Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
335 công ty Trung Quốc niêm yết tại Mỹ: Đi không được, ở cũng không xong
 
Các doanh nghiệp Trung Quốc niêm yết tại thị trường chứng khoán Mỹ đang hít thở bầu không khí không mấy thân thiện. Tuy nhiên, con đường quay trở về sàn Thượng Hải hay Thẩm Quyến cũng đầy gập ghềnh và thiếu vắng “tình thương”.

Tương tự hàng chục triệu người dân Trung Quốc sinh sống và làm việc tại nước ngoài mắc kẹt vì các lệnh phong tỏa, cách ly do đại dịch Covid-19, hàng trăm doanh nghiệp Đại lục đang niêm yết tại Mỹ cũng rơi vào tình cảnh không thể quay trở về quê nhà, khi mà cuộc sống nơi xứ người ngày càng bất ổn.

Mới nhất, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã “đổ thêm dầu vào lửa” cho cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, chỉ trích Bắc Kinh về câu chuyện trách nhiệm đối với đại dịch Covid-19. Sau đó, Chính phủ Mỹ có động thái ngăn chặn hoạt động đầu tư của các quỹ lương hưu vào cổ phiếu Trung Quốc.

Cụ thể, The Thrift Savings Plan - quỹ lương hưu của chính quyền Liên bang đã lên kế hoạch chuyển gần 50 tỷ USD vào các quỹ đầu tư theo dõi chỉ số MSCI các quốc gia toàn cầu, bao gồm thị trường Đại lục.

Điều này đồng nghĩa với việc ít nhất 5 tỷ USD sẽ được rót vào cổ phiếu của doanh nghiệp Trung Quốc.

Theo cố vấn An ninh quốc gia Hoa Kỳ Robert O’Brien, một số công ty mà quỹ lương hưu Mỹ định đầu tư thuộc nhóm doanh nghiệp quân đội hoặc có liên quan tới công ty sở hữu nhà nước, điều này không chỉ gây rủi ro cho an ninh quốc gia Mỹ, mà còn cho cả nhà đầu tư.

Không được lòng giới chức Mỹ, công ty Trung Quốc niêm yết tại nền kinh tế lớn nhất thế giới còn bị giới đầu tư có phần “hắt hủi” sau scandal gian lận báo cáo tài chính của Luckin Coffee Inc, đối thủ hàng đầu của Starbucks Corp.

hực tế, mối nghi ngại về chất lượng báo cáo và tính minh bạch trong hoạt động của các doanh nghiệp Đại lục luôn tồn tại và một số sự kiện mới xảy ra chỉ khiến ngọn lửa bùng lên.

Đáng chú ý, nếu có muốn chứng minh sự trong sạch của mình, các công ty Trung Quốc cũng khó lòng thực hiện bởi các quy định của chính phủ.

PCAOB là tổ chức phi lợi nhuận, đối tượng giám sát tập trung vào khu vực tư. Mục tiêu của tổ chức này là bảo vệ lợi ích cộng đồng thông qua cung cấp báo cáo kiểm toán một cách minh bạch, trung thực. PCAOB không phải là tổ chức chính phủ, nhưng có chức năng như tổ chức chính phủ. PCAOB có 5 thành viên, trong đó Chủ tịch PCAOB phải do SEC chỉ định.

Không giống như nhiều quốc gia khác, Trung Quốc không cho phép Ủy ban Giám sát hoạt động kiểm toán cho công ty đại chúng (PCAOB) tiến hành xem xét giầy tờ của các công ty, ngay cả khi doanh nghiệp này lên niêm yết tại Mỹ.

Thêm vào đó, theo các quy định mới có hiệu lực từ tháng 3/2020, có 177 khoản mục mà các nhà quản lý nước ngoài không được xem xét trực tiếp, hoặc thu thập các giấy tờ có liên quan tới hoạt động của doanh nghiệp tại thị trường Đại lục.

Các công ty Trung Quốc không được phép cung cấp các tài liệu này mà không được sự cho phép của chính quyền.

Kết quả là đám mây mờ về kết quả hoạt động sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp Trung Quốc ngày càng thêm dày đặc. Mới đây, Ủy ban Chứng khoán và giao dịch Mỹ (SEC) đã lên tiếng cảnh báo về chất lượng của các tài liệu hoạt động của doanh nghiệp Trung Quốc.

Mỗi khi cảm thấy bị đối xử tệ bạc hay bị đánh giá thấp tại thị trường nước ngoài, doanh nghiệp Trung Quốc luôn tìm cách nhanh chóng trở về quê nhà.

Điều này đã từng tạo nên làn sóng hồi hương vào nửa đầu năm 2015, khi các doanh nghiệp với giá trị thị trường khoảng 24 tỷ USD rời sàn New York, quay về giao dịch tại sàn Thượng Hải hoặc Thẩm Quyến.

Hiện tại, làn sóng này một lần nữa bùng phát, nhất là khi các sàn giao dịch chứng khoán Trung Quốc và Hồng Kông đều đã chấp thuận việc niêm yết cổ phiếu lần hai (secondary listings).

Tuy nhiên, một vấn đề mới xuất hiện: Trung Quốc không chào đón các doanh nghiệp quay trở về nước, khi hoạt động niêm yết cổ phiếu lần hai không dành cho doanh nghiệp nhỏ.

Ví dụ, sàn Hồng Kông yêu cầu công ty cần có giá trị thị trường lớn hơn 5,2 tỷ USD, hoặc doanh thu hàng năm từ 129 triệu USD và giá trị thị trường ít nhất 1,3 tỷ USD.

Ở thị trường Đại lục, các quy định về niêm yết lần thứ hai vừa được nới lỏng, chẳng hạn yêu cầu giá trị thị trường giảm từ 28 tỷ USD xuống còn 2,8 tỷ USD.

Dù vậy, các công ty nhỏ vẫn khó lòng đáp ứng khi đi kèm các yêu cầu: Có bộ phận nghiên cứu độc lập, sở hữu công nghệ dẫn đầu thế giới và là “tinh hoa” trong lĩnh vực hoạt động. Nói cách khác, Trung Quốc chỉ chào đón các công ty công nghệ cao, chi hàng triệu USD cho nghiên cứu.

Trong số 335 doanh nghiệp Trung Quốc đang niêm yết tại Mỹ, chỉ 27 công ty có giá trị thị trường lớn hơn 2,8 tỷ USD, theo số liệu tổng hợp của Bloomberg và số này thậm chí cũng chưa chắc vượt qua được tiêu chí là doanh nghiệp dẫn đầu theo yêu cầu của nhà quản lý Đại lục.

Lo sự cố vì Covid-19, Trung Quốc "lùng sục" nguồn cung thực phẩm mới
Các công ty thương mại và chế biến thực phẩm Trung Quốc được yêu cầu tăng cường tích trữ ngũ cốc và các loại hạt có dầu để đề phòng làn...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư