CTCK Vietcombank (VCBS)

Công ty cổ phần Phân bón Bình Điền (mã BFC) là một trong những doanh nghiệp sản xuất phân bón lâu đời với thương hiệu phân bón Đầu Trâu được người nông dân tin dùng.

Trải qua hơn 40 năm hình thành và phát triển, công ty đã xây dựng được một thương hiệu vững mạnh với thị phần phân NPK đứng đầu miền Nam và đang xâm nhập sâu hơn vào thị trường miền Bắc. Đồng thời, chiến lược vươn xa ra các nước Đông Nam Á của BFC đang tỏ ra khá hiệu quả, đặc biệt tại thị trường truyền thống như Campuchia và kỳ vọng phát triển mạnh tại hai thị trường mới Thái Lan và Malaysia.

Kết quả kinh doanh quý I/2017 của BFC ghi nhận sự tăng trưởng mạnh mẽ ở cả doanh thu và lợi nhuận do (1) do tình hình tiêu thụ sản phẩm được cải thiện do tình hình thời tiết thuận lợi với sản lượng sản xuất đạt 141,2 nghìn tấn (tăng 20,9% so với cùng kỳ) và sản lượng tiêu thụ đạt 128,04 nghìn tấn (tăng trưởng 19%).

Và (2) biên lợi nhuận gộp tăng mạnh so với cùng kỳ, từ 12,7% lên 14,7% nhưng vẫn giảm nhẹ so với năm 2016 do mặt bằng giá ure – một trong những nguyên liệu đầu vào để sản xuất phân NPK tăng mạnh kể từ thời điểm cuối năm, nhưng vẫn thấp hơn cùng kỳ 2016.

Ban lãnh đạo Công ty chia sẻ, bên cạnh các sản phẩm phân bón truyền thống, Công ty đang tập trung phát triển phân bón hữu cơ và đây sẽ trở thành hướng đi mới trong tương lai của công ty.

Hiện nay, Bình Điền Ninh Bình, Bình Điền Mekong và Bình Điền Lâm Đồng đang sản xuất và kinh doanh các sản phẩm phân bón hữu cơ. Đây là một hướng đi khá mới của BFC để phát triển trong bối cảnh thị trường cạnh tranh như hiện nay và các loại phân bón giả, phân bón nhập lậu vẫn còn nhiều.

Xu hướng organic hóa đã và đang trở thành một xu hướng mới của nền nông nghiệp hiện đại, do đó chúng tôi kỳ vọng BFC sẽ cho ra mắt nhiều loại sản phẩm hữu cơ mới đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của thị trường.

Mặc dù tình hình kinh doanh gặp nhiều khó khăn nhưng BFC luôn duy trì mức cổ tức tiền mặt cao trong các năm qua, trong đó, mức cổ tức thực hiện trong năm 2016 là 30%, cao hơn so với kế hoạch của ĐHCĐ đề ra là 20%. Kế hoạch cổ tức năm 2017 là 25%, với thị giá hiện tại, tỷ suất cổ tức của BFC xấp xỉ 7%, khá hấp dẫn cho một doanh nghiệp như BFC. Nhìn vào mức cổ tức thực hiện qua các năm, chúng tôi tin tưởng rằng mức cổ tức trong năm nay sẽ cao hơn 25%.

Cho năm 2017, chúng tôi dự phóng doanh thu của BFC sẽ đạt 7.152,7 tỷ đồng (tăng 20,4% so với năm trước) và lợi nhuận sau thuế đạt 416 tỷ đồng (tăng 18,8% so với năm trước). Sử dụng tổng hợp các phương pháp định giá, chúng tôi ước tính giá trị hợp lý của BFC là 44.404 đồng/cổ phiếu. Khuyến nghị khả quan đối với cổ phiếu BFC.

2. Lưu ý rủi ro hồi tố liên quan đến 3 giàn DK 7, 8, 9 tại PXS
CTCK BIDV (BSC) 
CTCP Kết cấu Kim loại và Lắp máy Dầu khí (mã PXS) kỳ vọng có thể có một số gói thầu phụ từ dự án Cá Rồng Đỏ của PTSC, giúp doanh thu có thể đạt 1.200 tỷ đồng theo kế hoạch (giảm 22,5%) và lợi nhuận trước thuế 80 tỷ đồng (giảm 27,6%) trong năm 2017.
Trong số các dự án thực hiện, công ty đang gặp khó khăn về dòng tiền đối với dự án Nhiệt điện Thái Bình, do chi phí vượt quá tổng mức đầu tư dự kiến, với tổng dư nợ phải thu cho dự án này là 209 tỷ đồng, chiếm tới hơn 50% dư nợ phải thu của PXS.
BSC lưu ý rủi ro hồi tố là mức chênh lệch giữa giá trị quyết toàn và giá trị hợp đồng liên quan đến 3 giàn DK 7,8,9, với mức giá trị điều chỉnh có thể lên tới 5% giá trị hợp đồng, tương ứng 40 tỷ đồng, tương ứng 1/2 kế hoạch lợi nhuận của doanh nghiệp. 
Chưa có nhiều dự án rõ ràng trong 2018: Dự án Long Sơn ( tổng giá trị $110 triệu) sẽ được bắt đầu làm từ quý III/2018, và điểm rơi dự án chủ yếu trong 2019. Năm 2018 có thể có thêm 2 giàn cho Bộ Quốc Phòng, và sẽ là năm cuối cho các dự án này. Bên cạnh đó, việc thầu phụ cho dự án Cá Rồng Đỏ được kỳ vọng sẽ kéo dài từ cuối 2017 sang 2018.
Tại ngày 12/5/2017, cổ phiếu PXS đang giao dịch ở mức giá 9.900 đồng/CP, tương ứng P/E forward là 9,4x dựa theo kế hoạch lợi nhuận.