Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
3 cổ phiếu cần quan tâm ngày 13/1
 
Đầu tư trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 13/1 của các công ty chứng khoán.
1. VNM: Khuyến nghị bán ra trong ngắn hạn

CTCK KIS Việt Nam (KIS)

Giá cổ phiếu VNM của CTCP Sữa Việt Nam đã rơi khỏi đường xu hướng tăng ngắn hạn bắt đầu từ tháng 10/2015. Việc rơi khỏi đường xu hướng này cũng đã phá vỡ biên dưới của mẫu hình tiếp diễn xu hướng giảm Rising Wedge.

Trong ngắn hạn, giá VNM có thể vẫn sẽ tiếp tục duy trì bên trên vùng 120-122, vùng có sự hiện diện của ngưỡng Fibonacci Retracement 38.2% (tính cho nhịp tăng từ tháng 08 đến tháng 11/2015). Do đường giá của VNM đã cắt ra khỏi biên dưới của Bollinger Bands trong phiên giao dịch cuối tuần trước. Theo sau diễn biến này, đường giá thường sẽ có điều chỉnh trở lại. Bên cạnh đó, khối lượng giao dịch cũng có sự gia tăng trở lại trong hai phiên giao dịch cuối tuần trước.

Tuy nhiên, so với giai đoạn quay về test vùng hỗ trợ 120-122 vào cuối tháng 11 đầu tháng 12/2015, khối lượng giao dịch trong giai đoạn hiện nay đã có sự sụt giảm đáng kể. Khối lượng giao dịch sụt giảm cùng với các diễn biến rơi khỏi đường hỗ trợ và phá vỡ mẫu hình kỹ thuật trước đó sẽ là các yếu tố khá đáng lo ngại về khả năng trụ vững trên vùng hỗ trợ của giá VNM.

Vì vậy, nhà đầu tư ngắn hạn đang sở hữu cổ phiếu có thể xem xét bán ra nếu giá rơi khỏi vùng hỗ trợ mạnh 120-122, kỳ vọng có thể mua lại khi giá điều chỉnh quay về vùng 110-115. Nhà đầu tư trung hạn đang sở hữu cổ phiếu có thể tiếp tục nắm giữ.

Xu hướng hướng trung hạn của VNM chỉ thay đổi khi giá VNM rơi khỏi vùng 100-110, vùng có sự hiện diện của các đường trung bình dài hạn MA100 và MA200.

2. FPT: Xem xét mua vào khi giá về vùng 44.8-45.5

CTCK KIS Việt Nam (KIS)

Đường giá của cổ phiếu FPT của CTCP FPT sắp chạm trở lại vùng hỗ trợ mạnh 44.8-45.5, vùng có sự hiện diện của đường MA200 và ngưỡng Fibonacci Retracement 78.6% (tính cho nhịp tăng từ tháng 08 đến tháng 11/2015). Do đó đà giảm của FPT có khả năng sẽ được hãm lại ở vùng này.

Khả năng này còn được củng cố bởi khối lượng giao dịch gia tăng mạnh trong hai phiên giao dịch cuối tuần và diễn biến giảm mạnh rơi ra khỏi Bollinger Bands của đường giá, do theo sau diễn biến này thường sẽ là sự điều chỉnh trở lại của đường giá.

Tuy nhiên, trước đó, giá FPT đã rơi khỏi đường MA100 và ngưỡng 61.8% (tính cho nhịp tăng từ tháng 8 đến tháng 11/2015) (ở quanh vùng 47-47.5) sau giai đoạn tích lũy. Diễn biến này cho thấy giá FPT đã rơi khỏi một vùng có lực hỗ trợ mạnh. Do đó, để quay trở lại xu hướng tăng, giá FPT sẽ cần phải vượt qua trở lại vùng tích lũy có lực cản mạnh 47.7-49.5. Khả năng lớn giá FPT sẽ cần có thời gian để củng cố, tích lũy bên trên vùng 44.8-45.5 trước khi có thể có những nhịp biến động mạnh hơn.

Vì vậy, nhà đầu tư ngắn hạn có thể xem xét mua vào khi giá FPT điều chỉnh về vùng 44.8-45.5, với khối lượng giao dịch tiếp tục tích cực (duy trì trên 1.3 triệu cổ phiếu/phiên), với kỳ vọng có thể test lại vùng kháng cự 47.3-47.7. Ngưỡng cắt lỗ đặt tại 44.8.

Nhà đầu tư trung hạn có thể tiếp tục theo dõi, do để trở lại xu hướng tăng, giá FPT cần vượt lên trở lại đường MA100 và phá vỡ vùng kháng cự 47.7-49.5.

3. CAV: Khuyến nghị mua vào

CTCK Maritime (MSI)

Cổ phiếu CAV của CTCP Dây cáp điện Việt Nam – Cadivi được định giá theo phương pháp chiết khấu dòng tiền Công ty với giá trị hợp lý là 69.800 đồng/CP, cao hơn mức giá hiện tại là 35,5%. Mức cổ tức cao 30% và tỷ suất cổ tức trong 2015 là 5,8%.

Bên cạnh đó, Cadivi là Công ty dẫn đầu trong lĩnh vực sản xuất dây và cáp điện với 40 năm kinh nghiệm tại Việt Nam. Cadivi hiện đang đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường Mỹ, Myanmar, Campuchia và mở rộng vào thị trường Nhật Bản, Châu Âu.

Sự tăng trưởng mạnh của sản lượng điện và nhu cầu sử dụng điện với tỷ lệ tăng trưởng trên 10% /năm, qua đó thúc đẩy doanh số các sản phẩm dây và cáp điện của Việt Nam trong những năm tới.

Ngoài ra, việc thoái vốn của Bộ Công Thương tại GELEX - Công ty mẹ của CAV cũng đã có ảnh hưởng khá tích cực, giúp CAV không còn mang nhiều tính chất Nhà nước trong sở hữu và quản trị Công ty. Những thông tin về các chủ sở hữu mới tại GELEX sẽ có tác động tích cực đến giá cổ phiếu của CAV.

Chính vì vậy, chúng tôi có sự thay đổi trong khuyến nghị từ nắm giữ trong báo cáo nhanh ngày 10/12/2015 sang khuyến nghị mua cổ phiếu CAV cho mục tiêu đầu tư trung và dài hạn.

Thu về hơn 1.250 tỷ đồng từ phiên bán đấu giá Vinamotor
Sáng nay (11/1), tại Sở GDCK Hà Nội đã diễn ra phiên đấu giá cổ phần của Tổng công ty Công nghiệp Ô tô Việt Nam (Vinamotor).
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư