Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 26 tháng 04 năm 2024,
Việt Nam quyết tâm hoàn thành các Mục tiêu Thiên niên kỷ
Thành Đạt - 02/07/2015 16:55
 
Trên chặng đường tiến tới các Mục tiêu Thiên niên kỷ (MDGs), Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả rất quan trọng như: đã về đích sớm đối với mục tiêu l về xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực và thiếu đói từ năm 2002, đã giảm được tỷ lệ nghèo xuống chỉ còn 5,97% năm 2014, so với 58,1% hồi đầu thập kỷ 1990.
Việt Nam nỗ lực hoàn thành các Mục tiêuThiên niên kỷ, trong đó quan trọng là xoá đói giảm nghèo và bảo vệ, chăm sóc trẻ em
Việt Nam nỗ lực hoàn thành các Mục tiêuThiên niên kỷ, trong đó quan trọng là xoá đói giảm nghèo và bảo vệ, chăm sóc trẻ em

 

Việt Nam đã hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học vào năm 2010 và dự kiến sẽ sớm hoàn thành phổ cập giáo dục trung học cơ sở. Việt Nam cũng đã cơ bản hoàn thành mục tiêu về bình đẳng giới và nâng cao vị thế cho phụ nữ; đã thành công trong việc kiểm soát sốt rét, một số dịch bệnh nguy hiểm, bước đầu ngăn chặn được sự lây lan HIV và sắp hoàn thành mục tiêu giảm tử vong ở trẻ em. Mặc dù vẫn còn rất nhiều thách thức và trở ngại để Việt Nam có thể hoàn thành đúng hạn tất cả các MDGs vào năm 2015, nhưng các thành tựu đạt được cho đến nay là rất quan trọng và đáng ghi nhận.

Theo một dự án hỗ trợ báo cáo giám sát về MDGs của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (do Chương trình Phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam tài trợ), nhiều bài học có thể rút ra từ việc Việt Nam thực hiện các MDGs, mà trong đó, quan trọng nhất là phải có quyết tâm và cam kết chính trị cao từ Trung ương đến địa phương.

Quyết tâm chính trị cao được thể hiện trước hết bằng tuyên bố chính thức của người đứng đầu Nhà nước Việt Nam trước cộng đồng quốc tế tại Hội nghị Thượng đỉnh Thiên niên kỷ của Liên hợp quốc tháng 9/2000 về việc Việt Nam quyết tâm thực hiện các mục tiêu MDGs, cam kết xây dựng một xã hội bền vững, trong đó tăng trưởng kinh tế luôn đi đôi với tiến bộ, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường.

Quyết tâm này còn được thể hiện rõ qua việc xây dựng và thực thi Chiến lược toàn diện về tăng trưởng và xóa đói giảm nghèo, với tư cách là một bản chiến lược trung hạn, cho phép đạt được mục tiêu sâu rộng về giảm nghèo đói và thực hiện công bằng xã hội.

Trong chiến lược này, đã có nhiều chỉ tiêu mang tính thực tế được thiết lập cho các MDGs. Các chỉ tiêu này không chỉ thống nhất với tầm nhìn đã được Chính phủ xây dựng trong các chiến lược phát triển quốc gia, mà còn thể hiện được các giải pháp cho các vấn đề bức xúc nhất trong quá trình thực hiện các MDGs ở thời kỳ đó.

Trong lĩnh vực giáo dục, quyết tâm chính trị được thể hiện bằng việc thể chế hóa trong hệ thông luật pháp hiện hành, được chi tiết hóa, cụ thể hóa thành hành động trong các chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế -xã hội của quốc gia, của mỗi địa phương và của ngành giáo dục.

Đối với mục tiêu bình đẳng giới, quyết tâm cao của lãnh đạo chính trị Việt Nam được phản ánh rõ nét qua các nỗ lực thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thành viên Công ước LHQ về loại trừ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ. Xây dựng Luật Bình đẳng giới và Luật Phòng chống bạo lực gia đình thời gian qua.

“Quyết tâm chính trị đã giúp đoàn kết dân tộc Việt Nam, đất nước Việt Nam thành một khối thống nhất, cùng đồng tâm hiệp sức để thực hiện các MDGs và các mục tiêu phát triển quốc gia khác”, Báo cáo về một số bài học kinh nghiệm trong việc thực hiện các MDGs của Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư