Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
30 năm FDI: Phân vân được - mất
Nguyên Đức - 27/12/2017 08:19
 
Việt Nam bắt đầu thực hiện công cuộc Đổi mới vào giữa tháng 12/1986. Một năm sau, Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam ra đời. Bởi thế, hành trình 30 năm thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Việt Nam cũng gần như song trùng với hơn 3 thập kỷ Đổi mới của nền kinh tế. Và dù vẫn còn những phân vân giữa được và mất, song mở cửa thu hút FDI chính là một trong những quyết định sáng suốt nhất để Việt Nam từ một nước nghèo, lạc hậu trở thành một trong những điểm sáng của kinh tế toàn cầu.

Bài 4: Phân vân được - mất

Những đóng góp của khu vực FDI cho kinh tế - xã hội Việt Nam là điều không thể chối cãi. Song thực tế 30 năm thu hút FDI cho thấy, vẫn còn những hạn chế, tồn tại khiến giờ đây nhắc đến FDI, không ít chuyên gia kinh tế đặt câu hỏi: họ đã làm được gì cho Việt Nam? Cũng vì thế, vẫn còn những phân vân về chuyện được - mất…

Nhà máy của Formosa tại Khu kinh tế Vũng Áng (Hà Tĩnh). Ảnh: Quang Hiếu
Nhà máy của Formosa tại Khu kinh tế Vũng Áng (Hà Tĩnh). Ảnh: Quang Hiếu

Ám ảnh xuất khẩu 10 đồng, FDI 7 đồng

Có lẽ, phải bắt đầu câu chuyện về những phân vân được - mất trong thu hút FDI của Việt Nam bằng nỗi ám ảnh của ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI), đã được nhắc đến trong bài viết trước. Đó là Việt Nam xuất khẩu được 10 đồng, thì có 7 đồng của khu vực FDI.

Giống như tính hai mặt của dòng vốn FDI - như ông Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đã từng nói, “nỗi ám ảnh” của ông Đậu Anh Tuấn cũng có tính hai mặt. Một mặt, khẳng định những đóng góp to lớn của khu vực FDI đối với kinh tế - xã hội Việt Nam. Nhưng mặt khác, lại cho thấy sự yếu thế của khu vực trong nước.

“Thực tế, FDI vào Việt Nam có tính lan tỏa chưa như kỳ vọng, chưa tác động nhiều tới doanh nghiệp trong nước”, ông Võ Trí Thành, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nói.

Đó là một thực tế đã được nhắc tới lâu nay, dù rằng vẫn còn một thực tế khác. Đó là nếu không có FDI vào Việt Nam để thúc đẩy cải cách, thì khu vực trong nước có lẽ cũng không có được sự phát triển như hôm nay. Không có FDI vào để tạo cú hích phát triển thị trường, cũng không có đủ động lực để dồn dập các doanh nghiệp trong nước được thành lập.

Giai đoạn 1991-2000, kinh tế Việt Nam đã tăng trưởng vượt xa dự kiến, đến nỗi nguyên Tổng Bí thư, nguyên Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Đỗ Mười đã đánh giá, nếu không có FDI thì tăng trưởng GDP của Việt Nam 10 năm đó chỉ đạt 5,5%, chứ không thể đạt đến 8,5%. Còn GS-TSKH. Nguyễn Mại, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về Hợp tác và Đầu tư (SCCI) thì cho rằng: “Không có FDI thì thậm chí còn không đạt được con số 5,5%”.

Nói vậy để thấy, vai trò to lớn của FDI với kinh tế - xã hội Việt Nam. Không có FDI, không hội nhập thì không có áp lực cải cách để khu vực trong nước cũng có điều kiện phát triển. Không có FDI song hành, cũng sẽ khó có những FPT, BRG, Hoàng Anh Gia Lai… đang phát triển nhanh chóng. Không có FDI, cũng không có những "người làm thuê" nổi tiếng như Vũ Minh Trí, Võ Quang Huệ…, tiếp thu công nghệ quản lý tiên tiến của nước ngoài để rồi quay trở về phát triển doanh nghiệp trong nước. Vũ Minh Trí trước làm CEO cho Microsoft, giờ về làm việc cho Tập đoàn Nguyễn Hoàng; còn Võ Quang Huệ sau khi thành công với việc phát triển dự án Bosch tại Việt Nam đã đầu quân sang dự án sản xuất ô tô của Vingroup…

Vậy nhưng, vẫn có những nỗi lo về việc khu vực FDI đang chèn ép khu vực trong nước. Nhiều đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội Khóa XIV vừa qua đã bày tỏ băn khoăn rằng, kinh tế Việt Nam đang phụ thuộc quá nhiều vào khu vực FDI, thậm chí tăng trưởng GDP của Việt Nam tăng - giảm chỉ vì biến động sản phẩm của một vài doanh nghiệp FDI.

Nhận định này không hẳn sai, song đó chỉ là hiện tượng, chưa phải là bản chất. Khách quan mà nói, chuyện tác động lan tỏa kém, chuyện chuyển giao công nghệ còn hạn chế… có nguyên nhân của nội tại nền kinh tế Việt Nam, không hoàn toàn là lỗi của khu vực FDI. Năng lực của nội tại nền kinh tế Việt Nam, của các doanh nghiệp Việt Nam chưa đủ sức trở thành đối trọng của khu vực FDI trong quá trình phát triển, doanh nghiệp trong nước chưa thể tham gia sâu chuỗi giá trị toàn cầu của doanh nghiệp FDI.

“Nhưng hãy nhớ rằng, doanh nghiệp FDI đến Việt Nam không phải để làm từ thiện, mà để kinh doanh. Tức là chúng ta phải biết cách tận dụng, chứ không phải trông chờ vào họ”, ông Võ Trí Thành nói và cho rằng, thay vì nói nhiều về nỗi lo lắng bị nước ngoài chi phối, cần nhìn nhận một cách tổng thể hơn và đưa ra được các hỗ trợ thiết thực cho doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị cũng như vươn lên trong cạnh tranh.

Còn Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, cần triển khai mạnh mẽ hơn việc liên kết giữa FDI và doanh nghiệp trong nước, để “hai chủ thể cùng phát triển, cùng có lợi”, chứ không phải bằng cách kéo khu vực FDI xuống, dù rằng thực tế vẫn còn những điểm yếu của khu vực này, như công nghệ còn ở mức trung bình, có tình trạng chuyển giá, trốn thuế, vi phạm môi trường trong một số doanh nghiệp FDI…

Nỗi đau mang tên Formosa

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhắc đến chuyện vi phạm môi trường ở một số doanh nghiệp FDI. Còn Formosa là một cái tên cũng vừa nổi bật trên mặt báo cách đây 2 tuần, vì nhận quyết định xử phạt 560 triệu đồng với hành vi chôn lấp chất thải sai quy định.

Năm ngoái, sau khi bị phát hiện gây sự cố môi trường ở vùng biển 4 tỉnh miền Trung, Formosa đã phải bồi thường số tiền trên 11.500 tỷ đồng (tương đương 500 triệu USD) cho người dân chịu thiệt hại và để phục hồi môi trường biển. Sự cố lớn đến nỗi, ông Phan Hữu Thắng từng gọi đó là “sự thất bại lớn nhất” trong 30 năm thu hút FDI ở Việt Nam.

Nói đúng hơn, đó là mặt trái của tấm huy chương thu hút FDI của Việt Nam. Đôi lúc, vì tư duy thành tích, đã có những dễ dãi trong việc chấp nhận các dự án đầu tư có công nghệ lạc hậu. Cũng có lúc, vì năng lực quản lý có hạn, mà công tác hậu kiểm các dự án FDI đã bị lơ là.

Thế nên, trước Formosa đã từng có một Vedan xả thải trực tiếp ra sông Thị Vải nhiều năm liền, ảnh hưởng đến môi trường sống và sinh kế của người; một Hyundai nhập khẩu xỉ đồng độc hại, hay một Tungkuang gây ô nhiễm nghiêm trọng... Sau Formosa, dư luận cũng đã từng lo ngại Dự án Giấy và Bột giấy Lee&Man ở Hậu Giang có thể gây bức tử môi trường sông Hậu…

Nhưng thực tế, chuyện gây ô nhiễm môi trường không phải là vấn đề của riêng doanh nghiệp FDI, hay riêng đối với bất kỳ doanh nghiệp nào. Doanh nghiệp trong nước cũng gây ô nhiễm môi trường. Chừng nào mà Nhà nước giám sát còn lỏng lẻo, thì còn xảy ra vấn đề ô nhiễm môi trường, không chỉ với khu vực FDI, mà cả đối với khu vực trong nước. Và đây chính là một thách thức của cả nền kinh tế Việt Nam, thách thức giữa nhu cầu tăng trưởng trong ngắn hạn và bảo vệ môi trường.

Lỗi không hẳn chỉ nằm ở phía doanh nghiệp FDI. Thậm chí, nhiều nhà đầu tư nước ngoài khi tới Việt Nam thậm chí còn sốt ruột khi thấy ô nhiễm môi trường ở Việt Nam đang ở mức báo động.“Mức độ ô nhiễm đang tăng cao một cách rõ rệt và ở mức báo động. Điều này sẽ có tác động tới những người muốn chuyển gia đình sang sinh sống tại Việt Nam, từ đó ảnh hưởng tiêu cực đến vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài”, ông  Kenneth Atkinson, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Anh quốc tại Việt Nam nói.

Còn ông Dominic Scriven, Chủ tịch Dragon Capital chia sẻ rằng, đã từng có nhà đầu tư lớn nhất của Dragon Capital tuyên bố rút khỏi thị trường Việt Nam vì Việt Nam “thiếu vắng những chính sách và hành động thuyết phục trong việc bảo vệ môi trường”.

Bản chất của kinh tế học là đánh đổi, chúng ta không thể có tất cả, mà phải lựa chọn cái này và chấp nhận mất những cái khác. Câu hỏi đặt ra là, chúng ta chấp nhận đánh đổi đến mức nào?

Và chuyện tái ông thất mã

Không thể phủ nhận những đóng góp của khu vực FDI đối với kinh tế - xã hội Việt Nam, nhưng cũng không thể phủ nhận những điểm yếu “chết người” của dòng vốn này. Song tổng kết 30 năm thu hút FDI chính là lúc để Chính phủ, các cơ quan hoạch định chính sách của Việt Nam nhận chân được những gì được và mất trong 30 năm thu hút FDI, để có định hướng phù hợp trong thời gian tới.

Giống như chuyện “tái ông thất mã”, trong rủi có may, sự cố Formosa xảy ra đã giúp Chính phủ hiểu và truyền một thông điệp rõ ràng tới các nhà đầu tư nước ngoài rằng, Việt Nam sẽ không đánh đổi môi trường để lấy các lợi ích ngắn hạn, cũng sẽ không thu hút đầu tư bằng mọi giá. Cộng đồng doanh nghiệp, gồm cả doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước vì thế cũng đã hiểu rằng, không thể tiếp tục bỏ qua lợi ích của cộng đồng để tiếp tục đầu tư và sử dụng các công nghệ lạc hậu. Các địa phương cũng thấm nhuần, không thể dễ dãi gật đầu với các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường…

“Chúng ta đều hiểu rằng, đã đến lúc không thể mở rộng cửa cho vốn FDI đầu tư vào những ngành công nghiệp như thép, giấy…, vốn được ví là ‘công nghiệp hoàng hôn’ nữa, vì hậu họa là rất lớn”, TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam bình luận.

Cũng tương tự như thế khi nghe ông Tomaso Andreatta, Phó chủ tịch Eurocham chia sẻ rằng: “Chúng tôi không chỉ đến đây để làm áo sơ mi và giày dép, hoặc để lắp ráp thiết bị điện tử, mà còn để phát triển toàn bộ chuỗi cung ứng và tất cả các dịch vụ tinh tế để hỗ trợ”, thì các chuyên gia cũng đồng thời nhận ra, hóa ra câu chuyện liên kết doanh nghiệp FDI và trong nước đâu phải doanh nghiệp ngoại thờ ơ.

Vấn đề nằm ở hành động của Chính phủ Việt Nam…

30 năm FDI:  Con đường vượt đầm lầy, bước ngoặt Intel và trái ngọt FDI
Việt Nam bắt đầu thực hiện công cuộc Đổi mới vào giữa tháng 12/1986. Một năm sau, Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam ra đời. Bởi thế,...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư