Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 11 tháng 08 năm 2024,
5 bài học đầu tư cần lưu tâm sau cơn địa chấn chứng khoán Mỹ
Đông Phong - 11/08/2024 13:56
 
Các nhà đầu tư đã trải qua một hành trình khó ngờ trong tuần này khi chỉ số S&P 500 chuyển trạng thái nhanh chóng, từ mức giảm trong ngày lớn nhất trong gần hai năm sang đạt hiệu suất tốt nhất trong kỳ.

 

Các nhà phân tích cảnh báo rằng ngoài việc gây ra cú sốc, thị trường chứng khoán Mỹ tuần này cũng đã gửi tín hiệu quan trọng đến giới đầu tư, người tiết kiệm và người tiêu dùng.

Bài học đầu tiên cần rút ra là nhà đầu tư tránh hoảng loạn bán tháo sớm, tiếp đến là chuẩn bị cho kịch bản Fed hạ lãi suất. Ảnh: AFP
Bài học đầu tiên cần rút ra là nhà đầu tư tránh hoảng loạn bán tháo sớm, tiếp đến là chuẩn bị cho kịch bản Fed hạ lãi suất. Ảnh: AFP

Cơn địa chấn tuần này của chứng khoán Mỹ xuất hiện sau những lo ngại rằng nền kinh tế Mỹ đang chững lại hoặc thậm chí có thể rơi vào suy thoái sau một số dữ liệu yếu kém, bao gồm báo cáo việc làm đáng thất vọng vào ngày 2/8. Tình hình tuyển dụng chậm lại đang làm dấy chỉ trích rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã quá chậm trễ trong việc cắt giảm lãi suất mà cơ quan này đang duy trì ở mức cao nhất 23 năm.

Cơn địa chấn chứng khoán Mỹ chứng kiến chỉ số S&P 500 giảm 6% trong 3 ngày giao dịch, đặc biệt đã gây bất ổn cho người tiêu dùng đang cố gắng tiết kiệm tiền hưu trí và những người đã nghỉ hưu, cũng như những người đang dành dụm tiền để mua nhà hoặc thực hiện một giao dịch mua bán lớn khác.

Chuyên trang tin tức của đài truyền hình CBS đúc kết ra 5 bài học đắt giá mà các chuyên gia chỉ ra sau cơn địa chấn chứng khoán vừa qua. Họ cho rằng điều quan trọng đầu tiên là hạn chế hối thúc các nhà đầu tư hoảng loạn thoát hàng sớm. Tiếp theo, các nhà đầu tư nên chuẩn bị cho kịch bản Fed cắt giảm lãi suất.

"Đây chắc chắn là một tuần quan trọng đối với các động thái của thị trường chứng khoán và cả cảm xúc nữa", Ainsley Carbone, một chiến lược gia về đầu tư quỹ hưu trí tại tập đoàn UBS, bình luận trên CBS MoneyWatch. "Đây là thời điểm bạn cảm thấy muốn hành động, nhưng đây thường là thời điểm không nên hành động".

Đừng cố gắng tính toán thời điểm hành động

Nghiên cứu của tập đoàn tài chính Mỹ Charles Schwab đã chỉ ra rằng tính toán thời điểm hành động, hay cố gắng mua và bán cổ phiếu để chốt lời và tránh lỗ, là điều vô cùng khó khăn và có thể khiến nhà đầu tư tuột mất cơ hội.

Những biến động mạnh của chứng khoán tuần này là một ví dụ điển hình. Nhà đầu tư đã bán ra cổ phiếu ồ ạt trong đợt bán tháo thị trường ở phiên đầu tuần 5/9, nhưng lại không lường trước được sự phục hồi của thị trường chỉ 3 ngày sau đó với chỉ số S&P 500 tăng 2,3%. Tính đến phiên giao dịch cuối cùng trong tuần, tức chiều 9/8, S&P 500 đã phần lớn lấy lại được mức sụt giảm từ đợt bán tháo đầu tuần.

"Nhiều khi mọi người nghĩ rằng: 'Đây chắc chắn là thời điểm để tôi bán ra', nhưng họ phải đưa ra quyết định về thời điểm quay trở lại thị trường và điều đó thậm chí còn khó khăn hơn", chiến lược gia của tập đoàn UBS lưu ý.

Lập kế hoạch cho dài hạn

Nhà đầu tư nên lập một kế hoạch dài hạn cho các khoản đầu tư và tiền tiết kiệm hưu trí và tuân thủ theo kế hoạch đó, ông Alex McGrath, giám đốc đầu tư của NorthEnd Private Wealth, khuyến nghị.

"Điều đầu tiên là tôi khuyên bạn là tắt TV để bạn không thấy Jeremy Siegel (giáo sư tài chính - BTV) kêu gọi trên đài CNBC rằng chúng ta cần cắt giảm khẩn cấp 150 điểm cơ bản (lãi suất - BTV)", ông McGrath nói, đồng thời nhắc đến lời kêu gọi của nhà kinh tế học Wharton về việc Fed cần nhanh chóng cắt giảm lãi suất sau khi thị trường chứng khoán lao dốc.

Ông McGrath lưu ý rằng việc bám sát mục tiêu đầu tư dài hạn và mục tiêu tài chính lớn hơn có thể giúp nhà đầu tư tránh phản ứng theo quán tính như bán cổ phiếu khi thị trường hoảng loạn. Nhà phân tích này lưu ý: "Những biến động hàng ngày của thị trường không quan trọng bằng" khi bạn bám sát kế hoạch đầu tư của mình.

Tương tự như vậy, bà Carbone khuyên các nhà đầu tư hãy tránh cám dỗ kiểm tra danh mục đầu tư của họ thường xuyên, đặc biệt là nếu họ có xu hướng hành động theo cảm xúc khi thấy tác động của sự suy thoái thị trường đối với danh mục đầu tư của mình.

Cần coi biến động thị trường là lẽ thường

Ông Kevin Khang, trưởng nhóm nghiên cứu kinh tế toàn cầu tại tập đoàn tư vấn đầu tư Vanguard (Mỹ), đánh giá rằng các giai đoạn biến động mạnh như thị trường chứng khoán Mỹ trải qua trong tuần này là điều bình thường.

"Đối với hầu hết những người đang tiết kiệm cho việc nghỉ hưu, thời hạn đầu tư dài hơn nhiều so với một năm. Vì vậy, những sự kiện biến động theo từng đợt này có cách tự giải quyết", ông Khang nói với CBS MoneyWatch.

Những biến động mạnh trên thị trường thường giảm dần trong khoảng thời gian vài tuần hoặc vài tháng, mặc dù một số chuyên gia lưu ý rằng các diễn biến riêng biệt cũng có thể khiến biến động thị trường tăng đột biến, chẳng hạn như cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11 tới và xung đột ở Trung Đông.

Theo dõi chặt chẽ dữ liệu kinh tế

Trong khi nhiều chuyên gia khuyên nhà đầu tư không nên kiểm tra danh mục đầu tư một cách ám ảnh hoặc cố gắng tính toán thời điểm thị trường, ông McGrath lưu ý nhà đầu tư cần theo sát các dữ liệu kinh tế nói chung để nhận biết tình hình sức khỏe của nền kinh tế Mỹ.

Điều đó có thể đặc biệt quan trọng trong thời điểm một số nhà kinh tế cảnh báo rủi ro suy thoái đối với kinh tế Mỹ.

"Chắc chắn phải theo dõi dữ liệu vĩ mô - nó đóng vai trò là một cột mốc tốt và dữ liệu này luôn có sẵn", ông McGrath nhấn mạnh. Nhà phân tích này cũng cho rằng các nhà đầu tư có thể xem xét các yếu tố căn bản của nền kinh tế và điều đó sẽ giúp ích cho họ trong việc phân bổ đầu tư, chẳng hạn như có nên chuyển vốn đầu tư sang các loại tài sản khác nhau hay không.

Chuẩn bị cho đợt cắt giảm lãi suất của Fed

Sau biến động cực độ của chứng khoán Mỹ tuần này và các dữ liệu kinh tế lệch pha, Fed được kỳ vọng cao sẽ nới lỏng lãi suất vào tháng 9, đánh dấu lần cắt giảm đầu tiên kể từ tháng 3/2020.

Việc cắt giảm lãi suất của Fed có thể kéo lãi suất tiết kiệm xuống thấp hơn và đây là điều bất lợi cho những người gửi tiết kiệm vốn đã hưởng lợi từ các tài khoản tiết kiệm và chứng chỉ tiền gửi có lãi suất cao trong năm ngoái vì Fed ấn định lãi suất cơ bản ở mức cao nhất trong 23 năm, kể từ tháng 7/2023.

Do đó, những người gửi tiết kiệm có thể tìm cách hưởng cố định các mức lợi suất cao hơn đó trước cuộc họp chính sách ngày 17-18/9 của Fed, bà Carbone nhận định.

Do đó, các nhà đầu tư được khuyên nên đổ tiền vào chứng chỉ tiền gửi dài hạn trước tháng 9 để hưởng mức lãi suất cao trước khi Fed hạ lãi suất cơ bản.

Tương tự, lãi suất thế chấp và cho vay mua ô tô có thể biến động sau quyết định hạ lãi suất của Fed, tạo cơ hội cho những người trước đây không tiếp cận được thị trường nhà ở hoặc ô tô do lãi vay quá cao.

Và theo dự báo của ông McGrath, lãi suất cơ bản của Mỹ "có thể sẽ giảm đáng kể trong 6 tháng tới".

Làn sóng nhà đầu tư cá nhân quay trở lại thị trường chứng khoán Mỹ
Các nhà đầu tư cá nhân đang bơm tiền ở mức kỷ lục vào thị trường chứng khoán Mỹ kể từ đầu năm 2023, nhiều khả năng sẽ tạo một làn sóng...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư