Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
25 năm thu hút FDI: Vai trò không thể thay thế
Hà Nguyễn - 27/03/2013 22:34
 
Có rất nhiều con số so sánh sự khác biệt để nói về hành trình 25 năm thu hút FDI của Việt Nam. Tựu trung, đây là bước tiến dài sau 1/4 thế kỷ, trong đó, có cả được và mất.
TIN LIÊN QUAN

Hành trình 25 năm: được, mất...

Dự án FDI đầu tiên được cấp phép vào năm 1988, với tổng vốn đầu tư rất nhỏ, trong lĩnh vực dịch vụ taxi, ở Bà Rịa - Vũng Tàu. Nhưng 3 năm đầu sau khi Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam có hiệu lực, chỉ có thể coi là một bước chạy đà, để chuẩn bị cho làn sóng FDI đầu tiên vào Việt Nam.

Dự án Tổ hợp công nghệ cao Samsung Thái Nguyên được kỳ vọng sẽ có bước đi thần tốc không kém Samsung Electronics Việt Nam mà Tập đoàn Samsung (Hàn Quốc) đã xây dựng tại Bắc Ninh

Còn hôm nay, chỉ một dự án mà Tập đoàn Samsung vừa khởi công tại Thái Nguyên đã có tổng vốn đăng ký 2 tỷ USD. Và mới cuối tuần trước, tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư Duyên hải miền Trung, hàng loạt biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư đã được ký kết, với tổng giá trị hơn 30,8 tỷ USD - một con số mà cách đây 25 năm, có lẽ không có nhà quản lý nào nghĩ tới.

Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tổng vốn FDI vào Việt Nam, lũy kế tính đến ngày 20/3/2013 là 214,4 tỷ USD. Còn theo GS-TSKH. Nguyễn Mại, vị chuyên gia lâu năm trong lĩnh vực FDI, điều quan trọng sau 25 năm thu hút FDI, không phải là nhìn vào lượng vốn FDI đổ vào Việt Nam, mà là xem, Việt Nam đã được những gì.

“25 năm trước, GDP bình quân đầu người của Việt Nam chỉ hơn 100 USD/năm, còn bây giờ đã gấp trên chục lần. Có thể nói, việc Việt Nam mở cửa thu hút FDI đã giúp cải cách nền kinh tế, kích thích kinh tế phát triển, kích thích doanh nghiệp trong nước đổ vốn vào làm ăn, thậm chí, còn có thể nói, đã giúp người Việt Nam thay đổi tư duy, thay đổi cách sống và tác phong làm việc…”, ông Mại nói và bày tỏ quan điểm rằng, đánh giá về những đóng góp của FDI, không thể chỉ nhìn thông qua tốc độ tăng trưởng GDP, mà còn ở sự lan tỏa đối với kinh tế - xã hội của đất nước.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đào Quang Thu có lẽ cũng có chung quan điểm này. Bởi thế, khi đánh giá về những mặt được của FDI, ông Thu đã nhắc rất nhiều đến việc dòng vốn FDI đã vừa góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, vừa khơi dậy và nâng cao hiệu quả sử dụng của các nguồn lực đầu tư trong nước, cũng như những tác động tới việc thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển giao công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh ở cả 3 cấp độ quốc gia, doanh nghiệp và sản phẩm…

Một kết quả điều tra gần đây cho thấy, với sự đóng góp của khu vực FDI, độ mở của nền kinh tế Việt Nam đã tăng từ mức 164,6% (năm 2000) lên 219,3% vào năm 2005, giảm đôi chút vào năm 2010, đạt 201,9%. Cứ giải ngân FDI tăng 1%, thì sẽ làm tăng xuất khẩu 0,99% và tăng nhập khẩu 0,3%.

“Hoạt động FDI cũng đã góp phần phá thế bao vây, cấm vận, mở rộng quan hệ kinh tế đối ngoại và tạo thuận lợi để Việt Nam gia nhập ASEAN, ký hiệp định khung với EU, Hiệp định Thương mại song phương với Hoa Kỳ, Hiệp định Đối tác kinh tế với Nhật và nhiều nước khác…”, Thứ trưởng Đào Quang Thu nói.

Trò chuyện với phóng viên Báo Đầu tư, GS-TSKH. Nguyễn Mại cũng đã nhắc đi nhắc lại điều này. Ông nói rằng, 25 năm trước, Việt Nam ở một vị thế rất thấp, nhưng nay, mọi thứ đã thay đổi, và một phần là nhờ vào việc mở cửa cho dòng vốn FDI vào Việt Nam.

“Các nước giờ đã nhìn Việt Nam với con mắt khác. Việt Nam đã có một vị thế cao hơn hẳn. Không phải ngẫu nhiên mà Thủ tướng Nhật Shinzo Abe, khi vừa nhậm chức đã tới Việt Nam. Cũng không phải tự nhiên mà khi Myanmar vừa thực hiện cải cách kinh tế, đã tìm đến Việt Nam. Còn ở ASEAN, Việt Nam là một thành tố quan trọng…”, ông Mại phát biểu.

Tất nhiên, bên cạnh những cái được, vẫn còn không ít những tồn tại, nói cách khác là những cái mà Việt Nam chưa thành công. Hiệu quả tổng thể thu hút, sử dụng nguồn vốn FDI chưa cao, tỷ lệ vốn thực hiện thấp so với vốn đăng ký, mục tiêu thu hút công nghệ cao và công nghệ nguồn chưa đạt được, hiệu ứng lan tỏa của khu vực FDI sang khu vực khác của nền kinh tế còn hạn chế, giá trị gia tăng tạo ra tại Việt Nam và khả năng tham gia chuỗi giá trị toàn cầu thấp… Đó là những điều mà dư luận thường nói tới. Tổng kết 25 năm thu hút FDI, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã nhìn nhận điều này.

Chưa kể, những hiện tượng như chuyển giá, gây ô nhiễm môi trường, sử dụng công nghệ lạc hậu… cũng khiến gần đây, dư luận ít nhiều có cái nhìn thiếu thiện cảm với doanh nghiệp FDI. “Nhưng hãy cứ điểm lại, chúng ta có hơn 14.000 dự án FDI ở Việt Nam, thì bao nhiêu doanh nghiệp vi phạm các vấn đề liên quan đến chuyển giá, gây ô nhiễm môi trường? Con số này có lẽ chỉ vài trăm. Tất nhiên, không phải nói tới con số này để giảm nhẹ những khiếm khuyết của FDI, nhưng không thể vì thế mà chúng ta không đánh giá cao những doanh nghiệp làm ăn chân chính. Đó chính là những nhà đầu tư đã đem lại rất nhiều hiệu ứng tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam”, ông Mại bày tỏ quan điểm.

... và vai trò không thể thay thế

Đã có thời điểm, dư luận đặt vấn đề rằng, đã đến lúc phải đánh giá lại những mặt được và chưa được của việc thu hút FDI và phải thay đổi quan niệm về vai trò của dòng vốn này.

Thậm chí, đã có chuyên gia kinh tế cho rằng, không nên để nền kinh tế phụ thuộc quá lớn vào khu vực FDI, vì thu nhập mà khu vực này tạo ra phần lớn thuộc về nhà đầu tư nước ngoài; những cái mà Việt Nam được hưởng chỉ là công lao động và một phần rất nhỏ từ lợi nhuận.

Nhưng FDI đã và luôn là một nguồn vốn quan trọng, nhất là trong bối cảnh nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước còn hạn hẹp, vốn ODA tới đây cũng sẽ giảm, khi Việt Nam đã trở thành quốc gia có thu nhập trung bình.

Suốt dọc dài đất nước, có thể kể ra những dự án FDI quan trọng, có tác động lớn tới phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Chưa nói đến lĩnh vực sản xuất, thì theo GS-TSKH. Nguyễn Mại, ngay cả trong lĩnh vực bất động sản - vốn bấy lâu bị dư luận “dòm ngó” nhiều - thì vẫn có thể nhắc đến một Phú Mỹ Hưng trong TP.HCM, hay Ciputra ngoài Hà Nội, để khẳng định vai trò của các nhà đầu tư nước ngoài. Tất nhiên, vẫn còn có những vấn đề đằng sau những dự án này, song không thể không khẳng định, không có nhà đầu tư nước ngoài, Việt Nam không thể có được những khu đô thị hiện đại như vậy.

Hay như với Khu tổ hợp Công nghệ Samsung Complex ở Bắc Ninh, cũng đã có những câu hỏi về việc, Việt Nam được gì ở những dự án như trên, khi mà Chính phủ Việt Nam đã dành cho họ rất nhiều ưu đãi? Câu trả lời mà Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh nhấn mạnh, đó là phải nhìn vào các tác động toàn diện của dự án, chứ không thể chỉ xem chúng ta thu được bao nhiêu thuế từ dự án này.

“Cứ nhìn theo góc độ này, là trên một diện tích 100 ha, họ đã tạo ra được giá trị hơn chục tỷ USD, gần 100% sản phẩm được xuất khẩu, giúp cán cân thương mại của Việt Nam thặng dư. Họ cũng đã tạo ra 25.000 - 30.000 chỗ làm việc, với thu nhập bình quân 4-5 triệu đồng/tháng. Rồi còn góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đào tạo được đội ngũ công nhân lành nghề… Nhìn tổng thể mới thấy hết những đóng góp và tầm quan trọng của các dự án FDI lớn”, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nói.

Tất nhiên, đã qua cái thời thu hút đầu tư bằng mọi giá, chấp nhận cả những dự án công nghệ lạc hậu, tiêu tốn năng lượng, gây ô nhiễm môi trường, chấp nhận mọi lĩnh vực, mọi dự án đầu tư mà nhà đầu tư đề xuất. “Chúng ta cần thay đổi cơ bản chính sách thu hút FDI để nguồn vốn này trở thành một động lực của quá trình tái cơ cấu nền kinh tế”, TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam bày tỏ quan điểm.

Nói cách khác, tức là phải làm sao có chính sách để hướng dòng vốn FDI phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia, dựa trên lợi ích của cả nhà đầu tư và người dân trong nước.

“Và cũng đã đến lúc phải xem xét, một số lĩnh vực nên ưu tiên cho nhà đầu tư trong nước thực hiện, không nên khuyến khích FDI”, GS -TSKH. Nguyễn Mại đề xuất và phân tích rằng, mấy năm nay, vốn FDI giải ngân tương đối ổn định, khoảng 10 - 11 tỷ USD. Điều này cho thấy, vấn đề không phải là nằm ở môi trường đầu tư, mà còn ở khả năng hấp thụ vốn của Việt Nam. Hiện nay, tỷ lệ vốn FDI trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội khoảng 24 - 25%. Tới đây, khi ODA giảm, thì có thể sẽ tăng lên 26-27%.

“Nhưng có lẽ cũng chỉ nên giữ ở mức ấy, nhiều hơn nữa thì cũng cần phải cân nhắc”, ông Mại nói.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư