Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 28 tháng 03 năm 2024,
4 cổ phiếu cần quan tâm ngày 24/3
Thanh Thuý - 24/03/2015 07:00
 
Đầu tư trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 24/3 của các công ty chứng khoán.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Phiên 23/3: Bên bán "nhấn ga", hai sàn đổ dốc
Bao lâu nữa VN-Index lấy lại được mốc 600 điểm?
Triển lãm Giảng Võ chỉ bán được 3,8% cổ phần IPO

1. VIC: Khuyến nghị mua dài hạn

Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBS)

Theo số liệu báo cáo tài chính kiểm toán vừa công bố, CTCP Tập đoàn Vingroup (VIC) ghi nhận doanh thu tăng 51% so với năm trước, đạt 27.724 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp giảm nhẹ xuống mức 37,7% so với mức 38,3% năm 2013. Lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ đạt 3.159 tỷ đồng, giảm 53% so với năm trước, và chỉ thấp hơn 20 tỷ đồng so với số liệu hợp nhất chưa kiểm toán. Doanh thu hoạt động tài chính giảm mạnh 79% là một phần nguyên nhân giải thích cho sự sụt giảm lợi nhuận ròng. Tổng kết năm 2014, VIC hoàn thành 84% kế hoạch lợi nhuận sau thuế.

So với dự phóng của chúng tôi thì mức lợi nhuận thực hiện này của VIC thấp hơn 26%. Sự khác biệt đến chủ yếu từ hai khoản mục là chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp và lợi ích của cổ đông thiểu số. Những dự phóng khác về tiến độ bán hàng và biên lợi nhuận gộp về cơ bản vẫn trong giới hạn phù hợp. Vì thế chúng tôi giữ nguyên khuyến nghị MUA dài hạn đối với cổ phiếu VIC.

2. DCL: Lợi thế cạnh tranh vượt trội trên thị trường

CTCK MB (MBS)

DCL công bố kết quả kinh doanh năm 2014. Theo đó, doanh thu đạt mức 719 tỷ đồng, tăng 5,5% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế đạt mức 31,7 tỷ đồng, tăng 4,9% so với cùng kỳ.

Trong năm 2014, mặc dù diễn biến giá nguyên liệu đầu vào của DCL khá thuận lợi khiến biên lợi nhuận gộp của Công ty cải thiện đáng kể song kết quả kinh doanh của DCL không có sự chuyển biến mạnh mẽ.

Nguyên nhân chính là do áp lực cạnh tranh trên thị trường dược phẩm tăng cao khiến DCL phải gia tăng mạnh chi phí bán hàng (tăng 40% so với cùng kỳ) nhằm mở rộng kênh phân phối. Bên cạnh đó, DCL phải trích lập dự phòng các khoản phải thu khó đòi thêm một khoản hơn 30 tỷ đồng trong năm 2015.

Chúng tôi đánh giá cao DCL với sản phẩm viên nang cứng rỗng (capsule) của Công ty có lợi thế cạnh tranh vượt trội trên thị trường. Tuy nhiên nhà máy sản capsule hiện đã chạy hết công suất do đó triển vọng tăng trưởng không cao.

Trong năm 2015, DCL dự kiến sẽ tăng vốn điều lệ lên 461 tỷ đồng để tài trợ cho kế hoạch đầu tư đầy tham vọng. Công ty dự kiến đầu tư mở rộng công suất nhà máy dược phẩm, và nhà máy capsule. Đồng thời, Công ty cũng định hướng nâng cấp tiêu chuẩn chất lượng từ GMP-WHO lên GMP-EU hoặc PIC/S. Hiện tại, việc nâng cấp tiêu chuẩn chất lượng sản xuất đã được nhiều Công ty dược phẩm đặt ra song chưa thực hiện được do yêu cầu đầu tư lớn.

3. TRC: P/E dự phóng giao dịch ở mức 5,7 lần

CTCK MayBank KimEng (MBKE)

Tương tự các doanh nghiệp cao su thiên nhiên khác, kết quả kinh doanh 2014 của TRC chịu ảnh hưởng bởi giá cao su sụt giảm mạnh. Doanh thu thuần giảm 25,4% so với năm trước còn 500,6 tỷ đồng. Trong đó giá bán mủ cao su bình quân bình quân (ASP) giảm 26,7% so với năm trước xuống còn 38,8 triệu đồng. Sản lượng tiêu thụ giảm nhẹ 0,8% so với năm trước, xuống còn 12 nghìn tấn. Biên lợi nhuận gộp giảm từ 29,1% xuống còn 24,2%.

Chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp tăng 9,1% so với năm trước trong khi doanh thu giảm làm cho tỷ lệ phi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp/doanh thu tăng lên mức 7% từ 4,8% năm 2013. Thu nhập tài chính ròng giảm 35,7% so với năm ngoái xuống 26,7 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế giảm 39,8% so với năm trước còn 137,4 tỷ đồng.

HĐQT đề xuất cổ tức bằng tiền mặt năm 2014 là 25% mệnh giá (2.500 đồng/CP), tương ứng lợi tức cổ tức là 9,6%. Tỷ lệ cổ tức /EPS đạt 55%, tương đối hợp lý. Lưu ý, cuối năm 2014, tiền và tương đương tiền là 180 tỷ đồng (6.000 đồng), lợi nhuận sau thuế chưa phân phối là 139 tỷ đồng (4.650 đồng/CP).

HĐQT đã thông qua kế hoạch 2015 với tổng doanh thu giảm 29,9% so với năm trước còn 418,9 tỷ đồng. Trong đó, TRC ước tính ASP 2015 giảm 20,1% so với năm trước còn 31 triệu đồng/tấn. Sản lượng tiêu thụ ước giảm 3% so với năm trước còn 11.650 tấn. Kế hoạch lợi nhuận trước thuế giảm 78,5% so với năm trước còn 34,7 tỷ đồng. Mặc dù kế hoạch doanh thu và lợi nhuận 2015 giảm mạnh so với 2014, chúng tôi cho rằng đây là kế hoạch hợp lý do giá cao su hiện vẫn chưa có dấu hiệu cải thiện (xấp xỉ 1.500 USD/tấn). Ngoài ra, vườn cây cao su của TRC tương đối trẻ do đó hoạt động thanh lý vườn cây không đóng góp nhiều vào lợi nhuận như các công ty khác.

TRC đang giao dịch tại P/E 2014 là 5,7 lần, so với trung bình ngành là 5,9 lần. ROE là 9,5% thấp hơn trung bình ngành là 10,8 %.

4. PNJ: PE thấp hơn trung bình ngành, kỳ vọng ở mức 11,5 lần

CTCK MayBank KimEng (MBKE)

PNJ công bố tổng doanh thu 2014 đạt 9.298 tỷ đồng, tăng 4% so với năm trước. Mặc dù doanh thu từ bán vàng miếng giảm mạnh nhưng nhờ hoạt động kinh doanh nữ trang của công ty tăng trưởng tốt nên giúp cho tổng doanh thu của PNJ có mức tăng trưởng dương. Bên cạnh đó, mảng nữ trang cũng là nhóm hàng chủ lực với biên lợi nhuận gộp cao nhất trong các HĐKD của PNJ, trung bình khoảng 14% nên kéo tổng biên lợi nhuận gộp tăng từ 7% của năm ngoái lên 10% trong 2014.

Tỷ lệ chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp/doanh thu tăng 1 điểm phần trăm do mở rộng hệ thống bán lẻ. Lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh đạt 405 tỷ đồng, tăng 38% so với năm trước. Trong bối cảnh các chi phí khác thay đổi không đáng kể và thuế TNDN thấp hơn năm trước, lợi nhuận sau thuế đạt 242 tỷ đồng, tăng 49% so với năm trước.

PNJ sẽ tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2015 vào khoảng thời gian từ giữa đến cuối tháng 4/2015. Trong đó, thông tin nổi bật là việc PNJ sẽ trình ĐH phê duyệt 15% cổ tức tiền mặt và 30% cổ phiếu thưởng năm 2014. Trong tháng 10/2014, PNJ đã chi trả cổ tức đợt 1/2014 tỷ lệ 12%. Như vậy, nếu kế hoạch cổ tức như trên được thông qua thì cổ đông PNJ được nhận thêm 3% cổ tức cho 2014.

Với số vốn thặng dư và LNGL khoảng 308 tỷ đồng, chúng tôi cho rằng PNJ hoàn toàn có khả năng thanh toán cho mức cổ tức trên. Bên cạnh đó, với chiến lược mở mới các cửa hàng bán lẻ nhằm tăng thị phần, dự kiến số lượng cửa hàng vàng PNJ Gold ước tính sẽ đạt 176 cửa hàng trong 2017 từ mức 76 cửa hàng vào cuối 2014, thì việc chia cổ phiếu thưởng là phù hợp để tái sử dụng vốn đầu tư.

Hiện PNJ chưa công bố kế hoạch kinh doanh 2015 nhưng dựa trên consensus thị trường, lợi nhuận sau thuế 2015 của PNJ ước đạt 285 tỷ đồng, tăng 18% so với năm ngoái. EPS 2015 dự phóng đạt 3.279 đồng/CP và PE kỳ vọng 2015 ở mức 11,5 lần, thấp hơn trung bình ngành trong khu vực.

VN-Index có thể về vùng 560 điểm

Thiếu động lực tăng điểm vững chắc từ các cổ phiếu chủ chốt trên sàn và sự hỗ trợ tích cực từ các thông tin vĩ mô, TTCK tuần này đã kéo dài đà điều chỉnh.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư