Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 26 tháng 04 năm 2024,
Trung tâm xử lý nước thải KCN Dệt May Phố Nối bị phạt 555,5 triệu đồng: Trả giá cho sự tắc trách
Thế Hoàng - 16/12/2016 08:10
 
Chi nhánh Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) - Trung tâm xử lý nước thải KCN Dệt may Phố Nối chính thức lĩnh án phạt 555,5 triệu đồng vì hành vi xả thải vượt quy chuẩn ra môi trường.
TIN LIÊN QUAN

Án phạt cho sự gian dối

Căn cứ vào các biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường do Trưởng đoàn kiểm tra lập ngày 25/11/2016, cũng như quy định của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, từ đề nghị của Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND tỉnh Hưng Yên vừa quyết định xử phạt 555,5 triệu đồng đối với Chi nhánh Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) - Trung tâm xử lý nước thải KCN Dệt may Phố Nối, vì đã vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.

Trong đó, xử phạt hành chính là 550 triệu đồng, phạt tăng thêm 1% đối với thông số vượt dưới 0,2 lần là 5,5 triệu đồng. Tổng mức phạt tiền là 555,5 triệu đồng.

Thành tích trong thu hút đầu tư của Vinatex có thể sẽ bị lu mờ bởi hành vi xả thải gây ô nhiễm môi trường. Ảnh: Đức Thanh
Thành tích trong thu hút đầu tư của Vinatex có thể sẽ bị lu mờ bởi hành vi xả thải gây ô nhiễm môi trường. Ảnh: Đức Thanh

Quyết định xử phạt chỉ rõ, Trung tâm này đã xả nước thải vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải (dưới 2 lần) trong trường hợp lượng nước thải tại thời điểm kiểm tra trung bình từ 2.500 m3/ngày đến dưới 3.000 m3/ngày.

Theo kết quả phân tích mẫu nước thải của Trung tâm Quan trắc Tài nguyên và Môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường Hưng Yên), các thông số xả thải vượt bao gồm BOD5 vượt 1,9 lần; độ màu vượt 1,32 lần theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải công nghiệp (QCVN40:2011).

Hành vi này đã vi phạm điểm q, khoản 1 và khoản 5, Điều 13 của Nghị định 179/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.

Cùng với xử phạt, tỉnh Hưng Yên cũng yêu cầu doanh nghiệp thực hiện nghiêm các biện pháp khắc phục hậu quả do các hành vi vi phạm, tiến hành xử lý nước thải đạt quy chuẩn trước khi xả ra môi trường.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư vào sáng 14/12/2016, ông Cao Hữu Hiếu, Trưởng ban Đầu tư (Vinatex) xác nhận thông tin về câu chuyện nước thải xả ra môi trường từ Trung tâm trong KCN Phố Nối B vượt quá quy chuẩn kỹ thuật.

“Chúng tôi đã biết về tình trạng nước thải đã qua xử lý tại Trung tâm có vấn đề từ 4/11/2016 và đã có công văn gửi đến các doanh nghiệp thuê đất trong Khu công nghiệp. Đây là nước thải từ một doanh nghiệp dệt nhuộm lớn nhất trong KCN, dù đã qua xử lý tại Trung tâm, nhưng “nước chưa đạt chuẩn, có ánh đỏ”. Ngay lập tức, chúng tôi đã thuê một đơn vị tư vấn để xử lý tình trạng trên tại Trung tâm Xử lý nước thải KCN Dệt may Phố Nối”, ông Hiếu cho biết.

Khó cho “ông lớn” dệt may

Câu chuyện về nước thải chưa qua xử lý, hoặc mới nhất là nước thải đã qua xử lý, nhưng không đảm bảo chuẩn theo quy định không phải là sự cố đầu tiên với trung tâm này.

Cần phải nhắc lại rằng, theo báo cáo của Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp (Bộ Công thương), kết quả rà soát và kiểm tra công tác xử lý nước thải cho thấy, các nhà máy đều xây dựng hệ thống xử lý nước thải và vận hành theo cam kết tại báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM), nhưng vẫn xuất hiện những sự cố môi trường do có những doanh nghiệp, sau khi xây dựng xong trung tâm xử lý nước thải, nhưng không vận hành. Hành vi “tiết kiệm” của Trung tâm Xử lý nước thải dệt nhuộm tại KCN Dệt May Phố Nối khi bị thanh tra của Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) và Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (Công an tỉnh Hưng Yên) bắt quả tang xả nước thải không qua xử lý là một ví dụ.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Đồng Tâm, Giám đốc Trung tâm Xử lý nước thải KCN Dệt May Phố Nối lại cho rằng, thời điểm các lực lượng chức năng bắt quả tang việc xả thải, lại trùng với thời gian Trung tâm đang tiến hành đầu tư, nâng cấp hệ thống xử lý nước thải!

Ngay từ khi đi vào hoạt động từ năm 2005, KCN Dệt May Phố Nối B đã chủ động đầu tư 87 tỷ đồng cho trung tâm xử lý nước thải, với khả năng xử lý 10.000 m3/ngày - đêm. Được biết, dây chuyền, công nghệ xử lý tại hệ thống xử lý nước thải KCN Phố Nối được nhập khẩu bởi đối tác từ Hà Lan, theo tiêu chuẩn châu Âu, đạt tiêu chuẩn xử lý nước thải cột B. Như vậy, với công suất 10.000 m3/ngày đêm và chỉ phục vụ cho 20 doanh nghiệp hoạt động tại KCN Phố Nối B, trung tâm xử lý nước thải này mới chỉ hoạt động 35% công suất thiết kế.

Tuy nhiên, có thể thấy rằng, thực tế trong thời gian qua, một số địa phương đã từ chối các dự án đầu tư vào lĩnh vực dệt - nhuộm, trong đó, Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu đã xếp dự án dệt - nhuộm, may mặc vào diện không khuyến khích đầu tư. Lý do khiến các địa phương không hào hứng với dự án lĩnh vực này là vì, trong quá trình hoạt động, lượng nước thải từ hoạt động này rất lớn và có độ ô nhiễm cao, nên việc xử lý đạt chuẩn trước khi đưa ra môi trường là thách thức khó vượt đối với nhà đầu tư khu công nghiệp.

Trở lại câu chuyện của Trung tâm xử lý nước thải tại KCN Phố Nối B, ông Hiếu cho biết, hệ thống xử lý nước thải này đã vận hành được 10 năm và đã qua hơn một lần cải tạo, nâng cấp, nhưng nước sau xử lý vẫn chỉ đạt cột B, trong khi đó, theo tiêu chuẩn QCVN 40:2011/BTNMT, các khu công nghiệp buộc phải có hệ thống xử lý nước thải đạt cột A.

“Trung tâm Xử lý nước thải KCN Phố Nối B đang chuẩn bị thủ tục đầu tư để tiến hành đầu tư nâng cấp hệ thống xử lý nước thải

nhằm đáp ứng tiêu chuẩn nước thải đạt chuẩnQCVN 40:2011/BTNMT, cột A, thay cho tiêu chuẩn cột B như hiện tại, với tổng vốn đầu tư khoảng 50 tỷ đồng để đáp ứng nhu cầu xử lý cho các doanh nghiệp vào đầu tư tại đây”, theo ông Hiếu.

Là nhà đầu tư khu công nghiệp chuyên ngành dệt may, nhưng việc xử lý nước thải trong KCN lại chưa được thực hiện triệt để, nếu không xử lý rốt ráo, thành tích trong thu hút đầu tư của ông lớn ngành dệt may Vinatex có thể sẽ bị lu mờ bởi hành vi gây ô nhiễm môi trường sống tác động xấu tới cuộc sống của người dân trong vùng.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư