Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 18 tháng 05 năm 2024,
Thống nhất trình Dự thảo Nghị quyết về việc đánh thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung vào Kỳ họp Quốc hội tháng 10/2023
Thanh Hà - 28/09/2023 22:27
 
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất với sự cần thiết ban hành Nghị quyết của Quốc hội về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu.

Sáng 28/9, sau khi Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc thừa ủy quyền của Chính phủ đọc Tờ trình Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu, các đại biểu tham Phiên họp thứ 26 - Đợt 3 (tháng 9/2023) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tập trung thảo luận về sự cần thiết ban hành nghị quyết này.

Về cơ bản, các ý kiến đều thống nhất với sự cần thiết ban hành Nghị quyết. Tuy vậy, vẫn có những ý kiến băn khoăn về việc có nên dùng từ “thí điểm” trong tên gọi của Dự thảo Nghị quyết hay không.

Liên quan đến vấn đề này, Chính phủ đã đề nghị tên gọi của Nghị quyết không có chữ “thí điểm” để bảo đảm sự chắc chắn cho văn bản đạt chuẩn khi OECD thực hiện rà soát. Có ý kiến cho rằng, nên giữ chữ “thí điểm”, với quy định cụ thể về thời hạn áp dụng và kết thúc theo quy định của Luật Ban hành Văn bản quy phạm pháp luật. Có ý kiến đề nghị bỏ chữ “thí điểm” để đảm bảo tính chắc chắn và phù hợp với quốc tế.

Toàn cảnh phiên họp thứ 26 - Đợt 3 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

“Tôi đồng tình với việc Quốc hội sẽ ban hành Nghị quyết về thuế bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu và không cần thiết có chữ ‘thí điểm’ bởi vì đây là về mặt thủ tục và chúng ta cũng thực hiện cam kết với OECD”, ông Bùi Văn Cường, Tổng Thư ký của Quốc hội bày tỏ.

Cũng theo ông Cường, nếu Việt Nam không thực hiện việc thu thuế bổ sung thì các công ty đa quốc gia khi làm ăn, kinh doanh ở Việt Nam có thể sẽ bị thu thuế ở quốc gia đặt trụ sở chính. Nếu vậy, Việt Nam sẽ bị thất thu thuế.

“Cho nên, chúng ta ban hành để bắt đầu áp dụng từ năm 2024 là cần thiết”, ông Bùi Văn Cường nói.

Có cùng quan điểm, ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho rằng, dù thuế tối thiểu toàn cầu không phải là điều ước quốc tế, cũng không phải là cam kết quốc tế, theo hay không là “quyền của chúng ta”, nhưng trong bối cảnh hiện nay, chúng ta phải “tham gia vào cuộc chơi này”.

“Nếu chúng ta không đánh thuế thì quốc gia mà doanh nghiệp đó đặt trụ sở chính cũng sẽ đánh thuế. Tức là nếu không ban hành nghị quyết này, chúng ta đã từ bỏ quyền đánh thuế. Vì vậy, chúng tôi thống nhất phải ban hành Nghị quyết”, ông Vũ Hồng Thanh nói.

Cũng theo ông Vũ Hồng Thanh, đánh thuế rồi nhưng phải làm sao để môi trường đầu tư, kinh doanh vẫn giữ được ổn định, không ảnh hưởng đến các doanh nghiệp đang đầu tư ở Việt Nam.

Theo lý giải của ông Vũ Hồng Thanh thì hiện nay, một số doanh nghiệp đang được hưởng thuế suất ưu đãi thấp hơn 15%. Nếu nâng mức thuế lên 15% thì doanh nghiệp phải nộp thuế nhiều hơn. Vì thế, cần có chính sách bù trừ vào khoản thuế này để không ảnh hưởng đến nhà đầu tư, đồng thời cũng phải dự liệu để không ảnh hưởng đến việc thu hút đầu tư mới.

Đồng tình với việc trình Dự thảo Nghị quyết ra Quốc hội theo quy trình, thủ tục rút gọn để có thể áp dụng từ ngày 1/1/2024, nhưng ông Vũ Hồng Thanh cũng cho rằng, cần phải đánh giá tác động đến cả 3 yếu tố, bao gồm ngân sách, doanh nghiệp đang đầu tư và doanh nghiệp sẽ đầu tư.

Phát biểu giải trình ý kiến của các đại biểu, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc một lần nữa khẳng định, việc ban hành Nghị quyết của Quốc hội về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu nhằm thực hiện quyền đánh thuế của Việt Nam đối với thuế tối thiểu toàn cầu là cần thiết.

“Đây là vì quyền lợi của đất nước. Nếu chúng ta không đánh thuế bổ sung thì doanh nghiệp sẽ nộp về chính quốc. Mình vừa thất thu thuế, vừa mất dòng đầu tư vào Việt Nam”, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nói và cho rằng, vấn đề này có tác động rất lớn đối với việc Việt Nam có giữ chân được các nhà đầu tư hay không.

“Trong cuộc chơi này, chúng ta phải giành quyền chủ động, tức là phải thực hiện Nghị quyết của mình”, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nhấn mạnh.

Trước đó, khi đọc Tờ trình, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc đã khẳng định, tập trung giành quyền đánh thuế, hạn chế việc chuyển số thuế sang các quốc gia khác, đồng thời để đảm bảo tình hình triển khai áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu của các nước trên thế giới, Việt Nam cần áp dụng quy định tổng hợp thu nhập chịu thuế tối thiểu (IIR) và quy định thuế bổ sung tối thiểu nội địa đạt chuẩn (QDMTT) từ năm 2024.

Phó chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại phiên họp

Kết luận nội dung thảo luận, Phó chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn khẳng định, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất thẩm quyền ban hành, sự cần thiết, mục tiêu, tên gọi dự án Nghị quyết của Quốc hội về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu.

Phó chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cũng đề nghị Chính phủ tiếp thu các ý kiến của Thường vụ Quốc hội, ý kiến thẩm tra bổ sung, hoàn thiện các báo cáo, đánh giá kỹ quy trình triển khai trình Quốc hội xem xét, quyết định theo trình tự, thủ tục rút gọn tại Kỳ họp thứ 6, tháng 10/2023; giao Ủy ban Tài chính - Ngân sách chủ trì, phối hợp với Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của Quốc hội thẩm tra chính thức trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội Khóa XV.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư