Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 27 tháng 06 năm 2024,
Nền kinh tế trước áp lực phục hồi và tăng trưởng nhanh hơn
Hà Nguyễn - 05/06/2024 09:35
 
Dù xu hướng phục hồi là tích cực, nhưng áp lực phục hồi và tăng trưởng nhanh hơn đang được “đặt lên vai” nền kinh tế.

Nhiệm vụ càng nặng nề hơn, khi những đòi hỏi về việc phải phục hồi và tăng trưởng nhanh hơn nữa không phải chỉ để thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội được Chính phủ đặt ra, hay Quốc hội đã quyết nghị, mà còn để “theo kịp với thế giới và khu vực”.

Chính Bộ Kế hoạch và Đầu tư, khi báo cáo Chính phủ mới đây, cũng đã nhấn mạnh điều này. Rằng một số nước đang triển khai các gói kích thích kinh tế mới, làm tăng thêm sức ép cạnh tranh, do đó, yêu cầu nền kinh tế phải phục hồi và tăng trưởng nhanh hơn nữa để theo kịp thế giới, khu vực.

Đó là sự thật. Kể từ cuối năm 2023 tới nay, nhiều nền kinh tế đã và đang triển khai nhiều gói kích thích kinh tế có quy mô lớn. Hàn Quốc chẳng hạn, đã công bố gói hỗ trợ 26.000 tỷ won (khoảng 19 tỷ USD) để hỗ trợ ngành công nghiệp chip.

Ngay như Thái Lan cũng đã quyết định triển khai kế hoạch kích thích kinh tế quy mô 500 tỷ baht (13,8 tỷ USD) trong 6 tháng cuối năm 2024, phát tiền trực tiếp vào tài khoản ví kỹ thuật số cho công dân từ 16 tuổi trở lên.

Thái Lan còn tập trung tìm giải pháp để kích thích tăng trưởng kinh tế năm 2024.

Trong khi đó, Indonesia cũng đã thông qua gói ngân sách 455 triệu USD để trợ cấp mua xe máy điện từ các doanh nghiệp sản xuất ô tô có nhà máy ở Indonesia và sử dụng ít nhất 40% linh kiện nội địa. Malaysia cũng lên kế hoạch tổng thể với quy mô 20 tỷ USD để hỗ trợ chuyển đổi các ngành công nghiệp…

Tương tự, Trung Quốc thành lập Quỹ Đầu tư bán dẫn quy mô 27 tỷ USD, Ấn Độ hỗ trợ lên tới 50% chi phí đầu tư đối với 3 nhà máy sản xuất và thử nghiệm chip có tổng quy mô đầu tư khoảng 15 tỷ USD. Nhật Bản thì công bố gói chính sách 17.000 tỷ yên (113 tỷ USD) nhằm giảm thuế và trợ cấp cho người dân để giảm bớt áp lực tăng giá lên đời sống…

Các gói kích thích kinh tế này, nếu sớm được đưa vào triển khai và triển khai hiệu quả sẽ là áp lực lớn với kinh tế Việt Nam. Chỉ ví dụ một khía cạnh là thu hút đầu tư và phát triển ngành công nghiệp bán dẫn. Nếu không “nhanh chân” và có những giải pháp đột phá, thì có thể không tận dụng được cơ hội to lớn mà thế giới đang trao cho Việt Nam.

Thực tế, cho tới thời điểm này, các tổ chức quốc tế vẫn đang có những dự báo tích cực về kinh tế Việt Nam. Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2024 của Việt Nam sẽ được duy trì ở mức 6%. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo Việt Nam đứng thứ 20 thế giới với mức tăng trưởng năm 2024 đạt 5,8%. WB dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2024 là 5,5% và tiếp tục nằm trong nhóm đầu thế giới về tăng trưởng kinh tế. Ngân hàng UOB dự báo kinh tế Việt Nam năm 2024 tăng trưởng 6%.

Nghĩa là, khả năng đạt mục tiêu tăng trưởng 6-6,5% trong năm nay khá lớn. Và quả thực, nền kinh tế Việt Nam cũng có nhiều triển vọng để cải thiện tốc độ tăng trưởng thông qua việc thúc đẩy đầu tư công, tiêu dùng, du lịch; cũng như gia tăng đóng góp của số hóa, công nghệ cao vào tăng trưởng, đẩy mạnh quá trình chuyển đổi xanh, tận dụng xu hướng chuyển dịch dòng vốn đầu tư nước ngoài...

Nhưng rõ ràng, nền kinh tế Việt Nam đang phải đối mặt với không ít rủi ro, thách thức. Chẳng hạn, sự phục hồi chậm của các đối tác thương mại lớn; xu hướng tiếp tục thắt chặt tiền tệ ở nhiều quốc gia nhằm kiềm chế lạm phát; rủi ro gián đoạn trong chuỗi giá trị toàn cầu…

Hơn thế, dù nền kinh tế Việt Nam có tăng trưởng 6-6,5%, thuộc diện cao trên khu vực và thế giới, nhưng đó là mức tăng trưởng dựa trên nền quy mô GDP vẫn còn ở mức thấp. Và dù có tăng trưởng 6-6,5% trong năm nay, thì khả năng đạt mục tiêu của Kế hoạch 5 năm 2021-2025 cũng rất khó. Điều này sẽ tiếp tục đặt áp lực phải tăng trưởng cao hơn và bền vững hơn trong giai đoạn 2026-2030, để có thể hoàn thành mục tiêu Chiến lược 10 năm 2021-2030, cũng như cho các mục tiêu xa hơn vào năm 2030 và 2045.

Đó thực sự là một thách thức vô cùng lớn. Hóa giải thách thức không chỉ cần những giải pháp trong ngắn hạn, hay trong trung và dài hạn. Và cũng không thể là các giải pháp “bình thường”, mà có thể cần cả giải pháp mang tính “đột phá”, nhằm hỗ trợ và kích thích nền kinh tế phục hồi, tăng trưởng nhanh hơn trong những năm tới.

Chuyển đổi số - chuyển đổi xanh: Động lực thúc đẩy tăng trưởng
Là xu hướng chuyển dịch tất yếu của thế giới, chuyển đổi số - chuyển đổi xanh không chỉ thúc đẩy doanh nghiệp phát triển bền vững, mà...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư