Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 29 tháng 04 năm 2024,
Viconship mua lại 35% cổ phần Công ty TNHH Cảng Nam Hải Đình Vũ: Thương vụ M&A còn dang dở?
Thanh Thủy - 11/06/2023 09:49
 
Cuối tháng 5/2023, Gemadept đã thoái sạch vốn tại Công ty TNHH Cảng Nam Hải Đình Vũ, nhưng Viconship không phải bên mua duy nhất. Mục tiêu mua cổ phần một doanh nghiệp cảng biển đạt đến tỷ lệ chi phối của Viconship vẫn chưa hoàn tất.

Chưa đạt mức sở hữu chi phối

Những ngày cuối tháng 5/2023, thành phố cảng Hải Phòng ghi nhận những chuyển động “nóng” trong lĩnh vực cảng biển liên quan đến hàng loạt khoản đầu tư trị giá hàng ngàn tỷ đồng.

Ngày 24/5, Gemadept khai trương giai đoạn II của Cụm cảng Nam Đình Vũ tại Khu công nghiệp Nam Đình Vũ. Dự án với giá trị đầu tư gần 1.300 tỷ đồng đã giúp mở rộng quy mô cảng này lên 43,59 ha, gấp hơn 2 lần trước đó.

Đẩy mạnh đầu tư vào cảng Nam Đình Vũ, Gemadept cùng lúc thoái sạch vốn tại Công ty TNHH Cảng Nam Hải Đình Vũ.

Theo cập nhật mới nhất vào ngày 30/5, toàn bộ cổ phần của Công ty TNHH Cảng Nam Hải Đình Vũ thuộc sở hữu của 4 nhà đầu tư, gồm Công ty cổ phần Container Việt Nam (Viconship) nắm 35%; Công ty TNHH Thương mại và Đầu tư Đoàn Huy (36,67%); Công ty TNHH Thương mại Kim khí Xuất nhập khẩu Huy Hoàng (28,33%) và ông Nguyễn Đình Hưởng.

Đến thời điểm hiện tại, giá trị đầu tư của Viconship vào phần vốn góp trên chưa được công bố, nhưng sẽ sớm được tiết lộ trên báo cáo tài chính quý II (dự kiến công bố từ trung tuần tháng 7 tới).

Trước đó, trong bản kế hoạch đầu tư năm 2023 đã được Đại hội đồng cổ đông thông qua, Viconship dự kiến chi 2.250 tỷ đồng để nhận chuyển nhượng đạt tỷ lệ chi phối một doanh nghiệp lĩnh vực cảng biển.

Không chỉ dừng ở kế hoạch, Viconship đã thực chi 300 tỷ đồng tiền cọc từ ngày 29/12/2022. Cụ thể, doanh nghiệp này và Công ty TNHH Thương mại và Đầu tư Đoàn Huy đã thực hiện đặt cọc tổng cộng 1.000 tỷ đồng. Viconship cần tiếp tục rót thêm vốn cho thương vụ đầu tư này để đạt tỷ lệ sở hữu chi phối.

Áp lực đòn bẩy tài chính

Theo quyết định của Hội đồng Quản trị vào giữa tháng 5/2023, Viconship đã thông qua phương án huy động vốn vay trung - dài hạn có tài sản đảm bảo với giá trị khoảng 700 tỷ đồng từ Ngân hàng TMCP Bảo Việt. Thực tế, đã có nhiều khoản vay tại nhà băng này được thực hiện trong tháng 12/2022 và tháng 5/2023. Gần nhất, ngày 31/5, tất cả các quyền tài sản đối với phần vốn góp tại Công ty Cảng Nam Hải Đình Vũ cũng đã được sử dụng để làm tài sản thế chấp.

Từ đầu năm, Viconship đã được phê duyệt kế hoạch tăng vốn điều lệ thông qua việc chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ 1:1, tương ứng 121,27 triệu cổ phiếu dự kiến phát hành. Với giá 10.000 đồng/cổ phiếu, Công ty kỳ vọng thu về gần 1.213 tỷ đồng và sẽ dùng chủ yếu để đầu tư doanh nghiệp cảng mục tiêu (1.200 tỷ đồng). Tuy nhiên, phương án phát hành này cần thời gian hoàn tất thủ tục cũng như sự “ủng hộ” từ thị trường chứng khoán để có thể huy động thành công. Vốn vay với giá trị lớn và khả năng huy động nhanh là nguồn tiền chính “trông chờ” ở thời điểm này.

Theo tính toán của Viconship, ảnh hưởng do tăng chi phí lãi vay ngân hàng để thực hiện thương vụ mua bán - sáp nhập (M&A) 200 tỷ đồng cùng con số lỗ 40 tỷ đồng từ các khoản đầu tư vào công ty con, công ty liên kết là 2 nguyên nhân khiến kế hoạch lợi nhuận của Viconship “đi lùi”.

Có nhiều kỳ vọng cho rằng, khi thương vụ M&A này được hoàn thành trong năm 2023, doanh thu của Viconship sẽ tiếp tục được tăng mạnh. Tuy nhiên, lãnh đạo Viconship cũng thừa nhận, cảng mới sau khi nhận chuyển nhượng chắc chắn sẽ gặp khó khăn trong công tác thị trường và tìm kiếm khách hàng. “Thông thường, hoạt động tìm kiếm khách hàng được hoàn tất vào tháng 10 năm liền trước. Chúng tôi đã lường trước và làm việc với các khách hàng để giảm những chỗ trống của cảng mục tiêu”, ông Bùi Minh Hưng, tân Chủ tịch HĐQT Viconship nói.

Tình hình thêm khó khăn hơn trong bối cảnh các cảng tại khu vực Hải Phòng luôn trong tình trạng dư cung. Kể từ năm 2020, các cảng tại Hải Phòng đang dư cung khoảng 30% công suất. Trong khi đó, Thành phố tiếp tục có thêm cảng mới, sản lượng thông qua hàng hóa xuất nhập khẩu các tháng đầu năm 2023 suy giảm đáng kể.

Năm 2022, Cảng Nam Hải Đình Vũ khai thác an toàn 485 chuyến tàu với sản lượng thông qua đạt 570.047 TEU, vượt 14% công suất thiết kế. Kết quả kinh doanh năm 2022 của doanh nghiệp cảng này tăng trưởng 7% về doanh thu và 6% về lợi nhuận. Tuy nhiên, đã có một lượng lớn khách hàng cũ của cảng đồng ý chuyển, qua đó giảm bớt áp lực lấp đầy cho cảng mới Nam Đình Vũ giai đoạn II vừa khai trương.

Doanh thu tăng lên sau thương vụ là điều chưa chắc chắn. Tuy nhiên, tại cuộc họp cổ đông tổ chức vào trung tuần tháng 3/2023, ông Bùi Minh Hưng kỳ vọng, hoạt động đầu tư sẽ giúp Viconship dần tiến đến vị trí dẫn đầu về công suất cảng biển tại Hải Phòng.

Theo tính toán của bộ phận phân tích thuộc Công ty Chứng khoán An Bình, trong trường hợp hoàn tất thâu tóm cảng Nam Hải Đình Vũ, năng lực của Viconship trong hệ thống cảng containter Hải Phòng sẽ được nâng từ 12% lên 17% tổng công suất. Ngược lại, công suất của Gemadept giảm từ 14% xuống 13%. Sở dĩ mức giảm thấp là do giai đoạn II của cảng Nam Đình Vũ đi vào hoạt động trong năm 2023 và dự kiến đủ bù đắp phần công suất của Nam Hải Đình Vũ.

ĐHĐCĐ Viconship: Chủ tịch từ nhiệm, cổ đông trăn trở ở hay đi
Nhân sự cấp cao tại Viconship thay đổi rất nhiều trong một năm trở lại đây. ĐHĐCĐ thường niên năm 2023 cũng chính thức miễn nhiệm ông Nguyễn...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư