Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Nỗ lực giảm nghèo ở các vùng dân tộc thiểu số
Thanh Thu - 02/07/2015 08:52
 
Mặc dù đã đạt được nhiều thành tựu, nhưng Việt Nam vẫn gặp nhiều thách thức trong việc giảm nghèo ở các vùng dân tộc thiểu số.

Tại Hội nghị Đánh giá giữa kỳ quan hệ đối tác phát triển Việt Nam 2014, vừa diễn ra tại Hà Nội, bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, nhấn mạnh: “Việt Nam đã đạt nhiều thành tựu đáng kể trong giảm nghèo nói chung, nhưng cần phải nỗ lực hơn nữa trong giảm nghèo tại các khu vực dân tộc thiểu số”.

Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), tỷ lệ nghèo đã giảm từ 58,1% năm 1993 xuống còn 5,97% vào năm ngoái. “Thành tựu giảm nghèo của Việt Nam đã được cộng đồng quốc tế vinh danh, được Liên hợp quốc đánh giá là một trong các nước có thành tích giảm nghèo ấn tượng nhất trong thực hiện Mục tiêu Thiên niên kỷ”, bản báo cáo của bộ này cho biết.

 

Còn Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) thì nhận định, thành công trong giảm nghèo ở Việt Nam là kết quả của tăng trưởng kinh tế nhanh, cùng với nỗ lực của toàn hệ thống chính trị trong việc luôn đặt giảm nghèo là một mục tiêu hàng đầu của quốc gia trong suốt hai thập kỷ qua.

Tuy nhiên, thách thức đặt ra đối với công cuộc giảm nghèo hiện tại và trong thời gian tới là sự gia tăng bất bình đẳng và nghèo kinh niên đối với nhóm dễ bị tổn thương. Tốc độ giảm nghèo chậm và đói nghèo vẫn còn phổ biến ở khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa và vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Số hộ nghèo là dân tộc thiểu số chiếm tới 50% tổng số hộ nghèo cả nước. Thu nhập bình quân của các hộ dân tộc thiểu số chỉ bằng 1/6 thu nhập bình quân cả nước.

“Thành quả giảm nghèo chưa thực sự bền vững, vẫn tồn tại tình trạng nhiều hộ gia đình dù đã thoát nghèo nhưng lại có nguy cơ cao rơi trở lại nhóm nghèo và tình trạng nhiều hộ không nghèo đã rơi vào nghèo đói”, một bản báo cáo của Bộ KH&ĐT nhận xét.

Theo Bộ LĐ-TB&XH, tuy Nhà nước đã ưu tiên nguồn lực đầu tư cho các huyện nghèo, xã, thôn bản đặc biệt khó khăn vùng dân tộc và miền núi, nhưng mức đầu tư còn thấp so với nhu cầu thực tế. Chính sách giảm nghèo chủ yếu mang tính hỗ trợ tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản (nhà ở, y tế, giáo dục), trong khi chính sách hỗ trợ tạo sinh kế cho người nghèo còn ít, suất đầu tư thấp.

Hồi cuối tháng 2/2015, Ngân hàng Thế giới đã thông qua một khoản tín dụng bổ sung 100 triệu USD cho một dự án nhằm hỗ trợ cải thiện mức sống của người dân nghèo ở 6 tỉnh Tây Bắc, khu vực nghèo nhất của Việt Nam, bao gồm: Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai và Yên Bái. 

Khoản tài chính bổ sung sẽ góp phần vào các nỗ lực giảm nghèo của Chính phủ Việt Nam, thông qua nâng cao năng lực của chính quyền và cộng đồng địa phương, tăng cường tiếp cận với đầu tư, nhằm cải thiện năng suất lao động, nâng cao khả năng lập kế hoạch đầu tư cộng đồng và tăng cường kết nối thị trường và sáng kiến kinh doanh cho các cộng đồng hưởng lợi từ dự án.

Bộ KH&ĐT đề xuất, để đẩy mạnh giảm nghèo dân tộc thiểu số, Chính phủ cần tăng cường hơn nữa cung cấp dịch vụ cho các nhóm dân tộc thiểu số, với các ưu tiên và mục tiêu cụ thể.

Lối ra cho cho công cuộc xóa đói giảm nghèo
Tại Hội nghị “Tổng kết ba năm thực hiện Đề án củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng chính sách khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL);...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư