Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Lạm phát giảm chậm, chứng khoán Mỹ đóng cửa tăng điểm kỷ lục
Đông Phong - 16/05/2024 11:21
 
Ba chỉ số chính của chứng khoán Mỹ chốt phiên giao dịch ngày 15/5 ở các mức điểm kỷ lục mới khi giới đầu tư đặt cược Fed sẽ cắt giảm lãi suất vào tháng 9 và tháng 12 năm nay.
Các nhà giao dịch đặt cược Fed sẽ cắt giảm lãi suất vào tháng 9 và tháng 12 năm 2024. Ảnh: AFP
Các nhà giao dịch đặt cược Fed sẽ cắt giảm lãi suất vào tháng 9 và tháng 12 năm 2024. Ảnh: AFP

"Sóng xanh" của cổ phiếu công nghệ đã giúp 3 chỉ số chính, gồm: Dow Jones, S&P 500 và Nasdaq Composite, kết thúc ngày giao dịch với mức điểm kỷ lục.

Cụ thể, chỉ số bình quân công nghiệp Dow Jones vọt tăng 349,89 điểm, tương đương 0,88%, lên mức 39.908,00 trong khi chỉ số S&P 500 tăng 61,47 điểm, tương đương 1,17%, lên mức 5.308,15.

Chỉ số Nasdaq Composite bật tăng 231,21 điểm, tương đương 1,40%, lên 16.742,39 và đây là mức điểm chốt phiên kỷ lục thứ hai của chỉ số này sau nhiều phiên giao dịch gần đây. Lần cuối cùng S&P 500 và Dow Jones ghi nhận giá đóng cửa kỷ lục là vào ngày 28/3.

Hầu hết trong số 11 nhóm cổ phiếu ngành chính của S&P 500 đều tăng điểm nhờ nhóm cổ phiếu công nghệ và bất động sản tăng vượt trội so với các nhóm khác, với các mức tăng lần lượt là 2,3% và 1,7%.

Thực tế, chứng khoán Mỹ đã tiếp đà tăng trưởng từ phiên giao dịch 15/5 sau khi nhận định của Chủ tịch Fed Jerome Powell về tăng trưởng, lạm phát và triển vọng lãi suất của Mỹ đã trấn an các nhà đầu tư khi chỉ số giá sản xuất tháng 4 nóng hơn dự kiến.

Chứng khoán Mỹ đã tăng điểm từ đầu năm đến nay nhờ lợi nhuận của các công ty trong quý I cao hơn dự báo và thị trường kỳ vọng rằng Fed sẽ có thể hạ nhiệt lạm phát mà không làm tổn hại đến tăng trưởng và sau đó chuyển sang cắt giảm lãi suất.

Trong số các cổ phiếu vốn hóa lớn, Nvidia là cổ phiếu đóng góp lớn nhất cho chỉ số S&P 500 trong phiên giao dịch 15/5, với mức tăng 3,6%, theo sau là cổ phiếu Microsoft và Apple với các mức tăng lần lượt là 1,7% và 1,2%.

Nếu xét các mã đơn lẻ trong S&P 500, thì Super Micro Computer ghi nhận mức tăng lớn nhất với 15,8% khi thị trường đặt cược vào sự bùng nổ nhu cầu về công nghệ trí tuệ nhân tạo.

Theo số liệu thống kê mới nhất, khối lượng giao dịch trên các sàn chứng khoán Mỹ đã tăng nhanh trong phiên giao dịch 15/5 với 14,78 tỷ cổ phiếu được trao tay, cao hơn nhiều so với mức trung bình 11,11 tỷ cổ phiếu được trao tay trong 20 phiên gần đây.

Trong đó, sàn chứng khoán New York ghi nhận số mã tăng giá nhiều hơn số mã giảm giá với tỷ lệ 3,02 - 1 và sàn giao dịch này cũng ghi nhận 645 mã lập mức cao mới và 40 mã thủng đáy mới.

Trên sàn Nasdaq, số cổ phiếu tăng giá nhiều hơn số cổ phiếu giảm giá với tỷ lệ 1,69 - 1, đồng thời sàn này ghi nhận 285 mã đạt mức cao mới và 76 mã lập đáy mới.

Trong khi đó, chỉ số S&P 500 có 71 mã đạt mức cao mới trong 52 tuần và không có mã mào lập đáy mới.

Theo công bố ngày 15/5 của Cơ quan Thống kê Lao động Mỹ, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của nước này đã tăng 0,3% trong tháng 4 trên cơ sở điều chỉnh theo mùa, sau khi tăng 0,4% trong tháng 3. Như vậy, trong 12 tháng qua, chỉ số CPI đã tăng 3,4% trước khi điều chỉnh theo mùa.

Chỉ số CPI tháng 4 ảm đạm đã thúc đẩy lạc quan của nhà đầu tư rằng lạm phát đang giảm bớt sau ba tháng đạt mức cao hơn dự đoán, khiến họ đặt cược rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ cắt giảm lãi suất cơ bản vào tháng 9 và tháng 12 năm nay.

Tuy nhiên, phát biểu tại cuộc họp thường niên của Hiệp hội Ngân hàng nước ngoài tại Amsterdam (Hà Lan), Chủ tịch Fed, ông Jerome Powell, cho rằng lạm phát đang giảm chậm hơn dự kiến và có thể khiến cơ quan này phải trì hoãn việc hạ lãi suất trong thời gian dài.

Bà Carol Schleif, giám đốc đầu tư tại công ty quản lý tài sản gia đình BMO (Mỹ), cho biết: "Thật nhẹ nhõm khi chúng ta không có báo cáo CPI tăng nóng vào thứ Tư (ngày 15/5 - BTV)". "Rõ ràng thị trường muốn rằng con số lạm phát có vẻ nhẹ nhàng hơn. Doanh số bán lẻ giảm nhẹ hơn. Đó là bằng chứng khá rõ ràng cho thấy nền kinh tế Mỹ đã thoát khỏi sự sục sôi và đang hoạt động với tốc độ bền vững hơn", bà Schleif nhận xét.

Các dữ liệu khác công bố cùng ngày 15/5 cho thấy doanh số bán lẻ của Mỹ bất ngờ đi ngang trong tháng 4 do giá xăng cao hơn làm giảm sức chi tiêu các hàng hóa khác. Điều này cho thấy chi tiêu của người tiêu dùng Mỹ đang mất đà.

Các nhà đầu tư đang đợi "gã khổng lồ" bán lẻ Mỹ Walmart cung cấp thêm thông tin chi tiết về chi tiêu của người tiêu dùng trong báo cáo kết quả kinh doanh hàng quý dự kiến công bố vào ngày 16/5. Tại phiên 15/5, cổ phiếu Wallmart đóng cửa với mức giảm 0,05%, đánh dấu ngày giảm điểm thứ ba liên tiếp.

Trong khi đó, cổ phiếu GameStop bốc hơi 18,9% sau các mức tăng mạnh mẽ trong vài phiên qua nhờ nhân vật mạng "Roaring Kitty" có tên thật là Keith Gill, người đứng sau cơn sốt cổ phiếu meme năm 2021. Các cổ phiếu meme khác trượt theo sau là AMC Entertainment với mức giảm 20% và Koss Corp rớt giá 19,2%.

Nhà đầu tư đang ôm tiền mặt, chứng khoán Mỹ có thể giảm tiếp
Giới đầu tư đang “ôm” tiền mặt với mức cao nhất kể từ tháng 4/2020 tới nay trước mối lo ngại về suy thoái. Theo đó, thị trường chứng...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư