CTCK Bản Việt (VCSC)
Chúng tôi điều chỉnh giảm 6,9% giá mục tiêu dành cho CTCP Điện lực Dầu khí Nhơn Trạch 2 (NT2) và hạ khuyến nghị xuống KHẢ QUAN vì lượng mưa lớn làm giảm sản lượng điện cũng như giá điện trên thị trường cạnh tranh. Ngoài ra, công ty cũng vừa công bố giá khí đầu vào hiện cao hơn 6% so với giả định hiện nay của chúng tôi.
Đồng euro tăng giá 7% trong quý II có thể ảnh hưởng đến khả năng trả cổ tức. Chúng tôi điều chỉnh giảm dự báo lợi nhuận thường xuyên và báo cáo 2017 lần lượt 8,5% và 30,3%. EPS 2018 dự báo sẽ phục hồi 11,4%.
Nhà máy điện của NT2 sẽ sẵn sàng tăng sản lượng vào năm tới sau đợt bảo trì lớn kéo dài 45 ngày vào tháng 09 và 10/2017.
NT2 hiện đang giao dịch với EV/EBITDA 2017 là 6 lần, và giá cổ phiếu/dòng tiền từ hoạt động kinh doanh là 4,6 lần, lợi suất cổ tức 8,5%.
2. Cơ hội tích lũy CEE cho mục tiêu trung và dài hạn
CTCK Bảo Việt (BVSC)
Lấy xây dựng hạ tầng làm nền tảng, tập trung phát triển năng lực mảng xây lắp dân dụng chuẩn bị cho dự án từ CII. Tiền thân là công ty công trình giao thông 565, từ năm 2007 - 2009, CII tham gia và tăng vốn điều lệ cho CTCP Xây dựng hạ tầng CII (mã CEE) để phát triển thành công ty xây lắp trong lĩnh vực hạ tầng nhằm đảm nhận các công trình mà CII triển khai.
Hiện tại, CEE có vốn điều lệ 410 tỷ với 4 công ty con trực thuộc 100%, hoạt động trong lĩnh vực xây dựng hạ tầng, dân dụng, cung cấp và thương mại vật liệu xây dựng, sản xuất cung cấp thiết bị chiếu sáng.
Theo bảng cáo bạch niêm yết, các dự án mà CEE đang và chuẩn bị thi công chủ yếu đến từ CII, các công ty trong hệ thống và liên doanh BOT có góp vốn của CII. Các dự án này sẽ đóng góp chủ yếu vào doanh thu của CEE trong năm 2017. Đánh giá khách quan, BVSC cho rằng đây cũng là rủi ro đối với hoạt động của CEE.
Kết quả kinh doanh 2016 giảm 30% doanh thu và 41% lợi nhuận cho thấy điều đó, nguyên nhân, là do các dự án triển khai từ CII chậm tiến độ trong khi Công ty không có nguồn việc từ bên ngoài.
Tuy nhiên, một cách chủ quan, chúng tôi cho rằng việc phụ thuộc vào CII là điều khó tránh khỏi khi mà: (1) CII là công ty mẹ sở hữu 51% của CEE; (2) CEE mới bắt đầu tham gia mảng xây lắp hạ tầng từ 2014 nên hồ sơ năng lực vẫn chưa thể cạnh tranh với đơn vị khác.
Một góc nhìn khác lạc quan hơn, việc CEE được nhận thi công các dự án từ CII sẽ giúp gia tăng nhanh năng lực thi công để có thể tham gia công trình từ chủ đầu tư khác.
Bên cạnh đó, nguồn công việc từ CII sẽ rất lớn khi mà xu hướng PPP trong đầu tư hạ tầng sẽ tiếp tục phát triển, đặc biệt, các dự án bất động sản ở khu đô thị Thủ Thiêm sẽ được CII đẩy mạnh trong những năm tới. Định hướng tương lại, công trình từ CII chiếm 80% và công trình từ chủ đầu tư khác chiếm 20% giá trị hợp đồng.
Tính đến 31/12/2016, giá trị hợp đồng đã ký có tổng giá trị 1.300 tỷ đồng, chủ yếu là gói thi công thuộc dự án mở rộng xa lộ Hà Nội và dự án hạ tầng khu đô thị Thủ Thiêm. Hai dự án này cũng đi vào giai đoạn cuối nên sẽ đóng góp vào doanh thu 2017 và một phần nhỏ trong 2018.
Hiện tại, CEE đang có những dự án tiềm năng khác chuẩn bị cho năm 2018 như cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, cầu Rạch Miễu, cao ốc 152 Điện Biên Phủ… với tổng giá trị là 2.638 tỷ đồng. Bên cạnh các dự án hạ tầng, như đã đề cập, các dự án bất động sản của CII & công ty liên quan sẽ là động lực tăng trưởng mới cho CEE trong 2018 - 2020.
Vấn đề đối với CEE hiện tại là gia tăng năng lực thi công, đội ngũ nhân sự, tài chính để có thể đảm nhận các dự án mà CII phát triển. Như vậy, nguồn công việc tiềm năng mà CEE có thể nhận được trong thời gian tới vẫn còn rất nhiều, do đó, chúng tôi đánh giá tốt về câu chuyện dài hạn đối với CEE.
Về năm 2017, công ty đặt kế hoạch doanh thu 1.410 tỷ, tăng 70% so với năm trước và lợi nhuận sau thuế 102 tỷ đồng, tương ứng tăng 85%. Trong đó, hoạt động xây lắp dự kiến khoảng 1.250 - 1.300 tỷ đồng, phần còn lại từ kinh doanh vật liệu xây dựng & thiết bị chiếu sáng, dịch vụ khác.
Chúng tôi đánh giá tốt về triển vọng trong dài hạn của CEE. Hoạt động đầu tư hạ tầng theo hình thức PPP dù gặp khó khăn trong ngắn hạn do những kiểm soát chặt hơn của Chính Phủ.
Xét dài hạn, phát triển hạ tầng bằng nguồn vốn xã hội hóa vẫn là phương thức phù hợp trong bối cảnh ngân sách chịu nhiều áp lực. Điểm lợi thế của CEE là thi những công trình do CII là chủ đầu tư do đó hạn chế rủi ro trong việc quyết toán, khi mà CII là doanh nghiệp có kinh nghiệm và tiềm lực tài chính dồi dào.
Dự kiến từ 2018, khả năng tăng trưởng của CEE sẽ nhanh hơn, kỳ vọng từ sự đóng góp từ hoạt động xây lắp dân dụng. Đánh giá cơ hội trong ngắn hạn, với khả năng hoàn thành kế hoạch lợi nhuận, EPS forward 2017 là 2.487 đồng/cp, tương đương PE theo giá hiện tại là 10,4x. Cổ tức dự kiến năm 2017 là 21,7% bằng tiền mặt, tương ứng tỷ suất cổ tức là 8,1%.
Theo đó, chúng tôi cho rằng động lực tăng trưởng giá cổ phiếu CEE trong 6 tháng cuối năm chưa thật sự mạnh, tuy nhiên, đây là cơ hội cho nhà đầu tư tích lũy cho mục tiêu trung và dài hạn.