Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Phá băng nợ xấu ngân hàng (Kỳ III)
Hà Tâm - 07/11/2018 07:47
 
Khi những ngân hàng “ung nhọt” được cách ly và xử lý dần dần, khối nợ xấu khổng lồ gần 800.000 tỷ đồng (tương đương hơn 30 tỷ USD) đã được dọn dẹp sau 6 năm tái cơ cấu. Thế nhưng, quá trình xử lý nợ xấu và tái cơ cấu ngân hàng đang chậm dần sau 2 năm bước vào giai đoạn II, với những thách thức còn ngổn ngang phía trước.

Kỳ III: Mỏng vốn và nỗi lo tụt hậu

Ngoài hai “chướng ngại vật” là nợ xấu và ngân hàng yếu, thì tiến tới nền ngân hàng hiện đại, đảm bảo chuẩn mực, thông lệ quốc tế cũng là yêu cầu đặt ra của tái cơ cấu ngân hàng giai đoạn II. Tuy nhiên, trong khi các ngân hàng trên thế giới đang thay đổi vùn vụt theo cách mạng 4.0, thì các ngân hàng Việt vẫn loay hoay với câu chuyện mỏng vốn.

Tăng vốn để đáp ứng chuẩn Basel II đang là đòi hỏi cấp thiết đối với các ngân hàng thương mại lớn như Vietcombank, BIDV.... Ảnh: Đức Thanh
Tăng vốn để đáp ứng chuẩn Basel II đang là đòi hỏi cấp thiết đối với các ngân hàng thương mại lớn như Vietcombank, BIDV.... Ảnh: Đức Thanh

Sức chống chọi yếu vì vốn mỏng, công nghệ kém

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế cho rằng, sau khủng hoảng tài chính năm 2008, các chuẩn mực về quản trị ngân hàng trên thế giới đã tiến rất nhanh, khiến Việt Nam ngày càng bị bỏ xa. Theo đó, đổi mới quản trị, áp dụng quản lý rủi ro theo chuẩn Basel II đang là áp lực nặng nề đối với tái cơ cấu hệ thống ngân hàng giai đoạn II, bên cạnh câu chuyện xử lý nợ xấu và ngân hàng yếu.

Được coi là trụ đỡ tín dụng cho cả nền kinh tế, song 4 ngân hàng lớn nhất nước - cũng là những ngân hàng do Nhà nước nắm cổ phần chi phối - đang đứng trước nguy cơ “thủng lưới” an toàn vốn khi hệ số an toàn vốn (CAR) chỉ trên 9% (mức tối thiểu). Theo tính toán của các tổ chức quốc tế, nếu không khẩn trương tăng vốn, một khi áp dụng chuẩn Basel II, hệ số CAR của các ngân hàng này có nguy cơ tụt xuống còn khoảng 7%, tức là không đạt yêu cầu an toàn vốn tối thiểu.

Khối ngân hàng TMCP có hệ số an toàn vốn cao hơn, song cũng không dễ dàng tuân thủ Basel II, vì không chỉ phải đáp ứng yêu cầu về vốn, mà các ngân hàng còn phải tuân thủ hàng loạt quy định khắt khe của cả một hệ thống quản lý rủi ro của Basel II. Đương nhiên, với ngân hàng Việt, mỏng vốn chính là nỗi lo lớn nhất. Chính vì vậy, dù năm 2020 đã cận kề, song đến thời điểm này, trong số 10 ngân hàng thí điểm, mới chỉ vài ngân hàng đã sẵn sàng thực hiện Basel II, như VIB, VPBank, Vietcombank.

Theo PGS-TS Đặng Ngọc Đức, Viện trưởng Viện Ngân hàng - Tài chính, ngay cả 4 ngân hàng lớn nhất nước cộng lại thì cũng chỉ bằng một ngân hàng cỡ vừa trong khu vực. Tình trạng mỏng vốn cũng khiến các ngân hàng dễ bị tổn thương và khả năng chống chọi với rủi ro kém.

“Với ngành ngân hàng, quy mô tổng tài sản và vốn chủ sở hữu có vai trò như đệm đỡ chống rủi ro. Tuy vậy, quy mô vốn của các nhà băng Việt Nam quá nhỏ, đặc biệt, vốn chủ sở hữu mỏng, hệ số CAR thấp đang là thách thức lớn trong việc thực hiện các thông lệ, chuẩn mực quốc tế”, PGS-TS Đặng Ngọc Đức nói.

Bên cạnh áp lực tăng vốn, cải thiện năng lực quản trị để theo chuẩn mực, thông lệ quốc tế, hiện đại hóa ngân hàng cũng là yêu cầu bắt buộc của tái cơ cấu ngân hàng giai đoạn II. Không thể phủ nhận, thời gian qua, nhiều ngân hàng đã thích ứng và chuyển đổi rất mạnh mẽ sang hướng số hóa. Song nhìn chung, sản phẩm số của các ngân hàng trên thị trường vẫn chưa có nhiều đột phá. So với các ngân hàng trên thế giới, tốc độ thay đổi còn chậm.

“Năm 2016, tôi đến thăm chi nhánh một ngân hàng tại Tây Ban Nha. Khi đó, chi nhánh này có 95 người. Thế nhưng, giữa tháng 10 vừa qua, khi gặp lại lãnh đạo chi nhánh ngân hàng này, tôi được biết, toàn chi nhánh chỉ còn lại 3 người và tất cả giao dịch, kể cả việc thẩm định và phê duyệt, đều thực hiện online”, TS. Lê Xuân Nghĩa đưa ra một ví dụ sống động về chuyển đổi số của các ngân hàng trên thế giới.

Đồng tình với nhận định trên, nhiều chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, việc chuyển đổi công nghệ ở các ngân hàng Việt diễn ra quá chậm, chủ yếu do công nghệ lạc hậu. Trong khi nhiều ngân hàng trên thế giới đã dùng công nghệ số để quản lý nhân lực, quản lý chất lượng dịch vụ, quản lý khách hàng, phát triển sản phẩm dịch vụ mới, hệ sinh thái mới…, thì đa phần ngân hàng Việt vẫn chưa tạo được một không gian số cho khách hàng. Nói cách khác, sức cạnh tranh của các ngân hàng Việt so với các nhà băng trên thế giới vẫn còn thua kém nhiều. Điều này khiến “hình hài” của một nền ngân hàng hiện đại hậu tái cơ cấu vẫn còn khá xa vời.

Thận trọng hay bán mạnh vốn cho nhà đầu tư ngoại?

Áp lực tăng vốn lớn khiến thời gian qua, hàng loạt ngân hàng tìm mọi cách huy động vốn trên sàn chứng khoán và tăng cường tìm kiếm đối tác nước ngoài. Hiện nay, giới hạn tỷ lệ sở hữu (room) vốn ngoại tại một ngân hàng nội là 30%. Thế nhưng, không chỉ các ngân hàng yếu đề xuất Chính phủ xin nới tỷ lệ này, mà các ngân hàng TMCP quốc doanh đã cạn room như VietinBank, hoặc gần cạn room như Vietcombank cũng muốn Chính phủ nới thêm room để tiện đường tăng vốn.

Câu hỏi đặt ra là, liệu có nên mở cửa hơn nữa để gọi dòng vốn ngoại cho tái cơ cấu ngân hàng? Hiện tại, Chính phủ đã có cơ chế mở cho nới room với các ngân hàng yếu kém trong diện tái cơ cấu bắt buộc, nhưng với các ngân hàng khỏe, NHNN vẫn rất chặt tay.

“Những năm gần đây, dù tín dụng đã được kiểm soát, nhưng tốc độ tăng trưởng tín dụng vẫn lớn hơn nhiều so với tốc độ tăng vốn chủ sở hữu, khiến hệ số rủi ro của các ngân hàng tăng. Chúng ta không thể để kéo dài mãi tình trạng này. Tuy tăng vốn có nhiều cách, song cách nào cũng gặp khó khăn. Thời gian qua, một số ngân hàng, kể cả ngân hàng lớn, đã xin nới room vốn ngoại lên 49%. Tôi cho rằng, đây là vấn đề lớn, Chính phủ cũng có cái nhìn rất thận trọng và chỉ mới đồng ý nới room với ngân hàng yếu. Theo tôi, nếu nới dưới 50% thì vẫn có thể xem xét, có thể phát hành dạng cổ phiếu vàng (nhà đầu tư được mua, nhưng không có quyền biểu quyết). Đương nhiên, điều này sẽ khiến việc tìm kiếm nhà đầu tư khó khăn hơn”, TS. Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế nói.

Tuy nhiên, một số chuyên gia kinh tế khác lại cho rằng, không nên vội vã mở toang cửa cho nhà đầu tư nước ngoài, không phải vì áp lực cạnh tranh, mà vì nền kinh tế Việt Nam vẫn đang trong quá trình công nghiệp hóa và để phục vụ mục tiêu này, cần có một bệ đỡ tài chính của Nhà nước.

Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, kinh nghiệm của các nước Đông Bắc Á cho thấy, không nên quá vội vàng tư nhân hóa hệ thống ngân hàng, nhất là trong giai đoạn nền kinh tế đang cần dồn một lượng lớn tài chính vào một vài trọng tâm.

Đổi mới quản trị, áp dụng quản lý rủi ro theo chuẩn Basel II đang là áp lực nặng nề đối với tái cơ cấu hệ thống ngân hàng giai đoạn II.

“Chúng ta đã tư nhân hóa hệ thống ngân hàng khá sớm, hiện nay, đa phần các ngân hàng tư nhân nằm trong tay các ông chủ tập đoàn bất động sản, chứ không phải các tập đoàn sản xuất. Toàn bộ nền sản xuất của đất nước phụ thuộc rất lớn vào vốn của 4 ngân hàng TMCP quốc doanh, cho nên chúng ta phải rất thận trọng với việc nới mạnh room cho các ngân hàng này”, TS. Lê Xuân Nghĩa khuyến cáo.

TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng, để giúp các ngân hàng TMCP quốc doanh thoát khỏi rủi ro về an toàn vốn, trước mắt, Chính phủ cần cho phép các ngân hàng để lại lợi nhuận để tăng vốn. Bên cạnh đó, tiếp tục khai thác những lợi thế pháp lý đã được xây dựng thời gian qua để xử lý “đống rác” nợ xấu và ngân hàng yếu kém. Đồng thời, phải coi phát triển công nghệ là nhiệm vụ cốt tử để tái cơ cấu trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0.

Rõ ràng, những thách thức đối với tái cơ cấu hệ thống ngân hàng vẫn còn rất lớn. Tuy nhiên, giải pháp cấp bách nhất để đẩy nhanh tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thời gian tới vẫn là phá băng nợ xấu. Đây cũng là gốc để giải quyết dứt điểm ngân hàng yếu kém hay tạo tiền đề tăng vốn cho các nhà băng.

Để làm được điều này, theo TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế, thời gian tới, cần tiếp tục hoàn thiện thể chế pháp lý về nợ xấu để tháo gỡ kịp thời những vướng mắc trong quá trình thực hiện Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, đồng thời sớm hình  thành thị trường mua bán nợ, thu hút các đơn vị tư nhân tham gia thị trường này và “tăng lực” cho VAMC cũng như DATC.

“Điều quan trọng nhất để xử lý nợ xấu thành công là sự vào cuộc và phối kết hợp của các bộ, ban, ngành, chính quyền địa phương theo đúng tinh thần Nghị quyết 42/2017/QH14. Chỉ khi nợ xấu thành công, quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng mới thành công”, TS. Cấn Văn Lực nhận định.

Tôi cho rằng, vốn chủ sở hữu mỏng và chưa tuân thủ thông lệ, chuẩn mực quốc tế về quản trị Basel II là một trong những yếu kém lớn nhất của hệ thống ngân hàng hiện nay và cũng là áp lực của tái cơ cấu ngân hàng giai đoạn II.

Trong điều kiện tăng vốn khó khăn, nhiều ngân hàng đề xuất nới room cho nhà đầu tư ngoại. Cá nhân tôi cho rằng, vốn FDI có đặc điểm là không mang tính chất đảo ngược, không mang lại gánh nặng nợ, nên không sợ tạo ra diễn biến phức tạp cho nền kinh tế. Hơn nữa, các nhà đầu tư đến từ nhiều nước trên thế giới đã có kinh nghiệm lâu đời trong quản trị ngân hàng, có nhiều yếu tố cần thiết cho ngân hàng Việt trong lĩnh vực công nghệ, quản trị…

Với sở hữu hiện nay, cổ đông ngoại chưa thể thay đổi công nghệ, chiến lược, quản trị…, nên theo tôi, nới room là cách giúp ngân hàng Việt đẩy nhanh tái cơ cấu, đi tắt đón đầu các công nghệ thế giới, nhanh chóng đổi mới quản trị, chứ không chỉ đơn thuần tăng vốn.

Một khi nhà đầu tư ngoại đã mua cổ phần, tức họ đã “chung thuyền” với chúng ta, thì tại sao chúng ta phải lo ngại? Thực tế một số trường hợp có nhà đầu tư ngoại tham gia thời gian qua đều cho thấy, nguy cơ “mất” ngân hàng nội hoàn toàn không xảy ra.

- PGS-TS Đặng Ngọc Đức, Viện trưởng Viện Ngân hàng - Tài chính
Phá băng nợ xấu ngân hàng (Kỳ I)
Khi những ngân hàng “ung nhọt” được cách ly và xử lý dần dần, khối nợ xấu khổng lồ gần 800.000 tỷ đồng (tương đương hơn 30 tỷ USD) đã...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư