Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 05 tháng 05 năm 2024,
Tù mù cả 1,6 triệu việc làm mới lẫn tỷ lệ thất nghiệp 1,84%
Khánh An - 29/09/2014 07:38
 
() Cả hai chỉ tiêu liên quan đến lao động là tạo việc làm mới và tỷ lệ lao động qua đào tạo trong bộ tiêu chí của kế hoạch phát triển kinh tế xã hội đang nhận được ý kiến phản biện cho là không chính xác, cần phải thay đổi.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Điều tra hơn 1,1 triệu hộ về dân số và nhà ở
Một người có việc làm, 3 đơn vị "báo công"
Thất nghiệp, trí thức chạy xe ôm kiếm sống
Thất nghiệp chỉ 2% dù kinh tế khó khăn
Tỷ lệ thất nghiệp ít nhất cũng phải 4%

Sau khi lên tiếng phản biện sự tù mù của cách tính ra các con số 1,6 triệu việc làm mới cũng như tỷ lệ thất nghiệp 1,84 tại Diễn đàn Kinh tế Mùa Thu 2014, ông Ngô Sỹ Lợi, Phó chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội lại đăng đàn tại Cuộc họp thứ 11 của Ủy ban Kinh tế Quốc hội ngày hôm qua.

Ông Lợi cho rằng, cả hai chỉ tiêu này không phù hợp với tình hình thực tế và cần phải thay thế.

  Tù mù cả 1,6 triệu việc làm mới lẫn tỷ lệ thất nghiệp 1,84%  
  Diễn đàn Kinh tế Mùa thu 2014 sốt ruột khi tỷ lệ thất nghiệp chỉ là 1,84, trong khi số DN đóng cửa vẫn tăng  

Theo ông Lợi, chỉ tiêu tạo việc làm đặt ra trong kế hoạch hàng năm xuất phát từ tinh thần của Nghị quyết Đại hội 11, phấn đấu đạt 8 triệu lao động trong 5 năm.

Như vậy, con số 1,6 triệu việc làm tạo được mỗi năm đều đặn trong 5 qua được tính bằng cách chia đều mục tiêu 8 triệu.

“Con số 1,6 triệu việc làm tạo được trong năm là rất tù mù. Năm nay không đạt được, nhưng cũng không bao giờ đạt được chỉ tiêu này. Đó là chưa kể số liệu rất ảo”, ông Ngô Sỹ Lợi thẳng thắn.

Minh chứng cho nhận định này, ông Lợi nhắc lại thắc mắc mà ông đã đặt ra cho Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội khi nhận được báo cáo 8 tháng đã đưa được 73.800 lao động ra nước ngoài nhưng không nhận được câu trả lời.

“Chúng tôi đã hỏi Bộ có biết có bao nhiêu người trong số này về nước trước hạn không, đang từ nghèo trở thành nghèo hơn không. Ít nhất là 10% người lao động được đưa sang rồi về vì không làm được”, ông Lợi nói.

Tính “ảo” của chỉ tiêu này khiến ông Lợi cho rằng, không nên sử dụng tiêu chí này làm chỉ tiêu pháp lệnh trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. “Nên thay bằng tiêu chí về tỷ lệ thất nghiệp hoặc tỷ lệ tăng trưởng việc làm”, ông Lợi đề xuất.

Tuy nhiên, tỷ lệ thất nghiệp 1,84% vừa được Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đưa ra lại gây “bão” cho chính bộ này. Nhiều ý kiến hoài nghi con số được cho là quá đẹp này trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam gặp khó khăn kéo dài, tỷ lệ doanh nghiệp tạm dừng hoạt động, phá sản vẫn gia tăng.

Bà Nguyễn Lan Hương, Viện trưởng Viện Khoa học lao động và xã hội khẳng định tại Diễn đàn Kinh tế Mùa Thu 2014, con số này là đáng tin cậy vì dựa trên phương pháp chuẩn của Tổng cục thống kê, dựa trên phương pháp của Tổ chức Lao động thế giới (ILO) áp dụng cho các nước.

Tuy nhiên, ông Lợi cho rằng, cách tính của ILO không phù hợp với tình hình thực tiễn của Việt Nam, khi lao động nông thôn, lao động trong khu vực phi chính thức hầu như không được tính là thất nghiệp dù không có việc làm ổn định vì không được hưởng trợ cấp thất nghiệp.

“Các nước khác điều tra tỷ lệ thất nghiệp thông qua số lao động thất nghiệp đang hưởng trợ cấp thất nghiệp. Tỷ lệ này của Việt Nam không nhiều. Cách điều tra 7 ngày, có 1 giờ làm việc cũng được coi là có việc... Nên công thức của thế giới có thể đúng nhưng ở Việt Nam thì không hợp. Tình hình càng khó khăn hơn khi đang có xu hướng chuyển dịch lao động từ khu vực có quan hệ lao động sang khu vực không có quan hệ lao động”, ông Lợi phân tích.

Các chuyên gia kinh tế cũng khẳng định, rất khó xác định thế nào là thất nghiệp trong khu vực lao động khu vực phi chính thức.

Bà Lan Hương thừa nhận thực tế này, gọi đây là “dịch chuyển lắc”. “Việc ta chờ mong dòng di chuyển từ lao động từ nông nghiệp sang công nghiệp, nông thôn ra thành thị nhưng tốc độ chậm, lắc, nghĩa là di chuyển đi rồi lại về. Ngay tỷ lệ thất nghiệp thấp dù đáng tin cậy nhưng không đáng mừng vì phản ánh sự chuyển dịch không được từ khu vực năng suất thấp sang cao”, bà Hương nói.

Liên quan đến chỉ tiêu tỷ lệ lao động qua đào tạo, ông Lợi cũng bất bình khi tính cả những đào tạo dưới 3 tháng. Tôi đã đi giám sát, rất kỳ là người ta đi học nuôi lươn 3 ngày cũng gọi là qua đào tạo. Đây chính là chất lượng nguồn lao động của ta. Hệ lụy là năng suất lao đọng của ta thấp nhất trong khu vực”, ông Lợi bất bình.

Theo báo cáo cập nhật của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại Phiên họp thứ 11 của Ủy ban Kinh tế Quốc hội, trong số 2 chỉ tiêu được dự báo là chỉ đạt xấp xỉ và không đạt kế hoạch trong năm 2014 đều thuộc về ngành lao động . Một là chỉ tiêu tạo việc làm ước thực hiện năm 2014 là 1,56 triệu người, hụt một chút so với chỉ tiêu kế hoạch là 1,6 triệu người. Chỉ tiêu không đạt kế hoạch là tỷ lệ lao động qua đào tạo trong tổng số lao động đang làm việc trong nền kinh tế. Ước thực hiện năm 2014 là 49% so với kế hoạch là 52%. Trong đó, lao động qua đào tạo từ 3 tháng trở lên có chứng chỉ là 18,2%.

Nhìn cả kế hoạch 5 năm (2011-2015) thì các chỉ tiêu này cũng không đạt được kế hoạch. Số việc làm tạo được trong giai đoạn này dự kiến là 7,8 triệu người, so với 8 triệu người trong kế hoạch. Tỷ lệ lao động qua đào tạo trong kế hoạch 5 năm là 55%, cao hơn khoảng 5% so với ước thực hiện trong 5 năm này.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư