Đặc biệt, theo ghi nhận của PV, bún thang và bún chả là hai món ăn được các phóng viên gọi nhiều nhất trong ngày đầu diễn ra sự kiện.
Món bún chả được phục vụ tại Trung tâm báo chí |
Lượng thịt tăng nhiều hơn suất bún chả thông thường vì các phóng viên ăn theo kiểu buffet |
Anh Đoàn Văn Lai, chủ cửa hàng bún thang Bà Ẩm, cho biết, dự kiến sẽ có hơn 4.000 suất bún thang được đưa tới Trung tâm báo chí trong 4 ngày, từ 26/2-1/3. Anh phải huy động cả gia đình ra phụ giúp, chuẩn bị nguyên vật liệu. Vì lượng cầu tăng lên đột biến nên sáng và trưa 27/2, các suất ăn đều hết sớm và không đủ phục vụ.
Chẳng hạn, trưa 27/2, khi PV hỏi ăn bún thang thì cửa hàng đã hết sạch, mặc dù anh đã cung cấp tới 500 bát. Vì thế, buổi chiều và tối anh dự kiến sẽ làm 800 bát nữa để phục vụ các phóng viên quốc tế và trong nước.
Anh nhẩm tính, trung bình mỗi ngày, cửa hàng tiêu thụ từ 900-1.300 bát bún thang. Bình thường, giá bán mỗi bát là 50.000 đồng, nhưng ở đây các phóng viên được phục vụ miễn phí.
“Tuy mọi thứ đều vất vả, bận rộn hơn ngày thường nhưng ai nấy đều vui vẻ vì hiếm khi có cơ hội giới thiệu ẩm thực Việt Nam ra thế giới như vậy”, anh Lai chia sẻ.
Một phóng viên nếm món bún thang (ảnh Zing) |
Bà Lê Kim Oanh, chủ cửa hàng bún chả và bánh cuốn trên phố Tô Hiến Thành, cho hay, không chỉ đảm bảo về số lượng suất ăn mà cửa hàng còn tăng cường kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm.
Trung bình mỗi ngày, bà Oanh và nhân viên cửa hàng phục vụ 400-500 suất bún chả tại Trung tâm báo chí. Do là ăn buffet chứ không phải theo suất ăn thông thường nên số lượng thịt (chả) cần gia tăng hơn. Tất cả các khâu được chế biến trực tiếp tại cửa hàng, sau đó mới chở đến Cung Hữu nghị Hà Nội.
Theo các chủ cửa hàng, thông tin về lịch đặt món ăn chỉ biết trước một ngày trước khi tham gia. Để đáp ứng đủ số lượng, các cửa hàng đều phải huy động toàn bộ nhân viên đến Cung Hữu nghị Hà Nội để phục vụ.
Anh Bùi Chí Thành, chủ cửa hàng phở Thìn, nói rằng anh phải điều động thêm nhân viên, tăng thêm số ca để đáp ứng đủ số lượng, chỉ tiêu đặt hàng. Riêng ngày 26/2, anh bán ra 1.200 bát, dự kiến trong 4 ngày diễn ra hội nghị sẽ có hơn 4.000 suất phở được phục vụ. Mỗi bát phở như vậy thường có giá 50.000 đồng.
Chả quế Hà Nội (ảnh Thái An) |
Món xôi chè được phục vụ từ hôm nay 27/2 (ảnh Thái An) |
Bà Nguyễn Thị Lan, chủ nhân thương hiệu "bánh khúc cô Lan", cũng chia sẻ, từ sáng 26/2, ngày làm việc đầu tiên tại Trung tâm báo chí quốc tế, hàng trăm suất bánh khúc đã tới tay các phóng viên trong và ngoài nước. Dự kiến trong cả sự kiện, hàng nghìn suất bánh khúc sẽ được bạn bè quốc tế thưởng thức. Đây là món quà vặt dân dã của người Hà Nội, có thể lót dạ hay ăn bữa xế.
Theo chủ quán cafe Giảng, UBND Thành phố Hà Nội đã đặt hàng gần 1.000 cốc cafe trứng mỗi ngày, như vậy tổng cộng trong thời gian diễn ra Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều, quá cà phê này sẽ phục vụ gần 3.000 cốc.
Ngoài bún chả, bún thang, phở, các món ăn dân dã khác của Việt Nam khác như bánh mì, nem, xôi, các loại giò chả, chè,... dịp này cũng được giới thiệu đến khách quý.
Các chủ cửa hàng cho biết, họ sẽ thống kê số lượng bát phở, bún, hay các suất ăn bán ra mỗi ngày, sau khi Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều kết thúc, UBND TP. Hà Nội sẽ hỗ trợ kinh phí cho các cửa hàng.