Thứ Bảy, Ngày 05 tháng 04 năm 2025,
Đã có 26 ngân hàng giảm lãi suất, có ngân hàng giảm 7 lần trong1 tháng
Thùy Liên - 04/04/2025 09:24
 
Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), từ 25/2/2025 đến 3/4/2025, có 26 ngân hàng thương mại trong nước điều chỉnh giảm lãi suất. Riêng những ngày đầu tháng 4/2025 có 2 ngân hàng giảm lãi suất là VPBank và MB.

Danh sách 26 ngân hàng giảm lãi suất kể từ sau cuộc họp giữa NHNN với ngân hàng thương mại (25/2/2025) đến 3/4/2025 là: BVBank, MSB, VietBank, Saigonbank, VIB, BAOVIET Bank, KienLongBank, BACABank, VietABank, Eximbank, PGBank, LPBank, NamABank, SHB, NCB, VCBNeo, BIDV, Techcombank, Vikki Bank, Ngân hàng Việt Nam Hiện đại (MBV), OCB, VietinBank, Agribank, ABBank, VPBank, MB.

Mức giảm lãi suất của các ngân hàng từ 25/2 tới này là từ 0,1-1,05%/năm tùy theo từng kỳ hạn.

Tính riêng trong 3 ngày đầu tháng 4/2025 có 2 ngân hàng giảm lãi suất huy động là VPBank và MB. Cụ thể, từ ngày 28/3/2025 đến 3/4/2025, Vpbank giảm 0,1% kỳ hạn 1-5 tháng và 0,2% kỳ hạn trên 6 tháng đối với các sản phẩm (Tiết kiệm thường, Tiết kiệm/Tiền gửi có kỳ hạn Phát Lộc Thịnh vượng, Tiết kiệm Thịnh vượng linh hoạt, Tiền gửi Prime Savings).

Ngày 3/4/2025, MBBank giảm 0,1% kỳ hạn 12-18 tháng đối với tiền gửi tại quầy, trực tuyến lãi cuối kỳ của khách hàng cá nhân và khách hàng doanh nghiệp.

Kể từ 25/2 đến nay, nhiều ngân hàng đã giảm lãi suất nhiều lần trong đó phải kể đến KienlongBank giảm 4 lần lãi suất với mức giảm 0,6-1,05% các kỳ hạn từ 1 tháng đến 60 tháng (tiền gửi online). Eximbank giảm 7 lần lãi suất với một số chương trình, mức giảm lên tới 0,8%. Một số ngân hàng nhỏ khác giảm lãi suất nhiều kỳ hạn 0,3-0,5% như VietBank, NamABank, VIB, BaoVietBank, BVBank…

Ngân hàng Nhà nước cho biết, tính đến ngày 20/3/2025, dư nợ tín dụng nền kinh tế đạt hơn 15,9 triệu tỷ đồng, tăng 1,98% so với cuối năm 2024 và tăng 17,60% so với cùng kỳ năm 2024.  Như vậy, tín dụng tăng vẫn còn khá chậm nhưng đã phục hồi mạnh mẽ nếu so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp, lãi suất hiện không còn là vấn đề lớn. Tuy vậy, nhiều doanh nghiệp vẫn chưa thể tiếp cận vốn do đã "cạn" tài sản thế chấp.

Mặc dù xu hướng giảm lãi suất huy động đang tiếp diễn, song các ngân hàng lo ngại, nếu tiếp tục "ép" ngân hàng giảm sâu lãi suất, dòng tiền sẽ dịch chuyển ra khỏi hệ thống ngân hàng và đổ vào các kênh đầu tư tài sản khác. Giá đất tăng nóng từ năm ngoái đến nay là cảnh báo rõ nét.

Kết quả điều tra mới đây của NHNN cho thấy, các  tổ chức tín dụng dự báo mặt bằng lãi suất huy động vốn bình quân toàn hệ thống duy trì ổn định trong quý II/2025 và chỉ tăng 0,02% đối với các kỳ hạn trên 6 tháng, tăng 0,17% với các kỳ hạn từ 6 tháng trở xuống trong cả năm 2025. Trong khi đó, mặt bằng lãi suất cho vay bình quân toàn hệ thống được dự báo tiếp tục giảm nhẹ 0,03 - 0,08% trong quý II và cả năm 2025. 

Theo công bố mới đây từ NHNN, lãi suất cho vay tiền đồng bình quân của NH đối với các khoản cho vay mới và cũ còn dư nợ ở mức 6,7 - 9%/năm. Lãi suất cho vay ngắn hạn bình quân bằng VND đối với lĩnh vực ưu tiên khoảng 3,9%/năm, thấp hơn mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa theo quy định của NHNN (4%/năm). Lãi suất USD bình quân của NH trong nước đối với các khoản cho vay mới và cũ còn dư nợ ở mức 4,2 - 5%/năm. 

Trong quý II và cả năm 2025, các  tổ chức tín dụng kỳ vọng nhu cầu sử dụng dịch vụ ngân hàng của khách hàng sẽ tiếp tục “cải thiện” hơn so với quý I và năm trước, trong đó nhu cầu vay vốn tiếp tục được kỳ vọng “cải thiện” nhiều hơn nhu cầu gửi tiền và thanh toán.

Huy động vốn toàn hệ thống được kỳ vọng tăng bình quân 4,19% trong quý II và tăng 13,1% trong năm 2025. Trong đó, huy động vốn và tín dụng ngắn hạn được dự báo tăng trưởng cao hơn các kỳ hạn dài.

Ngân hàng dự báo lãi suất huy động tăng trở lại trong quý II/2025
Các tổ chức tín dụng dự báo lãi suất huy động vốn bình quân một số kỳ hạn tăng nhẹ trở lại trong quý II/2025, song lãi vay tiếp tục giảm. Tỷ...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư