Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Nếu doanh nghiệp không giảm giá thịt lợn, Việt Nam sẽ tăng nhập khẩu
Hồng Phúc - 12/03/2020 16:28
 
“Chúng tôi mong muốn các doanh nghiệp lớn gương mẫu trong việc giảm giá thịt lợn, quanh mức 70.000 đồng/kg là hợp lý. Nếu không làm được, chắc chắn Chính phủ sẽ cho tăng cường nhập thịt lợn từ Mỹ, Canada, Australia, Nga, thậm chí từ Lào, Campuchia”, ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nói tại Hội nghị trực tuyến thúc đẩy sản xuất nông nghiệp trong điều kiện dịch bệnh Covid-19, tại Hà Nội.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng, đã nhiều lần Thủ tướng chỉ đạo quyết liệt và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng cộng đồng doanh nghiệp để “kìm, giảm giá thịt lợn. Tuy nhiên, đến nay vẫn ở mức cao”.

Nếu không kìm được giá thịt lợn ở mức có cả lợi ích người sản xuất, nhà phân phối, người tiêu dùng, chắc chắn Chính phủ sẽ mở cửa thị trường, cho phép nhập khẩu thịt lợn nhiều hơn nữa.

“Chúng tôi đề nghị các doanh nghiệp giảm giá thịt lợn. Đặc biệt 17 doanh nghiệp lớn dù đã có cố gắng trong thời gian qua nhưng vẫn có doanh nghiệp cho biết, giá thịt lợn từ 71.000-73.000 đồng/kg nhưng vẫn bán cao hơn”, ông Phùng Đức Tiến nói.

Đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng cho rằng, các địa phương cần chỉ đạo các doanh nghiệp cùng Trung ương, Chính phủ tập trung giải quyết việc kìm giá thịt lợn. 

.
Toàn cảnh Hội nghị trực tuyến thúc đẩy sản xuất nông nghiệp trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 tại Hà Nội (Ảnh: Thu Phương).

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Việt, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch nhận định, chăn nuôi sẽ là “cứu cánh” cho ngành nông nghiệp trong năm 2020 và đảm bảo, thị trường nội địa sẽ không thiếu nguồn cung các loại thịt.

Dự kiến, tổng sản lượng thịt các loại năm nay đạt khoảng 5,8 triệu tấn, tăng 16,3% so với năm 2019. Trong đó, khoảng 3,95 triệu tấn thịt lợn; 1,42 triệu tấn thịt gia cầm; 365,3 nghìn tấn thịt bò; 14,6 tỷ quả trứng,…

Dù còn nhiều khó khăn về xuất khẩu do tác động của dịch Covid-19, giá cá tra giảm, xâm nhập mặn, nhưng thời tiết trên biển tương đối thuận lợi, giá nhiên liệu giảm; các ưu đãi của CPTTP và EVFTA, sản lượng thủy sản được kỳ vọng đạt 8,5 triệu tấn, tăng 4,4% so với năm 2019.

Mục tiêu kim ngạch xuất khẩu hàng hóa nông lâm thủy sản đạt 42 tỷ USD. 

Trong đó, hàng nông sản khoảng 20 tỷ USD, lâm sản và đồ gỗ khoảng 11,5 tỷ USD, các mặt hàng thủy sản khoảng 10 tỷ USD, các mặt hàng chăn nuôi khoảng 0,8 tỷ USD.

Ông Nguyễn Văn Việt nhận định, nếu sớm khống chế được dịch Covid-19, kim ngạch xuất khẩu hàng hoá nông lâm thuỷ sản năm nay có khả năng vượt 42 tỷ USD. 

Thời gian tới, các Bộ ngành sẽ tiếp tục thực hiện các biện pháp kiểm soát dịch bệnh, đặc biệt dịch tả lợn Châu Phi; phối hợp với Bộ Công thương, Bộ Tài chính kiểm soát giá thành và giá bán sản phẩm của các doanh nghiệp chăn nuôi lớn; kiểm soát chặt, hạn chế tối đa việc đầu cơ tăng giá lợn thịt, lợn giống hiện nay trên thị trường.

Ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, việc giảm giá thịt lợn là “chung tay bảo vệ bền vững môi trường”.

Ngành nông nghiệp đang chịu nhiều tác động tiêu cực ngoài ảnh hưởng từ Covid-19 như tính cực đoan của khí hậu thời tiết do tác động từ biến đổi khí hậu, hạn hán và dịch tả lợn châu Phi.

Nếu các nguồn lực trong ngành không bình tĩnh, cố gắng tổng lực tập trung sản xuất, chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến khả năng cân đối cung- cầu lương thực/ thực phẩm.

“Một quốc gia có tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản năm 2019 ước đạt kỷ lục 41,3 tỷ USD như Việt Nam nếu không bình tĩnh, chuẩn bị khả năng sản xuất, cung ứng sẽ mất các thị trường trong tương lai khi Covid-19 được khống chế”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói và đưa ra 3 mục tiêu lớn toàn ngành cần chú ý:

Thứ nhất, thúc đẩy sản xuất, có đủ lương thực thực phẩm cung ứng đủ cho thị trường nội địa trong mọi hoàn cảnh diễn tiến của dịch Covid-19.

Thứ hai, tập trung khống chế dịch bệnh không để phát sinh, kể cả dịch tả lợn châu Phi cũng như không để giá thực phẩm “leo thang”, chống trục lợi, đầu cơ.

Thứ ba, chuẩn bị các điều kiện, giữ sản xuất cho xuất khẩu khi dịch bệnh suy giảm.

Tăng nhập khẩu từ các nước có mối quan hệ thương mại để kiểm soát giá thịt lợn trong nước
Đây là một trong những giải pháp mà Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình nguồn cung và kiểm soát giá...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư