Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 27 tháng 04 năm 2024,
World Bank dự báo Việt Nam tăng trưởng 6,3% trong năm nay
Thu Trang - 13/04/2017 19:32
 
Ngân hàng Thế giới đánh giá triển vọng của Việt Nam trong trung hạn vẫn tích cực, tăng trưởng GDP dự kiến tăng dần trong các năm 2017 - 2019, áp lực lạm phát ở mức thấp.
Họp báo World Bank sáng 13/4
Họp báo World Bank sáng 13/4

Sáng 13/4, tại buổi công bố báo cáo cập nhật kinh tế khu vực Đông Á - Thái Bình Dương, Ngân hàng Thế giới (WB) giữ nguyên dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam ở mức 6,3% trong năm nay mặc dù GDP tăng 5,1% trong quý I, mức thấp nhất trong vòng 3 năm trở lại đây.

Theo đó, về tình hình kinh tế khu vực Đông Á- Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam, Báo cáo cho rằng, năm 2016, tăng trưởng kinh tế giảm nhẹ xuống 6,2%, trong bối cảnh tỷ lệ lạm phát vừa phải và tình hình kinh tế đối ngoại vững chắc.

WB cho rằng triển vọng của Việt Nam trong trung hạn vẫn thuận lợi. Tăng trưởng GDP dự kiến tăng 6,4% trong năm 2018 - 2019, chủ yếu do đầu tư nước ngoài, sức cầu mạnh trong nước và các hoạt động chế tạo, chế biến định hướng xuất khẩu.

Theo ông Ousmane Dione, Giám đốc quốc gia WB tại Việt Nam, 3 yếu tố chủ yếu thúc đẩy kinh tế Việt Nam trong thời gian tới là: hoạt động sản xuất, tăng trưởng tín dụng, và củng cố tài khóa.

Ông Sebastian Eckardt, chuyên gia kinh tế trưởng của WB tại Việt Nam cũng cho rằng dù một số ngành suy giảm trong quý I, ngành sản xuất, bán lẻ và dịch vụ vẫn tăng mạnh và là động lực cho tăng trưởng kinh tế.

Nhận thấy nhu cầu tiêu dùng trong nước sẽ tiếp tục tăng mạnh, WB không điều chỉnh dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm nay, chuyên gia này cho biết.

Theo báo cáo của WB, mặc dù lãi suất chính sách vẫn không thay đổi, tăng trưởng tín dụng vẫn lên đến khoảng 19% (so với cùng kỳ năm trước) vào tháng 12/2016.

“Tốc độ tăng tín dụng cao gấp đôi so với tốc độ tăng trưởng GDP cho thấy có lý do cần quan ngại, đặc biệt vì tỷ lệ tín dụng trên GDP của Việt Nam trên dưới 120% vào tháng 12/2016 hiện đã rất cao trong khi áp lực nợ xấu trong quá khứ còn chưa được giải tỏa đủ”, báo cáo đánh giá.

Theo các chuyên gia của WB, mặc dù tốc độ tăng GDP năm 2016 thấp hơn so với năm 2015 và kế hoạch năm 2016 nhưng nguyên nhân chủ yếu là do sụt giảm trong ngành nông nghiệp và khai khoáng, trong khi sản lượng chế tạo chế biến và dịch vụ tăng trưởng tốt, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tăng trưởng mạnh.

Về thị trường lao động, WB cho rằng thị trường này tiếp tục phát triển tạo điều kiện cải thiện tổng phúc lợi và tỷ lệ nghèo tiếp tục giảm. “Gần một triệu người dân rời nông thôn để tìm kiếm việc làm, chủ yếu trong các ngành công nghiệp và xây dựng, với tốc độ tăng trưởng ngành là 7,6% so với cùng kỳ năm trước và một phần trong các ngành dịch vụ”, báo cáo của World Bank nêu rõ.

Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2017 là 6,7%
Sáng 20/10, ngay sau phiên khai mạc kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIV, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trình bày trước Quốc hội Báo cáo về kết quả...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư