Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
172 doanh nghiệp với 325 sản phẩm đạt Thương hiệu Quốc gia Việt Nam năm 2022
Vũ Anh - 25/10/2022 14:58
 
Trong số các sản phẩm đạt Thương hiệu Quốc gia năm nay đã xuất hiện thêm nhiều tên tuổi, thương hiệu nổi tiếng trên thị trường.

Bộ Công thương vừa công bố kết quả của kỳ xét chọn Thương hiệu Quốc gia (THQG) lần thứ 8. Trong hơn 1.000 doanh nghiệp thuộc các ngành nghề lĩnh vực khác nhau trên cả nước tham gia, có 172 doanh nghiệp với tổng số 325 sản phẩm đạt THQG Việt Nam năm 2022.

Lễ Công bố sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam năm 2022 sẽ được tổ chức vào ngày 2/11 tại Hà Nội. Theo ông Hoàng Minh Chiến, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương), năm nay số lượng doanh nghiệp và số lượng sản phẩm đạt THQG tăng 48 doanh nghiệp so với năm 2020 (124 doanh nghiệp). Đây là tỷ lệ tăng cao nhất từ trước đến nay.

Trong đó, số lượng các doanh nghiệp mới tham gia Chương trình có sản phẩm đạt THQG cũng tăng mạnh với 64 doanh nghiệp, chiếm 37,2% trên tổng số doanh nghiệp có sản phẩm đạt THQG. Bên cạnh đó, có 19 doanh nghiệp đã có 8 lần liên tiếp có sản phẩm đạt THQG kể từ kỳ xét chọn đầu tiên năm 2008.

Trong số các sản phẩm đạt THQG năm nay đã xuất hiện thêm nhiều tên tuổi, thương hiệu nổi tiếng trên thị trường. Lĩnh vực hoạt động của các doanh nghiệp trải dài trên 30 ngành hàng khác nhau. Có khoảng 30% thuộc về các tên tuổi lần đầu tham gia như: VAS Nghi Sơn; Nova Land; Bảo Việt; VNPT; Giao Hàng Tiết Kiệm…

GHTK đã len lỏi hoạt động tại 63 tỉnh thành, phủ hoạt động tại 11 ngàn phường xã. Theo tự bạch của GHTK mỗi tháng công ty phục vụ trung bình nửa triệu khách hàng, hầu hết là khách hàng cá nhân – người trực tiếp bán hàng qua mạng xã hội hoặc kinh doanh trực tuyến thông qua các sàn thương mại điện tử lớn như Shopee.
Lần đầu tiên Giao Hàng Tiết Kiệm lọt vào Chương trình THQG. Hiện thương hiệu này đã len lỏi hoạt động tại 63 tỉnh thành, phủ hoạt động tại 11 ngàn phường xã. Ước tính mỗi tháng công ty phục vụ trung bình nửa triệu khách hàng, chủ yếu là khách hàng cá nhân – người trực tiếp bán hàng qua mạng xã hội hoặc kinh doanh trực tuyến thông qua các sàn thương mại điện tử

Mục tiêu của Chương trình THQG đến năm 2030 là có trên 1.000 sản phẩm đạt THQG Việt Nam; Mỗi năm tăng 10% số lượng doanh nghiệp được vào danh sách doanh nghiệp có giá trị thương hiệu cao nhất của các tổ chức xếp hạng uy tín trên thế giới; 90% số lượng doanh nghiệp trên cả nước có nhận thức về vai trò của thương hiệu trong sản xuất, kinh doanh, đầu tư; 100% sản phẩm đạt THQG Việt Nam được quảng bá trong nước và tại các thị trường xuất khẩu trọng điểm.

Bà Vũ Thị Thuận, Chủ tịch Quỹ Đầu tư và phát triển Nutricare thuộc Công ty CP Dinh dưỡng Nutricare chia sẻ, đây là lần thứ 3 liên tiếp được trao tặng THQG, và đang dẫn đầu thị trường về các sản phẩm dinh dưỡng y học hỗ trợ điều trị. Tuy nhiên công ty xác định việc duy trì và bảo vệ các sản phẩm THQG là thường xuyên liên tục.

“Tôi nghĩ nếu người dân trong nước không biết đến sản phẩm Việt Nam thì công ty không thể đưa sản phẩm đến bất cứ thị trường nào. Chúng tôi bám sát vào 3 tiêu chí của THQG như chất lượng sản phẩm, đổi mới sáng tạo và năng lực tiên phong”, bà Thuận nói.

Sau 12 năm có mặt trên thị trường, Nutricare hiện là doanh nghiệp tiên phong trên thị trường nghiên cứu và triển các sản phẩm Dinh dưỡng Y học hỗ trợ điều trị. Doanh nghiệp đang sở hữu các sản phẩm được công nhận THQG như sản phẩm cho bệnh nhân ung thư, tiểu đường và cho trẻ suy dinh dưỡng thấp còi.

Theo bà Thuận, uy tín của THQG không phải bàn cãi nhưng cần có nhiều động thái mạnh hơn cho doanh nghiệp sau khi đã nhận giải thưởng. Doanh nghiệp khó có thể tự bươn chải, phát triển kinh doanh của mình bằng hình ảnh THQG nếu thiếu sự hỗ trợ từ chương trình.

Trong khi đó, Công ty Cổ phần Giao Hàng Tiết Kiệm cũng kỳ vọng sau khi lọt vào danh sách THQG sẽ góp phần thúc đẩy thương hiệu vươn xa trong khu vực và quốc tế.

Ông Phạm Hồng Quân, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Giao Hàng Tiết Kiệm chia sẻ, đây là dịp để đội ngũ điều hành nhìn lại chặng đường phát triển trong 9 năm qua để có sự điều chỉnh và chuẩn bị phù hợp cho xu hướng bùng nổ mạnh mẽ của công nghệ cho những giai đoạn phát triển sắp tới.

Thực tế chiến lược “bình dân hoá công nghệ” của Giao Hàng Tiết Kiệm đang giúp cho bất kỳ ai chỉ với một chiếc điện thoại thông minh có thể tham gia kinh doanh trực tuyến, tham gia vào nền kinh tế số, để nuôi ước mơ tự doanh tự lập đổi đời…

Theo Brand Finance, trong Top 50 thương hiệu doanh nghiệp giá trị nhất Việt Nam có mức tăng trưởng về giá trị đạt 36% (mức tăng trưởng của Singapore là 22%, ở Indonesia là 22%, Ấn Độ là 16%, Malaysia là 10%, Trung Quốc là 6%, Nhật Bản là 5% và Thái Lan là 4%).

Trong số những doanh nghiệp có giá trị thương hiệu dẫn đầu sự góp mặt của các doanh nghiệp có sản phẩm đạt thương hiệu quốc gia Việt Nam như Viettel, Vinamilk, MB, Vietcombank, Vietinbank, BIDV, Hòa Phát, Vietnam Airlines…

Việt Nam tiếp tục được đánh giá là điểm sáng trong bức tranh xây dựng, phát triển thương hiệu quốc gia và là thương hiệu quốc gia có tốc độ tăng trưởng giá trị nhanh nhất thế giới giai đoạn 2019-2022 (74%).

Trong đó, năm 2019, giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam mới chỉ được Brand Finance định giá là 247 tỷ USD, năm 2020 là 319 tỷ USD tăng 29,1% so với năm 2019; năm 2021 là 388 tỷ USD tăng 21,6% so với năm 2020; thì năm 2022 đã là 431 tỷ USD tăng 11,1% so với năm 2021.

Traphaco đối mặt với thách thức không mới
Kinh doanh tân dược được kỳ vọng sẽ là đòn bẩy của Công ty cổ phần Traphaco (TRA), song tốc độ tăng trưởng của mảng này trong năm 2020 thấp...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư