiệu quả lao động. Lương không đủ sống nên cán bộ công chức phải “chân trong chân ngoài”, lợi dụng chức vụ để vòi vĩnh, nhũng nhiễu, bớt xén…kiếm thêm thu nhập khiến nền hành chính, dịch vụ công kém hiệu quả, bộ máy ngày càng “phình to”.

Còn theo TS Dương Quang Tung, nguyên Phó viện trưởng Viện Khoa học quản lý nhà nước, việc cải cách tiền lương dựa trên lương tối thiểu theo phương pháp cộng dồn nhu cầu tối thiểu của người lao động. Vì nội hàm của cái gọi là “nhu cầu tối thiểu” rất co giãn, nên kết quả tính toàn theo phương pháp này thường không đưa ra được một con số xác định cho tiền lương tối thiểu, mà là một dải khá rộng; rồi căn cứ vào khả năng của Ngân sách nhà nước mà chọn lấy một mức phù hợp theo kiểu “gọt chân cho vừa giày”. Phương pháp tiếp cận này khiến lương công chức thấp hơn giá cả sức lao động trên thị trường. Cùng quan điểm này, ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, lương tối thiểu khu vực nhà nước hiện chỉ bằng 50-60% khu vực doanh nghiệp, quá thấp so với mức độ công việc của công chức. “Để giảm gánh nặng ngân sách và tăng lương cho công chức, Chính phủ đã thực hiện tinh giảm biên chế. Qua 10 năm thực hiện, tổng số công chức trên cả nước đã...tăng thêm 25% !!”, ông Lợi tiết lộ. “Dù số lượng tuyệt đối của đội công chức phải tăng lên theo yêu cầu phát triển kinh là điều khó tránh khỏi, nhưng tới 25% sau 10 năm thì khó chấp nhận được. Đội ngũ công chức ngày càng phình lên, ngân sách làm sao đủ trả mà tăng lương”, ông Sỹ nói thêm.

Bà Minh cho rằng, chỉ khi tách lương công chức khỏi lương tối thiểu, lương công chức mới có thể tăng sát theo giá thị trường, vì sẽ không bị cản lại bởi lý do nhà nước không đủ ngân sách. Vậy, tiền lương cho đội ngũ công chức, viên chức nên được tính như thế nào? Theo ông Lợi, phải tách bạch hệ thống các cơ quan hành chính và các đơn vị sự nghiệp có thu. Theo đó, các đơn vị hành chính được tính lương theo cơ chế riêng, tách bạch theo năng suất, hiệu quả, tính chất của từng công việc, chứ không phải tính lương theo chức vụ, và thâm niên. Các công việc đặc thù sẽ có mức phụ cấp cụ thể, trên cơ sở tính đúng, tính đủ. Các đơn vị sự nghiệp có thu, nên để họ tự tính toán tiền lương phù hợp theo điều kiện, doanh thu của đơn vị. Như vậy, vừa đảm bảo công bằng, nâng được mức lương cho công chức sát với thị trường nhất, nhưng lại giảm gánh nặng với ngân sách.

Việc tách lương tối thiểu ra khỏi khu vực hành chính sự nghiệp cũng nhận được sự đồng tình từ ông Vũ Quốc Tuấn, nguyên thành viên Ban nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ. Ông Tuấn cho biết, việc này đã được Singapore và nhiều nước phát triển áp dụng thành công từ lâu. Theo đó, họ xây dựng một hệ thống lương tối thiểu, lương tối đa riêng tùy theo công việc, vị trí, nhưng ở mức thấp nhất cũng phải đảm bảo cho công chức, viên chức đủ sống và có tích lũy. Tuy vậy, ông Tuấn cũng cho biết, người lao động phải xác định, hành chính là công việc mang tính chất phục vụ cộng đồng, không phải dịch vụ nên nhà nước chỉ có thể trả một mức lương tương đối so với thị trường và có tích lũy. Công chức không thể đòi hỏi mức thu nhập cao bằng khu vực doanh nghiệp, bởi doanh nghiệp trả lương theo mức lợi nhuận kỳ vọng.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư