Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 27 tháng 04 năm 2024,
Gần 40 ngàn công chức thôi việc, Quốc hội cần ứng xử thế nào?
An Nguyên - 24/10/2022 07:44
 
Đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh (Khánh Hòa), Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam cho rằng, một trong những vấn đề Quốc hội cần quan tâm đặc biệt tại kỳ họp này là việc hàng chục ngàn cán bộ, công chức xin thôi việc ở cơ quan nhà nước.
Đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh (Khánh Hòa), Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam

Thưa ông, nhiều năm trước, đại biểu Quốc hội đã chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ về tình trạng khó tinh giản biên chế, trong khi nhiều cán bộ, công chức “sáng cắp ô đi, tối cắp về”. Thế nhưng, gần đây, hàng chục ngàn cán bộ, công chức đã “cắp ô” đi hẳn ra khu vực ngoài nhà nước. Con số được Bộ Nội vụ công bố là từ năm 2020 đến giữa năm 2022 có 39.552 cán bộ, công chức, viên chức thôi việc, nghỉ việc, chuyển sang khu vực tư. Con số này chiếm gần 2% tổng số biên chế được giao. Ông có nghĩ rằng, đây là vấn đề cần được đặt lên bàn nghị sự của Quốc hội?

Cán bộ, công chức trong khối cơ quan nhà nước thôi việc để chuyển sang làm ở những lĩnh vực khác, với một số lượng đông như vậy, theo tôi, cần sự quan tâm đặc biệt của Quốc hội. Bởi vì, những người đó đã có bề dày hoạt động trong cơ quan nhà nước, họ có kinh nghiệm, bây giờ họ rời khởi khối các cơ quan nhà nước, thì việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mỗi cơ quan cũng như cả hệ thống sẽ bị ảnh hưởng.

Do đó, Quốc hội cần phải quan tâm kịp thời. Trước hết, phải tìm hiểu được nguyên nhân. Sau đó, phải có giải pháp để có thể chuẩn bị sẵn cho tình huống liệu còn có một “làn sóng” nào nữa không. Nếu có “làn sóng” tiếp theo như thế, thậm chí hơn thế, thì cần sẽ ứng xử thế nào?

Với quyền công dân, nếu các cán bộ, công chức, viên chức không muốn làm cho các cơ quan nhà nước nữa, thì chúng ta vẫn phải tôn trọng. Nhưng Nhà nước phải tính đến giải pháp, không chỉ là tuyên truyền, vận động, mà cần có chế độ chính sách, cần có cơ chế để giữ họ lại.

Để có thể làm tốt được một việc, mỗi người cần phải có thời gian nhất định. Tôi quan sát, có những người đã công tác 10, 15 năm, họ vẫn rời khỏi cơ quan nhà nước. Họ rời đi sẽ ảnh hưởng rất nhiều tới việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của cơ quan nhà nước, ảnh hưởng đến tâm lý của những người còn lại, cũng như ảnh hưởng tới rất nhiều khía cạnh khác mà chúng ta phải tính đến.

Vì thế, tôi cho rằng, Quốc hội cần phải quan tâm đặc biệt vấn đề này. Có thể chọn Bộ trưởng Bộ Nội vụ để chất vấn về chính sách và giải pháp. Tất nhiên, để có thể đưa ra giải pháp đồng bộ thì không chỉ riêng Bộ Nội vụ, mà cả các cơ quan có thẩm quyền khác cũng cần quan tâm.

Ông có cho rằng, một trong những nguyên nhân cán bộ, công chức, viên chức dồn dập xin thôi việc là do việc cải cách tiền lương đã bị chậm do mấy năm nay kinh tế gặp khó vì đại dịch?

Tôi nghĩ, có nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân cốt lõi nhất là những người làm trong bộ máy nhà nước bỏ công sức ra, bỏ chất xám ra, nhưng thu nhập chưa tương xứng. Họ so sánh với thu nhập ở những lĩnh vực khác, trong điều kiện kinh tế thị trường hiện nay, họ cảm nhận thấy chế độ đãi ngộ, việc trả lương như vậy có phần chưa phù hợp. Đấy là vấn đề cốt lõi nhất.

Ngoài ra, cũng có thể có những ảnh hưởng về môi trường làm việc, áp lực công việc và có những ảnh hưởng khác, nhưng là phụ, không phải là cái cơ bản nhất. Cốt lõi nhất vẫn là chế độ đãi ngộ và cơ chế động viên, khuyến khích, để họ có thể tiếp tục đóng góp vào những công việc của Nhà nước.

Ở kỳ họp này, Chính phủ đã trình phương án tăng lương, cụ thể là từ ngày 1/7/2023, thực hiện tăng lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức lên mức 1,8 triệu đồng/tháng (tăng khoảng 20,8%). Như vậy, theo ông, liệu có tác động tích cực đến việc giữ chân những cán bộ, công chức có kinh nghiệm ở lại làm việc trong các cơ quan nhà nước hay chưa?

Quốc hội tính đến việc tăng lương cũng là điều cần thiết, nhưng đã đáp ứng được yêu cầu chưa, thì tôi nghĩ, chắc còn phải bàn thêm. Theo nhận thức cá nhân tôi thì chưa. Chúng ta cần phải cải cách tiền lương, có chế độ về lương cho những người làm trong khối cơ quan nhà nước một cách căn bản hơn.

Nhất là phải tính đến những vấn đề căn cơ hơn, phải tính đến chức năng, nhiệm vụ của mỗi cơ quan, từ chức năng nhiệm vụ mới ra biên chế, từ biên chế mới ra tiền lương. Từ đó, Quốc hội cần có những quyết định sát hơn, xem ngân sách hàng năm cần chi cho cải cách tiền lương bao nhiêu. Đồng thời, cũng phải so sánh mức lương của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nhà nước với mức lương của các lĩnh vực ngoài nhà nước, để tương đồng nhau ở mức mặt bằng chung của xã hội. Nếu không tính sát được điều đó (tất nhiên cũng chỉ là tương đối, chứ không bao giờ có thể tuyệt đối 100% được), thì chúng ta luôn đi sau, luôn chưa theo kịp với yêu cầu phát triển của đất nước và nhu cầu của người lao động.

Gần 40.000 cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc trong 2 năm rưỡi qua
Bộ Nội vụ nhận được được báo cáo của 28 cơ quan Trung ương, 63 tỉnh, thành phố về số liệu cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc trong 2,5...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư