Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
4 nhóm giải pháp triển khai EVFTA của Bộ Kế hoạch và Đầu tư
Thế Hoàng - 06/08/2020 12:14
 
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã xây dựng Chương trình hành động thực thi Hiệp định EVFTA, tập trung vào 04 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã xây dựng Chương trình hành động thực thi Hiệp định, tập trung vào 04 nhóm nhiệm vụ, giải pháp
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã xây dựng Chương trình hành động thực thi Hiệp định EVFTA,  tập trung vào 4 nhóm nhiệm vụ, giải pháp quan trọng.

Để triển khai thi hành có hiệu quả Hiệp định EVFTA, đồng thời phát huy tối đa những lợi ích có được từ Hiệp định này, tại Hội nghị trực tuyến về “Triển khai kế hoạch thực thi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA) sáng 6/8, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Nguyễn Chí Dũng khẳng định: Cần thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp đồng bộ từ cả phía Nhà nước và  doanh nghiệp.

Bộ trưởng cho biết, việc thực hiện EVFTA và các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới khác cũng đặt ra những thách thức đối với Việt Nam. Bởi, thực tế cho thấy, thể chế, chính sách, cơ chế quản lý của Việt Nam còn một số mặt hạn chế; hệ thống kết cấu hạ tầng và nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế; năng lực và sức cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam còn yếu, khả hấp thụ công nghệ  hạn chế, gặp nhiều khó khăn trong việc tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.

Ngoài ra, việc mở cửa thị trường hàng hóa, dịch vụ và đầu tư cùng với những cam kết về việc tạo lập môi trường kinh doanh bình đẳng giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài sẽ tạo cơ hội để các nhà đầu tư nước ngoài tiếp cận rộng rãi hơn với thị trường Việt Nam. Điều này đặt các doanh nghiệp Việt Nam trước sức ép cạnh tranh lớn hơn ngay tại thị trường trong nước.

Theo đó, Bộ KH&ĐT đã xây dựng Chương trình hành động thực thi Hiệp định, tập trung vào 4 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chính yếu.

Bao gồm: Tăng cường tuyên truyền, phổ biến thông tin về Hiệp định EVFTA và đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư, với các hội thảo, hội nghị để tuyên truyền, phổ biến các cam kết của Việt Nam theo Hiệp định EVFTA cho các đối tượng có liên quan, đặc biệt là các cơ quan quản lý ở địa phương, nhà đầu tư, tổ chức tư vấn, cộng đồng doanh nghiệp.

Tổ chức chương trình xúc tiến đầu tư nhằm nâng cao nhận thức của các nhà đầu tư nước ngoài nói chung cũng như các nhà đầu tư EU nói riêng về cam kết của Việt Nam về mở cửa thị trường và tự do hóa đầu tư.

Chương trình xúc tiến đầu tư sẽ được thực hiện trên cơ sở các nhiệm vụ, giải pháp theo Nghị quyết số 50 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030.

Theo đó, các dự án của các nhà đầu tư EU sẽ được thu hút có chọn lọc, chất lượng, tập trung vào các lĩnh vực mà EU có tiềm năng và thế mạnh như: công nghiệp chế biến, chế tạo, sử dụng công nghệ cao, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, dự án có giá trị gia tăng cao, có tác động lan tỏa, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu. 

Nhóm giải pháp thứ 2 là  tiếp tục rà soát, hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật nhằm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và bảo đảm thực thi cam kết của Việt Nam theo Hiệp định.

"Để bảo đảm thi hành các Hiệp định đã ký kết với Liên minh châu Âu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với Bộ Tư pháp và các cơ quan liên quan rà soát các văn bản pháp luật liên quan và đề xuất xây dựng các văn bản cần thiết để bảo đảm thi hành Hiệp định.  Kết quả rà soát cho thấy, hầu hết cam kết của Việt Nam theo Hiệp định FTA và Hiệp định EVIPA liên quan đến lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về cơ bản phù hợp với pháp luật hiện hiện hành, có thể áp dụng trực tiếp mà không yêu cầu phải sửa đổi các văn bản pháp luật có liên quan", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng thông tin.

Để phát huy tối đa lợi ích của Hiệp định EVFTA và Hiệp định EVIPA, Bộ sẽ tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp để hoàn thiện hệ thống pháp luật về đầu tư, kinh doanh theo hướng:  Xây dựng, trình Chính phủ ban hành các Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành 03 Luật: Luật Đầu tư (sửa đổi), Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) đã được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 9 theo đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng để các Luật này được thi hành đầy đủ từ ngày 1/1/2020.

Đơn giản hóa và minh bạch hóa điều kiện gia nhập thị trường cho các doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thông qua việc cắt giảm các điều kiện đầu tư kinh doanh nói chung và điều kiện tiếp cận thị trường của nhà đầu tư nước ngoài nói riêng.

Xây dựng, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt Chương trình, Kế hoạch thực hiện Nghị quyết của Quốc hội phê chuẩn Hiệp định bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu; Nghị quyết của Quốc hội về công nhận và cho thi hành phán quyết của cơ quan giải quyết tranh chấp theo Hiệp định bảo hộ đầu tư Việt Nam- Liên minh châu Âu. 

Giải pháp thứ ba là đẩy mạnh thực hiện các giải pháp nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và doanh nghiệp.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng: "Đây một trong các giải pháp quan trọng hàng đầu, quyết định sự thành công của việc thi hành Hiệp định. Do vậy, Bộ sẽ triển khai những nhiệm vụ, giải pháp nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia theo Nghị quyết 02 của Chính phủ; Nghị quyết số 35 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp; Nghị quyết số 68 của Chính phủ về Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020 - 2025"

Để hỗ trợ và nâng cao sức cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam, Bộ đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp, sáng tạo, tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị giai đoạn 2021-2025, đồng thời khẩn trương đưa vào vận hành Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia với đầy đủ công năng kỹ thuật và thể chế vượt trội để hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp, sáng tạo.

Bên cạnh đó, Bộ đang xây dựng chính sách khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện Chương trình chuyển đổi số.   

Giải pháo thứ 4 là xây dựng và hoàn thiện cơ chế kiểm soát, phòng ngừa tranh chấp giữa Nhà nước và nhà đầu tư theo hướng nâng cao tính minh bạch, hiệu quả của công tác thi hành và giám sát thi hành pháp luật nhằm hạn chế tranh chấp phát sinh với nhà đầu tư nước ngoài; Thực hiện có hiệu quả công tác hỗ trợ sau đầu tư, giải quyết nhanh chóng, kịp thời những khó khăn, vướng mắc của nhà đầu tư, tránh phát sinh thành tranh chấp giữa nhà đầu tư và cơ quan nhà nước.

Tăng cường giám sát thực thi ở cấp cơ sở để đảm bảo các chính sách tiến bộ về cải thiện môi trường kinh doanh được triển khai có hiệu quả, đồng thời tiếp tục hoàn thiện cơ chế cảnh báo sớm để phòng ngừa tranh chấp đầu tư.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, Hiệp định EVFTA sẽ mang lại những cơ hội to lớn cho thương mại, đầu tư và phát triển kinh tế Việt Nam, nhưng cũng đặt ra những thách thức không nhỏ, đòi hỏi Chính phủ, các bộ ngành, địa phương, tổ chức, hiệp hội và đặc biệt là các doanh nghiệp phải hành động nhanh hơn, quyết liệt hơn, thực hiện đầy đủ, đồng bộ và hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra để thực thi có trách nhiệm những cam kết  đã ký, nâng cao năng lực, sức cạnh tranh và tận dụng được hết những cơ hội do Hiệp định EVFTA mang lại cho nền kinh tế.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư