Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Bộ Chính trị yêu cầu không điều động, luân chuyển cán bộ bị kỷ luật về Trung ương hay sang địa phương khác
Võ Thành (VnExpress) - 09/10/2017 07:28
 
Cán bộ bị kỷ luật, năng lực yếu, uy tín giảm sút sẽ không được điều động về Trung ương, về địa phương hoặc sang địa phương khác.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa ký ban hành Quy định của Bộ Chính trị về luân chuyển cán bộ, với mục đích tạo nguồn cán bộ lâu dài, nhất là lãnh đạo chủ chốt ở các ngành, các cấp và cán bộ cấp chiến lược.

Quy định nêu rõ việc tiếp tục thực hiện chủ trương luân chuyển cán bộ kết hợp chặt chẽ với bố trí một số chức danh lãnh đạo chủ chốt cấp tỉnh, cấp huyện không là người địa phương và cán bộ không giữ chức vụ quá hai nhiệm kỳ liên tiếp.

Quá trình thực hiện quy định phải bảo đảm dân chủ, khách quan; ngăn chặn tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm, quan hệ dòng họ, thân quen...

Bộ Chính trị yêu cầu chỉ luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý, không luân chuyển cán bộ làm công tác chuyên môn, nghiệp vụ; không điều động về Trung ương, về địa phương hoặc sang địa phương khác những cán bộ bị kỷ luật, năng lực yếu, uy tín giảm sút. Cán bộ luân chuyển phải là người trẻ, trong quy hoạch, có triển vọng phát triển; thời gian luân chuyển ít nhất là ba năm (36 tháng) đối với một chức danh (trừ chức danh kiêm nhiệm). 

Quy định đưa ra năm bước cụ thể thực hiện luân chuyển cán bộ, đầu tiên là căn cứ vào nhu cầu, các đơn vị tiến hành rà soát, đánh giá đội ngũ và xây dựng kế hoạch trình cấp có thẩm quyền xem xét, cho chủ trương; sau khi có chủ trương, các đơn vị liên quan mới tiến hành bước tiếp theo.

bo-chinh-tri-yeu-cau-khong-luan-chuyen-can-bo-bi-ky-luat

Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Trung ương Trần Quốc Vượng làm việc tại Bộ Giao thông vận tải về công tác luân chuyển cán bộ, tháng 5/2017. Ảnh: CTV

Nhiệm kỳ 2011-2016, cả nước đã luân chuyển 18.840 lượt cán bộ lãnh đạo, quản lý ở các cấp; luân chuyển kết hợp với bố trí một số chức danh lãnh đạo không phải người địa phương đối với 3.121 lượt cán bộ ở địa phương, cơ quan, đơn vị.

Trong đó, vào tháng 3/2014, Bộ Chính trị, Ban bí thư đã công bố danh sách luân chuyển 44 cán bộ Trung ương về các địa phương giữ chức vụ Phó bí thư hoặc Phó chủ tịch tỉnh, thành. Đến nay, nhiều cán bộ trong danh sách này đã giữ vị trí cấp trưởng nơi công tác, như: ông Lê Thành Long, Bộ trưởng Tư pháp; ông Nguyễn Thanh Nghị, Bí thư Tỉnh uỷ Kiên Giang; bà Nguyễn Thị Thu Hà, Chủ tịch Trung ương Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam; ông Lê Minh Khái, Bí thư Tỉnh uỷ Bạc Liêu; ông Trần Quốc Tỏ, Bí thư Tỉnh uỷ Thái Nguyên; ông Trần Văn Sơn, Bí thư Tỉnh uỷ Điện Biên...

Gần đây, tháng 5/2017, Bộ Chính trị đã thành lập 5 đoàn kiểm tra đối với một số Ban thường vụ Tỉnh uỷ, Thành uỷ, Ban cán sự Đảng một số bộ, ngành, về việc thực hiện kết luận 24 (năm 2012) về đẩy mạnh công tác quy hoạch, luân chuyển cán bộ lãnh đạo quản lý gắn với quy chế bổ nhiệm và giới thiệu cán bộ ứng cử.

Theo quy định của Bộ Chính trị, cán bộ khi luân chuyển chủ yếu được bố trí làm cấp trưởng; đối với cán bộ trẻ luân chuyển để đào tạo, rèn luyện chủ yếu bố trí làm cấp phó; trường hợp khác do cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Cán bộ luân chuyển còn thời gian công tác ít nhất 2 nhiệm kỳ (10 năm) tính từ thời điểm đi luân chuyển (50 tuổi đối với nam, 45 tuổi đối với nữ, trừ cán bộ nữ thuộc diện được kéo dài thời gian công tác theo quy định).
Đà Nẵng luân chuyển cán bộ nhiều vị trí
Sáng ngày 02/3/2016, Ban Tổ chức Thành ủy Đà Nẵng phối hợp với Sở Nội vụ thành phố tổ chức công bố các quyết định của Ban...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư