Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
2 cổ phiếu cần quan tâm ngày 16/10
Kỳ Thành - 16/10/2015 07:00
 
Báo Đầu tư Online trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 16/10 của các công ty chứng khoán.
1. HPG: Khuyến nghị mua vào

CTCK MayBank KimEng (MBKE)

Chúng tôi đã tham dự buổi gặp gỡ nhà đầu tư của HPG được tổ chức vào sáng nay, ngày 15/10/2015. Mục đích chính của cuộc gặp mặt này là thông báo kết quả kinh doanh quý III/2015 với 6.984 tỷ đồng doanh thu (giảm 9% so với quý II/2015, tăng 21% so với cùng kỳ 2014); và 1.036 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế (giảm 17% so với quý trước, tăng 18% so với cùng kỳ năm ngoái).

Sự sụt giảm so với quý trước chủ yếu là do yếu tố thời tiết (mùa mưa bão), và sự kiêng kỵ trong tháng 7 âm lịch. Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm trước, kết quả quý III/2015 vẫn đạt mức tăng trưởng mạnh. Điều này là nhờ công suất sản xuất thép xây dựng và ống thép gia tăng cũng như doanh thu cao hơn từ mảng bất động sản khu công nghiệp. Thị phần của HPG được duy trì ổn định lần lượt ở mức 22% cho thép xây dựng và 23% cho ống thép.

Nhìn chung, doanh thu và lợi nhuận sau thuế quý III/2015 của HPG cao hơn ước tính sơ bộ trước đây của chúng tôi lần lượt 5% và 7%, chủ yếu do kết quả doanh thu mảng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi đạt được thực tế cao hơn, khoảng 500 tỷ đồng, so với dự báo chỉ khoảng 200 tỷ đồng của chúng tôi trước đó.

HPG cho biết công ty hiện đang xếp thứ 2 cả nước về thị phần nguyên liệu thức ăn chăn nuôi. Kết quả các mảng kinh doanh còn lại nhìn chung khá sát với ước tính của chúng tôi. Như vậy, tính chúng 9 tháng đầu năm 2015, doanh thu và lợi nhuận sau thuế của HPG đạt lần lượt 20.616 và 2.937 tỷ đồng, hòan thành 81% và 89% kế hoạch doanh thu và lợi nhuận sau thuế cả năm 2015.

Chúng tôi đã thảo luận với ông Trần Đình Long (Chủ tịch HĐQT) về chiến lược mở rộng sang mảng thức ăn chăn nuôi. Mặc dù khả năng ngành này sẽ có mức tăng trưởng mạnh mẽ trong vài năm tới, do hiện tại nhu cầu đang vượt cung. Tuy nhiên đây lại vốn là ngành kinh doanh có áp lực cạnh tranh cao và sắp tới sẽ còn phải loại bỏ dần các rào cản thương mại khi gia nhập TPP.

Như vậy, câu hỏi đặt ra là HPG kỳ vọng gì vào mảng này? Và đâu là sự khác biệt của công ty? Tuy nhiên, chúng tôi chưa được thuyết phục rằng ban lãnh đạo công ty đã đánh giá đầy đủ được các yếu tố rủi ro của lĩnh vực kinh doanh mới này, cũng như chiến lược cạnh tranh với những thương hiệu lớn khác như CP, Cargill và Proconco (của tập đoàn Masan – MSN). Chúng tôi e ngại cho chiến lược mở rộng mới này của HPG, đặc biệt là khi lợi nhuận sẽ không là mục tiêu được ưu tiên cho giai đoạn khởi sự của dự án.

Tuy nhiên, ban lãnh đạo cũng tỏ ra khá thận trọng. Trong trường hợp kết quả kinh doanh từ mảng hoạt động mới ảnh hưởng đến giá trị của toàn công ty, công ty khả năng sẽ thu hẹp quy mô hoạt động lại. hoặc thậm chí có thể loại bỏ hoàn toàn như trường hợp mảng xi măng trước đây.

Theo kế hoạch, ngoài kinh doanh nguyên liệu, HPG sẽ đầu tư 2 nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi với công suất khoảng 500.000 tấn/năm và tổng vốn đầu tư ban đầu khoảng 500 tỷ đồng. Dự kiến 2 nhà máy này sẽ bắt đầu đưa vào hoạt động vào quý I/2016. Chúng tôi sẽ theo dõi sát mảng kinh doanh thức ăn chăn nuôi để xem xét việc điều chỉnh giá mục tiêu nếu có.

Về mảng kinh doanh chính là thép , ông Trần Đình Long tỏ ra khá e ngại về triển vọng của ngành trong năm 2016. Theo đánh giá của ông, khoảng 100.000 tấn thép Trung Quốc sẽ được xuất khẩu trên toàn cầu, dẫn tới việc giá thép sẽ chịu áp lực khá lớn.

Chúng tôi cho rằng việc giá nguyên liệu đầu vào (như quặng sắt, than cốc, than phế liệu,…) giảm sẽ giúp bù đắp áp lực cho biên lợi nhuận. Mặc dù ngành thép hiện còn khá nhiều rủi ro nhưng chúng tôi kỳ vọng rằng HPG vẫn sẽ tiếp tục được hưởng lợi nhờ vào sự hồi phục của ngành xây dựng trong nước. Điều này sẽ bù đắp giảm tải những rủi ro ngành. Duy trì khuyến nghị MUA với giá mục tiêu là 41.000 đồng/CP.

HPG: Khuyến nghị với giá 36.475 đồng/CP

CTCK BSC

Ngày 15/10/2015, HPG đã tổ chức buổi họp nhà đầu tư Quý III/2015, nội dung chính như sau:

Kết quả kinh doanh tăng trưởng tốt trong bối cảnh giá nguyên liệu thép lao dốc: Tổng cộng 9T/2015, doanh thu thuần đạt 20.616 tỷ đồng (+8,83% so với cùng kỳ năm ngoái) và LNST đạt 2.938 tỷ đồng (+6,66%so với cùng kỳ năm ngoái). EPS 4 quý gần nhất đạt 4.631 đồng. Mặc dù giá bán thép giảm mạnh, giảm từ 12,5 triệu đồng (09/2014) xuống còn 10,5 triệu đồng (09/2015), nhưng do thị trường BĐS phục hồi, lực cầu nội địa tăng, thị phần HPG tăng từ 18,6% lên 22% đã đem lại tăng trưởng trong kỳ cho HPG.

Giai đoạn 3 - KLH Thép Hòa Phát sẽ đi vào hoạt động từ năm 2016: Giai đoạn 3 được chia làm 2 khu, dự kiến hết tháng 12/2015, khu lò cao sản xuất phôi sẽ hoàn thành, đưa vào chạy thử và hết tháng 3/2016 khu sản xuất thép xây dựng sẽ được hoàn thiện. Mục tiêu của HPG là sản xuất và tiêu thụ 1,5 triệu tấn thép Xây dựng trong năm 2016.

Dự án nhà máy Thức ăn chăn nuôi đang thực hiện đúng tiến độ: Dự án gồm 2 nhà máy thức ăn chăn nuôi: (1) Nhà máy tại Hưng Yên công suất 300.000 tấn/năm, vốn đầu tư 300 tỷ đồng, dự án đang được triển khai, dự kiến quý I/2016 sẽ cho ra sản phẩm. (2) Nhà máy tại Đồng Nai, công suất 200.000 tấn/năm, vốn đầu tư 200 tỷ đồng, chưa triển khai. Hiện tại HPG đang kinh doanh thương mại nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi (ngô, lúa mỳ,…) doanh thu trong qusy III đạt khoảng 500 tỷ đồng, và đã vươn lên đứng thứ 2 ở mảng này sau công ty Tân Long. Lợi nhuận của mảng thương mại không đáng kể.

Dự án BĐS tại 493 Trương Định mở bán quý I/2016: dự kiến được khởi công trong tháng 12/2015 và quý I/2016 sẽ bắt đầu mở bán. Tổng số lượng căn hộ thiết kế là 640 căn. Với mảng BĐS, HPG quan điểm đây không phải mảng kinh doanh chính của Tập đoàn, và không có kế hoạch đẩy mạnh trong tương lại.

Nhận định: Năm 2015, chúng tôi cho rằng HPG hoàn toàn có thể vượt mức LNST mục tiêu cả năm là 3.250 tỷ tương đương mức EPS 2015 đạt khoảng 4.400 đồng/CP. Rủi ro với HPG hiện nay là: (1) Giá các loại hàng hóa trên thế giới đang tiếp tục suy giảm và (2) Trung Quốc đang đẩy mạnh xuất khẩu thép do dư cung nội địa, do đó sẽ khiến thị trường tăng cạnh tranh và giảm biên lợi nhuận (chúng tôi đã đề cập vấn đề này trong báo cáo triển vọng Ngành quý IV/2015). Do đó, mức giá mục tiêu chúng tôi khuyến nghị với cổ phiếu HPG là 36.475 đồng/CP (tăng 12,93% so với giá đóng cửa ngày 15/10/2015).

HPG: Sẽ giảm tỷ trọng mảng kinh doanh bất động sản

CTCK MB (MBS)

HPG công bố kết quả hoạt động kinh doanh 9 tháng đầu năm 2015 khả quan. Theo đó, doanh thu đạt mức 20.600 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt mức 2.938 tỷ đồng.

Công ty vẫn thể hiện sự vượt trội trong mảng kinh doanh thép xây dựng với sản lượng tiêu thụ ước đạt 1 triệu tấn, chiếm 21,7% thị phần toàn ngành thép. Về mảng ống thép, sản lượng tiêu thụ của Công ty đạt khoảng 300.000 tấn chiếm 23% thị phần toàn ngành. Lĩnh vực sản xuất than coke vẫn rất ổn định và đang vận hành với 100% công suất hỗ trợ đáng kể cho lĩnh vực sản xuất thép.

Trong quý 3 quý đầu năm 2015, mặc dù mặt bằng giá thép xây dựng giảm rất mạnh song nhờ năng lực sản xuất cao, giá thành sản xuất thấp và tiêu thụ sản phẩm tốt nên lợi nhuận cảu HPG vẫn rất khả quan, khẳng định vị thế đứng đầu trong lĩnh vực thép xây dựng và ống thép. Hiện tại, HPG đang đầu tư sang mảng thức ăn chăn nuôi với việc triển khai đầu tư hai nhà máy sản xuất với công suất 500.000 tấn/năm. Dự kiến nhà máy số 1 sẽ đi vào sản xuất trong năm 2016.

Giai đoạn 3 khu liên hợp gang thép tại Hải Dương đang được gấp rút hoàn thành và dự kiến sẽ đi vào hoạt động đầu năm 2016, đưa tổng công suất thép xây dựng của HPG lên trên 2 triệu tấn/năm.

Về chiến lược kinh doanh, trong các năm tới HPG tập trung đầu tư 2 mảng chính là mảng sản xuất thép và mảng thức ăn chăn nuôi và giảm dần tỷ trọng mảng kinh doanh bất động sản.

HPG: Khuyến nghị mua vào

​Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBS) 

Kết quả kinh doanh này vượt dự báo trước đó của chúng tôi. Với việc HPG có khả năng duy trì tốt biên lợi nhuận của các mảng kinh doanh cốt lõi cùng với tiêu thụ ngành thép tăng trưởng mạnh gần đây, chúng tôi tin rằng HPG có thể đạt được 3.686 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế trong năm 2015, cao hơn so với kế hoạch của công ty.

Giá mục tiêu mới của chúng tôi là đồng/cổ phiếu, tương đương với tiềm năng tăng giá là ,4% bao gồm 4,6% lợi suất cổ tức dự kiến. Chúng tôi duy trì khuyến nghị MUA, nhận định trong dài hạn thay đổi từ FULLY-VALUED (cổ phiếu phản ánh đúng giá trị nội tại) sang UNDER-VALUED (cổ phiếu bị thị trường định giá thấp).

2. SVC: Lãi sau thuế 9 tháng đầu năm đạt 113 tỷ đồng

CTCK Rồng Việt (VDSC)

Mảng bán lẻ ô tô: Tăng trưởng tích cực nhờ nhu cầu thị trường Tính đến tháng 8/2015, sản lượng tiêu thụ xe du lịch toàn thị trường 80.388 xe, tăng 43% so với cùng kỳ. Với 88% cơ cấu doanh thu đến từ mảng bán lẻ ô tô, kết quả trên cũng đem đến KQKD quý III đầy tích cực đối với Savico (SVC). Theo thống kê của VAMA, hai thương hiệu chính mà SVC phân phối là Toyota và Ford đều có tốc độ tăng trưởng sản lượng lần lượt là 33% và 49%. Các dòng xe khác như Suzuki, SYM, GM cũng có tốc độ tăng trưởng từ 30-64% so với cùng kỳ. Sắp tới đây, thông tin về việc tăng giá bán 4% của Toyota được cho là có khả năng ảnh hưởng đến số lượng đơn hàng trong những tháng cuối năm. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng, mảng bán lẻ xe du lịch sẽ vẫn tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng khả quan do (1) mức tăng tuyệt đối không quá nhiều (tăng thêm 25-55 triệu đồng/1 chiếc xe) (2) nhu cầu tiêu thụ xe du lịch ở Việt Nam còn lớn (số lượng xe bình quân đầu người ở Việt Nam chỉ là 33/1.000 người; thấp hơn so với các nước trong cùng khu vực. Theo ước tính của chúng tôi, sản lượng bán hàng xe ô tô của SVC có thể đạt được 14.629 xe (tăng gần 15% so với cùng kỳ). Khi đó, doanh thu từ mảng bán lẻ ô tô xe máy có thể vào khoảng 8.132 tỷ đồng.

Mảng kinh doanh BĐS: có khả năng ghi nhận lợi nhuận trong quý III/2015. Trong quý III/2015, SVC có khả năng ghi nhận doanh thu từ chuyển nhượng bất động sản từ hai dự án (1) Quốc Lộ 13 và (2) Savico Plaza Hồ Tùng Mậu. Theo ước tính, tổng lợi nhuận có khả năng ghi nhận từ việc chuyển nhượng hai dự án trên vào khoảng 30-40 tỷ đồng.

Với những phân tích như trên, chúng tôi cho rằng dù trong tháng “ngâu” nhưng doanh thu và lợi nhuận quý III/2015 của SVC vẫn tích cực nhờ (1) nhu cầu tiêu thụ cao của thị trường và (2) doanh thu từ chuyển nhượng một số dự án bất động sản có khả năng ghi nhận trong quý III/2015. Theo uớc tính lũy kế 9T/2015, SVC có khả năng ghi nhận doanh thu và LNST (đã tính đến lợi ích của cổ đông thiểu số) hợp nhất lần lượt là 6.531 tỷ đồng và 113 tỷ đồng. Trên cơ sở từ những thông tin khả quan trên, chúng tôi thay đổi dự phóng đề cập trong báo cáo cập nhật SVC vào ngày 20/7/2015; cụ thể, doanh thu và LNST( phân bổ cho cổ đông công ty mẹ) lần lượt là 8.835 và 85,7 tỷ đồng. Khi đó, EPS tương ứng là 3.429 đồng. Những cập nhật mới nhất về quan điểm định giá sẽ được chúng tôi đề cập trong báo cáo SVC được phát hành trong thời gian tới.

Doanh nghiệp Nhà nước bị cấm đầu tư địa ốc, ngân hàng, chứng khoán
Từ 1/12, doanh nghiệp Nhà nước không được đầu tư vào bất động sản, ngân hàng, chứng khoán, trừ trường hợp đặc biệt được Chính phủ cho...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư