Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 11 tháng 01 năm 2025,
362.000 C/O ưu đãi theo FTA với Hàn Quốc được truyền nhận qua dữ liệu xuất xứ điện tử
Hải Yến - 22/07/2024 10:43
 
Sau một năm thực hiện truyền nhận thông tin về C/O qua Hệ thống Trao đổi dữ liệu xuất xứ điện tử (EODES) với Hàn Quốc, đã có 362.000 C/O đã được truyền nhận qua hệ thống này, nhờ đó giảm thiểu chi phí cho doanh nghiệp.
362.000 C/O mẫu AK và VK/KV được truyền nhận thông qua hệ thống EODES
Sau 1 năm vận hành, có 362.000 C/O mẫu AK và VK/KV được truyền nhận thông qua hệ thống EODES.

Tổng cục Hải quan cho biết, tính đến đầu tháng 7/2024, có khoảng 362.000 C/O mẫu AK và VK/KV đã được truyền nhận thông qua Hệ thống Trao đổi dữ liệu xuất xứ điện tử (EODES).

Trong số này, có hơn 124.000 C/O do phía Hàn Quốc cấp và hơn 238.000 C/O do phía Việt Nam cấp.

Hệ thống EODES được kết nối kỹ thuật kể từ ngày 1/7/2023 để truyền và nhận dữ liệu C/O mẫu AK và mẫu VK/KV điện tử trong khuôn khổ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam và Hàn Quốc (VKFTA) và Hiệp định Khung về hợp tác kinh tế toàn diện giữa Chính phủ của các nước thành viên ASEAN và Hàn Quốc (AKFTA).

KV là C/O mẫu KV do Hàn Quốc cấp, còn VK là C/O mẫu VK do Việt Nam cấp để áp dụng thuế suất nhập khẩu ưu đãi đặc biệt trong khuôn khổ Hiệp định VKFTA.

Theo đó, hai bên thống nhất về việc sử dụng dữ liệu C/O điện tử truyền qua Hệ thống EODES để thông quan hàng hóa và cho hưởng ưu đãi thuế quan. Song song với đó, bản giấy các mẫu C/O này vẫn được cơ quan chức năng cấp theo quy định hiện hành để phục vụ mục đích lưu trữ hồ sơ và hậu kiểm.

Trong buổi làm việc về Hệ thống EODES giữa Tổng cục Hải quan và đoàn công tác của Hải quan Hàn Quốc trung tuần tháng 7/2024 (từ 10-12/7/2024) tại Việt Nam, hai bên ghi nhận những lợi ích do hệ thống này mang lại cho hoạt động thương mại.

Nhờ đó, rút ngắn thời gian cấp C/O điện tử tại nước xuất khẩu, giảm thiểu chi phí phát sinh cho doanh nghiệp; tạo thuận lợi và giảm thời gian kiểm tra, xác định cho hưởng ưu đãi của cơ quan Hải quan đối với các lô hàng nhập khẩu có C/O mẫu AK và mẫu VK/KV.

Việc thực thi cấp C/O qua EODES là tiền đề để Việt Nam và Hàn Quốc dần chuyển sang cấp C/O điện tử toàn phần trong khuôn khổ các FTA mà hai nước cùng là thành viên.

Qua đó tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển hơn nữa hoạt động thương mại, đầu tư và sản xuất giữa doanh nghiệp hai nước.

Sau một năm triển khai hệ thống EODES, hải quan Việt Nam và Hàn Quốc đã rà soát và tổng kết những vướng mắc, lỗi kỹ thuật, quy tìm nguyên nhân, phối hợp xử lý như: không nhận được C/O, C/O thiếu chỉ tiêu thông tin hoặc thể hiện không đúng theo quy định...

Tính đến thời điểm hiện tại, hầu hết các vướng mắc, lỗi kỹ thuật phát sinh đã được xử lý, giải quyết, đảm bảo quyền lợi tối ưu cho các cơ quan liên quan cũng như các doanh nghiệp.

Trong thời gian tới, để hoàn thiện Hệ thống EODES, hai nước cũng thống nhất cần có các giải pháp để đồng bộ hóa thông tin giữa C/O nhận qua Hệ thống EODES và C/O kiểm tra trên website của cơ quan cấp; sửa lỗi thiếu thông tin hóa đơn trên C/O và xây dựng chức năng xác minh tính hợp lệ của C/O trên Hệ thống để thuận lợi hơn cho việc theo dõi quá trình xác minh cũng như lưu trữ hồ sơ.

Thương mại hàng hóa Việt Nam-Hàn Quốc tăng trưởng mạnh nhờ các FTA hiện hành và quan hệ 2 nước đã ở mức cao nhất-Đối tác Chiến lược toàn diện, Hàn Quốc cũng là quốc gia có lượng vốn FDI lớn nhất tại Việt Nam, tổng vốn lũy kế là 87,5 tỷ USD.

Những năm gần đây, Hàn Quốc liên tục là một trong những thị trường dẫn đầu về nhập khẩu hàng hóa từ Việt Nam có tỷ lệ sử dụng ưu đãi FTA cao nhất. Năm 2023, thị trường Hàn Quốc có tỷ lệ sử dụng ưu đãi 52,1% (tăng hơn 1% so với năm 2022), với kim ngạch xuất khẩu sang Hàn Quốc sử dụng C/O ưu đãi đạt 12,2 tỷ USD.

Nhóm hàng xuất khẩu đi Hàn Quốc có tỷ lệ sử dụng ưu đãi FTA tốt nhất gồm: thủy sản (96,32%), các mặt hàng nông sản như rau quả, cà phê và hạt tiêu đều có tỷ lệ sử dụng C/O ưu đãi rất cao, lần lượt đạt 91,18%, 94,54% và 100%; gỗ và sản phẩm gỗ (73,76%); giày dép (100%); hàng dệt may (100%).

Bộ Công thương cho biết: "Việc sử dụng ưu đãi từ AKFTA, VKFTA và RCEP tăng là do doanh nghiệp đã nắm vững quy tắc xuất xứ cho hàng hóa xuất khẩu đi thị trường Hàn Quốc; cùng đó là quy tắc xuất xứ của AKFTA và VKFTA tương đối linh hoạt; hàng hóa sản xuất xuất khẩu có thể đáp ứng tiêu chí để được cấp C/O mẫu AK và VK".

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư