Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 17 tháng 05 năm 2024,
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến chỉnh lý dự thảo Luật Đất đai sửa đổi
Nguyễn Lê - 17/01/2024 10:35
 
Trong ngày đầu tiên của Kỳ họp bất thường lần thứ năm, Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về Dự thảo luật đặc biệt quan trọng này với 29 lượt đại biểu đăng đàn, 11 vị góp ý bằng văn bản.
.
Phiên họp sáng 17/1 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội - Ảnh:Qiuochoi.vn.

Hôm nay (17/1) Quốc hội nghỉ họp để các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan hữu quan tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo luật, dự thảo nghị quyết, trong đó có dự thảo Luật Đất đai sửa đổi (Dự thảo).

Theo Cổng thông tin điện tử Quốc hội, sáng 17/1, dưới sự chủ trì và điều hành của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành phiên họp cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo

Tham dự phiên họp có Phó thủ tướng Lê Minh Khái, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường, lãnh đạo các cơ quan hữu quan.

Sau khi nghe Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày tóm tắt dự thảo báo cáo của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiến hành thảo luận về kết cấu của báo cáo; các nội dung tiếp thu, giải trình; góp ý trực tiếp vào Dự thảo.

Trước đó, trong ngày làm việc đầu tiên của Kỳ họp bất thường lần thứ năm, Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về Dự thảo luật đặc biệt quan trọng này với 29 lượt đại biểu đăng đàn, 11 vị góp ý bằng văn bản.

Ngày 16/1, Tổng thư ký Quốc hội đã gửi tới các vị đại biểu báo cáo tổng hợp ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội thảo luận tại hội trường về Dự thảo.

Theo báo cáo này, bên cạnh vấn đề chung, các vị đại biểu còn góp ý về nhiều nội dung cụ thể của Dự thảo, từ giải thích từ ngữ, nguyên tắc sử dụng đất, quyền hạn và trách nhiệm của Nhà nước, quyền và nghĩa vụ của công dân đối với đất đai cho đến các vấn đề về thu hồi đất…

Liên quan đến nguyên tắc, căn cứ, phương pháp định giá đất (Điều 158), Tổng thư ký Quốc hội phản ánh, có 3 ý kiến đề nghị không quy định phương pháp thặng dư trong định giá đất.

Bởi vì, mặc dù có nhiều phương pháp định giá đất nhưng việc định giá đất đối với các phương pháp khác nhau cho ra kết quả tương đồng đối với thửa đất đó; kết quả định giá đất khi áp dụng phương pháp thặng dư được thực hiện trên các cơ sở giả định, ước tính, do đó, mức độ tin cậy chưa cao đối với các khu vực hạn chế về thông tin thực tế về chi phí doanh thu để làm căn cứ ước tính, việc xác định giá trị lúc nào cũng tăng dần là không hợp lý do giá trị thửa đất có thể đi xuống khi nền kinh tế suy thoái.

Lý do nữa là việc tính toán các yếu tố giả định trên rất phức tạp, kết quả định giá không chắc chắn, thiếu chính xác, có sai số lớn cùng một thửa đất, chỉ cần thay đổi một chỉ tiêu trong các yếu tố giả định thì thay đổi kết quả định giá. Trường hợp cần thiết phải giữ lại phương pháp này cần có van khóa để kiểm soát tính chính xác, phù hợp của kết quả định giá đất.

Ngoài ra còn có ý kiến còn băn khoăn về quy định tại điểm c khoản 3 chỉ quy định giá đất thu thập qua điều tra, khảo sát đối với trường hợp chưa có thông tin quy định tại khoản này, đề nghị quy định bắt buộc mọi trường hợp đều phải điều tra, khảo sát giá đất.

Đại biểu cũng cho rằng, có tới 4 phương pháp định giá đất, nhưng nội dung này vẫn chưa thực sự thuyết phục và không tạo thuận lợi tốt nhất cho tổ chức trực tiếp thực hiện làm nhiệm vụ công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư tại các địa phương, còn thiếu các nguyên tắc cơ bản, đảm bảo tính hợp lý và tương đồng về giá trị định giá khi áp dụng các phương pháp khác nhau.

Điều này sẽ gây khó khăn cho các địa phương trong quá trình xây dựng và áp dụng, rất dễ dẫn đến sai phạm khi có thanh tra, kiểm tra, vì khi áp dụng phương pháp định giá cho từng trường hợp cụ thể có khả năng sẽ không ra cùng đáp án với loại đất tương tự trong cùng dự án khi áp dụng phương pháp khác.

Vể bảng giá đất, có đại biểu đề nghị cần sửa đổi, bổ sung Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xây dựng trình Hội đồng nhân dân cùng cấp thông qua trước khi quyết định bảng giá đất lần đầu để công bố và thực hiện từ ngày 1/1/2026 và hằng năm, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm trình Hội đồng nhân dân cấp tỉnh thông qua trước khi quyết định điều chỉnh sửa đổi, bổ sung bảng giá đất để áp dụng từ ngày 1/1 của năm tiếp theo.

Ý kiến này đề nghị bổ sung nội dung đối với trường hợp tính thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, tính thuế đất trả tiền thuê đất hàng năm thì giá đất để tính thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, tính tiền thuê đất, trả tiền thuê đất hàng năm ổn định trong 5 năm, sau 5 năm thì không vượt quá 20% tiền thuê đất mà người sử dụng đất trả trong 5 năm đầu tiên.

Theo tổng hợp của Tổng thư ký Quốc hội, có 2 vị đề nghị quy định bảng giá đất 5 năm 1 lần như luật hiện hành và hàng năm biến động thì điều chỉnh hệ số k như đã làm.

Về giá đất cụ thể, có đại biểu cho rằng cần nghiên cứu theo hướng giá đất chỉ có một loại giá sát với giá thị trường, được cập nhật, bổ sung thường xuyên để áp dụng chung cho tất cả các trường hợp liên quan đến nghĩa vụ tài chính trong phạm vi toàn tỉnh.

Theo một số đại biểu thì Dự thảo đang quy định giao thẩm quyền riêng cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định giá đất cụ thể, cần sửa lại nội dung này giao cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định giá đất cụ thể.

Sáng mai (18/1), Quốc hội sẽ xem xét, bấm nút thông qua Luật Đất đai sửa đổi trong phiên bế mạc Kỳ họp bất thường lần thứ năm. 

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư