Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Thủ tướng: Phải sớm chấm dứt tình trạng “trên nóng, dưới nóng, ở giữa thì lạnh”
Đức Tuân (Chinhphu.vn) - 04/05/2018 01:46
 
Kết luận phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4/2018, Thủ tướng nhấn mạnh, tuyệt đối không chủ quan trong chỉ đạo, điều hành, phải sớm chấm dứt tình trạng “trên nóng, dưới nóng, ở giữa thì lạnh”.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại phiên họp. Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại phiên họp. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Dẫn báo cáo của một số tổ chức quốc tế dự báo tăng trưởng của Việt Nam năm nay khoảng 6,5-7,1%, Thủ tướng cho rằng, còn tiềm ẩn nhiều rủi ro như giá dầu có thể tăng cao, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn… 

Một thách thức lớn là năng suất lao động trong nước còn thấp. Sức cạnh tranh và sức chống chịu của nền kinh tế trước sự biến đổi của thế giới còn là vấn đề đáng lo ngại. Một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức còn chưa nêu cao tinh thần trách nhiệm trước nhân dân, chưa đổi mới, chưa quyết liệt trong công việc. Nhu cầu đầu tư phát triển rất lớn trong khi nguồn lực còn hạn hẹp. Do đó, Thủ tướng đề nghị từng thành viên Chính phủ, các đồng chí bộ trưởng, tư lệnh các ngành phải luôn nhận thức rõ ràng trọng trách với Đảng, với Chính phủ, với nhân dân, thực sự đổi mới, cầu thị, sát việc, sát thực tiễn, sát dân, theo dõi, ứng phó kịp thời với các vấn đề mới, biến động rất nhanh của bối cảnh tình hình trong nước và quốc tế. Chúng ta phải sớm chấm dứt tình trạng “trên nóng, dưới nóng, ở giữa thì lạnh”.

Bên cạnh các thành quả nổi bật như tăng trưởng mạnh của khu vực công nghiệp, nông nghiệp ngư nghiệp gia tăng sản xuất, xuất khẩu, khu vực dịch vụ du lịch tiếp tục là điểm sáng, sức cầu trong nước được cải thiện…, Thủ tướng nhấn mạnh, tuyệt đối không chủ quan trong chỉ đạo, điều hành. Chú trọng giải quyết các tồn tại, vấn đề mới phát sinh. 

Các cơ quan chức năng cần điều tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm, xử lý nghiêm các đầu nậu, đối tượng phá rừng tự nhiên, buôn lậu, gian lận thương mại. Quy trách nhiệm người đứng đầu, từ cấp xã, đến kiểm lâm, quản lý thị trường.

Trước hoạt động của “Hội thánh Đức Chúa trời” mà dư luận phản ánh gần đây, Thủ tướng yêu cầu điều tra, xử lý nghiêm vi phạm, không để ảnh hưởng đến đạo đức xã hội, gia đình.

Toàn cảnh cuộc họp. Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Toàn cảnh cuộc họp. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Thủ tướng nêu rõ, công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế pháp luật, cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh được xác định nhất quán là ưu tiên hàng đầu trong năm 2018 và các năm tiếp theo. Cần rà soát cơ chế chính sách, quy định pháp luật, nếu không còn phù hợp, cản trở sự phát triển kinh tế-xã hội thì cần sửa ngay. Trong đó, rà soát, sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật về điều kiện đầu tư kinh doanh. Tập trung cải cách toàn diện hoạt động kiểm tra chuyên ngành, bảo đảm cắt giảm, đơn giản hóa ít nhất 50% danh mục hàng hóa, sản phẩm, thủ tục kiểm tra chuyên ngành. Thủ tướng đề nghị ngành tài chính phát động phong trào toàn ngành liêm chính.

Lưu ý việc khắc phục tình trạng thanh tra, kiểm tra tràn lan, Thủ tướng cho biết có nghe thông tin có doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp sạch tại Hà Nội trong một tháng phải đón tiếp đến 8 đoàn thanh tra, kiểm tra. Doanh nghiệp phải thành lập bộ phận 3 người với quỹ lương 30 triệu đồng/tháng chỉ chuyên đón tiếp, phục vụ yêu cầu về giấy tờ, sổ sách cho các đoàn thanh tra, kiểm tra. Thủ tướng giao UBND TP. Hà Nội kiểm tra thông tin, chấn chỉnh tình trạng này.

Thủ tướng đề nghị Tổng Thanh tra Chính phủ chủ trì, rà soát lại các quy định thanh tra, kiểm tra, thúc đẩy cơ chế phối hợp giữa các cơ quan Nhà nước trong thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp, thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 20 của Thủ tướng.

Thủ tướng nêu rõ, phải công khai minh bạch giá thị trường tài sản công và đất đai, không để thất thoát tài sản đất đai Nhà nước. Tiếp tục chuẩn bị nội dung cho các hội nghị chuyên đề quan trọng như cách mạng công nghiệp 4.0 ở Việt Nam, gắn kết doanh nghiệp trong nước và FDI…

Nhấn mạnh mục tiêu ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, Thủ tướng nêu rõ quyết tâm phấn đấu tăng trưởng ít nhất 6,7%, lạm phát không quá 4%. Do đó, lộ trình thực hiện giá y tế, giáo dục, điện lực phải được kiểm soát chặt chẽ.

Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình, dự án đầu tư công. Xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân vi phạm, làm chậm tiến độ. Bộ Công Thương và Bộ NN&PTNT phải có chương trình kế hoạch đưa hàng Việt Nam vào siêu thị cùng với kiểm soát an toàn thực phẩm.

Các bộ, ngành, cơ quan chức năng chấn chỉnh công tác xét duyệt, trao giải thưởng sản phẩm hàng hóa, dịch vụ, một việc làm cần thiết để tôn vinh, khích lệ sản xuất sản phẩm tốt, có chất lượng nhưng rất dễ bị lợi dụng làm trái như thuốc chống ung thư làm từ than tre vừa qua.

Tạo chuyển biến căn bản trong xử lý doanh nghiệp, dự án thua lỗ. Tạo điều kiện cho khu vực tư nhân tham gia cơ cấu lại doanh nghiệp Nhà nước.

Thủ tướng đề nghị ngành y tế chủ động thực hiện các giải pháp phòng chống các bệnh truyền nhiễm có khả năng bùng phát cao trong mùa hè. Nâng cao y đức, nghiêm trị các hành vi bạo lực đối với thầy thuốc, cán bộ y tế.

Bộ LĐTB&XH đánh giá lại tình hình thất nghiệp, nhất là trong thanh niên, sinh viên tốt nghiệp mới ra trường để có giải pháp giải quyết việc làm chủ động hơn.

Bộ GD&ĐT rà soát, chuẩn bị các điều kiện, tổ chức tốt kỳ thi trung học phổ thông, tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2018.

Nhắc lại chỉ đạo về nhà vệ sinh trong trường học, trong bệnh viện phải bảo đảm hợp vệ sinh, Thủ tướng giao hai Bộ trưởng GD&ĐT, Y tế, cùng chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo quyết liệt vấn đề này, đạt kết quả cụ thể, “không để tình trạng các em không dám uống nước vì nhà vệ sinh quá bẩn”. Cần chú trọng các biện pháp bảo đảm an toàn cho học sinh nghỉ hè. Tổ chức các hoạt động vui chơi lành mạnh, an toàn, ngăn chặn tình trạng đuối nước ở trẻ em.

Thủ tướng giao Bộ trưởng TN&MT rà soát lại Nghị quyết 120 về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long, “phải vào cuộc ngay, không được chờ đợi, phải thúc đẩy các bộ”.

Về công tác chuẩn bị phục vụ kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV, Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần là kịp thời, bảo đảm chất lượng, thời gian các văn bản, đề án, báo cáo trình Quốc hội.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư