Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
NSND Lê Khanh: 'Sân khấu Bắc khủng hoảng về đạo diễn và biên kịch'
Trọng Trường (vnexpress) - 13/01/2018 08:41
 
Nữ nghệ sĩ cho rằng sự thiếu hụt về nguồn nhân lực là nguyên nhân gây khó khăn cho việc đổi mới tình trạng sân khấu kịch.

NSND Lê Khanh gần đây tham gia vở "Quẫn" do đoàn kịch tư nhân của NSƯT Trần Lực thực hiện. Thoát khỏi vai trò diễn viên, Lê Khanh lại tất bật dựng vở mới cho Nhà hát Tuổi trẻ. Hiện là Phó giám đốc Nhà hát, chị thêm bận rộn với các cuộc họp kéo dài hàng giờ. Ở chị luôn canh cánh nỗi niềm tạo ra sân khấu kịch "Made in Vietnam" - nơi mang đậm dấu ấn truyền thống hòa lẫn tinh thần đương đại.

- Vở "Quẫn" cuốn hút chị ở điều gì?

- Quẫn là tác phẩm nổi tiếng của nhà viết kịch Lộng Chương trong những năm 60 của thế kỷ trước. Dấu ấn về những lần xem bố (NSND Trần Tiến) đóng vở kịch cũ vẫn còn in đậm và trong tôi luôn thường trực đưa vở diễn này trở lại sân khấu hiện đại. Cách đây 5 năm, tôi từng gợi ý cho nhiều đạo diễn có thế mạnh về hài kịch dựng lại Quẫn nhưng bất thành vì họ cho rằng tác phẩm quá cũ.

Năm 2016, tại Liên hoan sân khấu Thủ đô, NSƯT Trần Lực cùng học trò diễn Quẫn - tác phẩm anh dàn dựng cho sinh viên thi tốt nghiệp. Sau khi xem xong, tôi cảm thấy sốc vì ngôn ngữ và cách thức thể hiện rất hiện đại, trộn hòa nhiều thể loại và bắt kịp xu hướng toàn cầu. Đặc biệt, vở kịch do Trần Lực đạo diễn tạo ra nét "lạ" khiến người xem không thể so sánh với nguyên tác. Tôi tham gia vở kịch vì muốn được trải nghiệm chính sự mới lạ mà Trần Lực đem lên sân khấu thủ đô.

- Nhìn vào bối cảnh của sân khấu hiện nay, chị đánh giá ra sao khi miền Bắc có đoàn kịch tư nhân đầu tiên - Lucteam?

- Tôi nhớ cách đây 20 năm, đạo diễn Nguyễn Đình Nghi từng chia sẻ: "Tôi mơ một ngày tác phẩm sân khấu của Việt Nam là sự hòa trộn giữa các thể loại. Ở đấy, người ta được nghe nhạc, thưởng thức ngôn ngữ hình thể". Sau đó, rất nhiều vở diễn ra đời trong sự hòa trộn thể loại, song số lượng tác phẩm đủ thuyết phục thì rất ít. Trước thực trạng các đơn vị nghệ thuật, nhà hát công đồng nhất phong cách và thiếu màu sắc riêng, Lucteam ra đời và mang lại hiệu ứng sân khấu rất tốt. Khác với đoàn kịch nhà nước, họ phải tự chủ mọi mặt, tự trách nhiệm về sự phát triển của mình. Họ bắt đầu ở số 0, có lợi thế là sức trẻ và biết tạo ra cái lạ để hút khán giả.

Trong những vở diễn gần đây, Lucteam nhất quán theo đuổi hình thức nghệ thuật sân khấu ước lệ. Tính ước lệ hợp lý khiến người xem dễ hiểu, chứ không phải kiểu lắp ghép gượng gạo. Bước đầu, tôi có thể khẳng định NSƯT Trần Lực thành công khi hiện đại hóa yếu tố truyền thống và ngược lại. Ngoài ra, sự ra đời của đoàn kịch này tạo ra cạnh trạnh và gây sức ép lên các nhà hát công, nhất là với đơn vị thiếu tính chủ động trong việc đổi mới.

- Để thu hút khán giả đến Nhà hát Tuổi trẻ, chị và ban lãnh đạo gần đây đưa cả show ca nhạc vào danh mục biểu diễn. Chị nói gì về khó khăn mà sân khấu kịch nói riêng đang gặp phải?

- Đây là thời điểm cực kỳ khủng hoảng về đạo diễn và người viết kịch bản cho sân khấu. Không riêng Nhà hát Tuổi trẻ, các đơn vị nghệ thuật khác cũng nhạt nhòa và thiếu dấu ấn. Từ rất lâu, sân khấu kịch Việt Nam đánh mất khán giả trẻ. Giới trẻ đến xem biểu diễn chỉ theo trào lưu, sự kiện, sau đó lại tan đi, không bền vững. Ngoài ra, các đơn vị thiếu nguồn kinh phí để đưa chuyên gia về cố vấn.

Nhà hát Tuổi trẻ từng đưa về dự án đào tạo nhạc kịch quý giá. Tuy nhiên, hơn một năm diễn viên nhà hát không thực hiện nổi vì thiếu tính kỷ luật, kiên trì. Phần đông không muốn học và thích thực hành luôn. Diễn viên quen những cách đầu tư ngắn, bán lúa non.

Sân khấu vắng khán giả là điều tất yếu và trách nhiệm chính thuộc về người làm nghề. Rất đông nghệ sĩ mang tư tưởng ấu trĩ, thiếu tinh thần cầu thị. Khi có cơ hội sang nước ngoài đào tạo, không ít người làm nghề không biết tận dụng để học hỏi, hoặc không trở về nước. Trong những chuyến công tác tại nước ngoài, tôi chứng kiến nhiều trường hợp đạo diễn, diễn viên Việt Nam không chịu xem vở diễn của nước bạn. Họ ngủ trong rạp và thậm chí kiêu ngạo nói: "Tôi vào đấy xem để làm gì, ngộ nhỡ họ diễn không hay, tôi bỏ về lại mang tiếng". Diễn viên thích đi shopping hơn là học.

NSND Lê Khanh nỗ lực đổi mới sân khấu kịch truyền thống.
NSND Lê Khanh nỗ lực đổi mới sân khấu kịch truyền thống.

- Chị đánh giá ra sao về khả năng kế cận của lớp diễn viên trẻ?

- Ngày nay, lớp diễn viên trẻ đầy đủ tư thế, kiến thức để kế cận nhưng thiếu cơ hội và kiên nhẫn. Ngày trước, chúng tôi vừa học vừa làm. Học kỳ hai năm đầu hệ trung cấp, chúng tôi bắt đầu dựng vở, được xếp diễn xen kẽ cùng nghệ sĩ lớn tuổi. Sau ba năm, chúng tôi đủ khả năng để diễn những vở kinh điển như Romeo và Juliet.

Còn các bạn trẻ hiện nay tốt nghiệp hệ đại học mới tỏa về các đoàn, bắt đầu thực tập và may mắn mới có vai diễn. Điều đó đánh mất cơ hội của họ rất nhiều. Đòi hỏi của khán giả bây giờ rất lớn. Nhiều bạn bỏ lớp, đi đóng phim, quay quảng cáo từ sớm - những việc làm chưa chắc cho diễn viên nền tảng tốt trong nghề. Thậm chí, không ít cá nhân bằng lòng, tự mãn, lười biếng trong sáng tạo nghệ thuật. Muốn đủ sức thay thế lớp nghệ sĩ gạo cội thì mỗi cá nhân phải chuyên nghiệp, nhất là biết tạo dấu ấn trong phong cách biểu diễn.

- Theo chị, các đơn vị nghệ thuật cần thay đổi như thế nào để hấp dẫn và tạo sức hút hơn với công chúng?

- Nhìn vào sân khấu kịch miền Nam, đặc biệt với đơn vị tư nhân, tôi thấy họ vẫn duy trì lượng khách ổn định, dù hiện giờ là thời kỳ hoàng kim của game show, truyền hình thực tế. Vừa qua, đoàn kịch của NSƯT Thành Lộc diễn rất thành công vở nhạc kịch Tiên Nga. Họ dũng cảm đổi mới hình thức biểu diễn, dựng sân khấu nhạc kịch, có ban nhạc sống để hút khách.

Tôi tự hỏi nếu một ngày nhà nước không đầu tư thì các nhà hát công sống bằng gì? Vì vậy, trước tiên, các đơn vị buộc phải chuyển mình, thẳng thắn đối diện mặt yếu kém. Sân khấu kịch cần sinh động, cởi mở và hiện đại hơn. Người làm nghề phải thay đổi, cầu thị để khách quốc tế đến xem, thấy mỗi đơn vị nghệ thuật có phong cách độc đáo, có ngôn ngữ biểu đạt riêng. Tiếp đó là đời sống nghệ sĩ phải được đảm bảo để chuyên tâm với nghề. Ngày xưa cuộc sống đơn giản, bây giờ nhu cầu rất khác. Mức sống không ổn định là một trong những nguyên nhân khiến diễn viên khó tạo dấu ấn.

Nhà hát Tuổi trẻ đang tìm cách hòa nhập với sân khấu thế giới, trau dồi kỹ năng, kỹ thuật biểu diễn để diễn viên đa tài hơn. Khi đó, đạo diễn mới có chất liệu để sử dụng vào tác phẩm. Tôi nhớ thuở nhà hát mới thành lập, thu hút đông đảo khán giả và nổi lên như hiện tượng sân khấu. Có trào lưu gì là nhà hát cập nhật và diễn luôn. Đó là thời mà thế hệ chúng tôi ngoài chuyên môn kịch nói còn tập cả ngôn ngữ hình thể, diễn song song kịch câm và ca nhạc. Năm 2000 đánh dấu bước chuyển của nhà hát khi đón đầu xu hướng hài bằng chương trình Đời cười. Từ đó, hiệu ứng hài bắt đầu lan tỏa khắp sân khấu cả nước và góp phần cho sự ra đời của Gặp nhau cuối tuần.

- Sắp tới, những dự án góp phần làm mới sân khấu kịch của chị là gì?

- Cùng anh chị em nghệ sĩ trong Nhà hát Tuổi trẻ, chúng tôi hiện có những dự án đưa nhà hát trở lại với tiêu chí nghệ thuật phong phú, đa dạng. Nhà hát từng sinh động với các thể loại: bi - hài kịch, chính kịch, nhạc kịch, kịch câm. Đồng thời, nhà hát mở rộng sân khấu đối ngoại, đưa nguồn nhân lực nước ngoài về và mang tác phẩm trình diễn tại festival quốc tế. Chúng tôi sẵn sàng hợp tác với Lucteam và cộng tác với đạo diễn có phong cách mới.

 

Diễn viên Lê Khánh: 'Sân khấu có ma lực với tôi'
Dù tiền thù lao không cao, nữ diễn viên vẫn dành đam mê cho các suất diễn trên sân khấu hoặc các vở diễn truyền hình.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư