Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
5 cổ phiếu cần quan tâm ngày 20/11
 
Đầu tư trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 20/11 của các công ty chứng khoán.
1. FPT: Khuyến nghị bán ra trong ngắn hạn

CTCK FPT (FPTS)

Về kế hoạch thoái vốn của SCIC khỏi CTCP FPT (mã FPT) và FPT Telecom, ông Bùi Quang Ngọc, Tổng giám đốc Công ty cho biết, doanh nghiệp vẫn đang theo dõi sát sao và chưa nhận được bất cứ thông tin nào từ SCIC cũng như từ phía cơ quan quản lý. Tất cả các đồn đoán liên quan đến việc thoái vốn này là không có cơ sở.

Tuy nhiên, với góc độ là cổ đông sáng lập và gây dựng FPT Telecom trong suốt quá trình hình thành và phát triển của doanh nghiệp này, FPT cũng hy vọng sẽ nhận được sự ưu ái, hỗ trợ từ phía cơ quan quản lý để có thể gia tăng tỷ lệ sở hữu tại đơn vị này.

Điều này cho thấy cả FPT và SCIC đều chưa thể đưa ra bất cứ kế hoạch, dự định nào về việc thoái vốn nhà nước nêu trên do phụ thuộc hoàn toàn vào sự chỉ đạo của cơ quan quản lý nhà nước. Do đó, lộ trình, cách thức thực hiện đến thời điểm hiện tại vẫn chưa rõ ràng.

Trong trường hợp FPT được quyền/có quyền/được chỉ định mua lại phần vốn của SCIC tại FPT Telecom, ông Nguyễn Thế Phương, Phó tổng giám đốc phụ trách Tài chính cho biết, nguồn vốn mua lại nhiều khả năng sẽ được huy động từ kênh phát hành trái phiếu (không chuyển đổi), phương án phát hành cổ phiếu vẫn được cân nhắc nhưng xác suất sử dụng phương án này là khá thấp.

Ông Phương cũng cho biết, FPT cân nhắc phương án phát hành trái phiếu vì cơ cấu vay nợ của FPT hiện tại vẫn đang tập trung vào vay nợ ngắn hạn, chưa tận dụng hết lợi thế của kênh vay nợ dài hạn trong bối cảnh chi phí huy động vốn qua kênh trái phiếu đang ở mức khá hợp lý. Điều này cho thấy, với phương án huy động này, cơ cấu sở hữu của FPT về cơ bản không thay đổi.

Các thông tin đồn đoán về việc hoán đổi cổ phiếu và một số phương án khác làm nới room cho khối ngoại là không có cơ sở và không khả thi sau khi ban lãnh đạo FPT chia sẻ định hướng như trên.

Doanh thu năm 2015 của FPT ước tính sẽ tăng 20% so với cùng kỳ năm 2014 và vượt kế hoạch đặt ra. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế của FPT ước tính chỉ tăng khoảng 8% so với cùng kỳ năm 2014 và hoàn thành xấp xỉ mức kế hoạch đặt ra.

Về kế hoạch thoái vốn khỏi FPT Trading và FPT Retail, theo chiến lược One FPT đã được chủ tịch HĐQT Trương Gia Bình chia sẻ trong các kỳ đại hội cổ đông gần đây. Cụ thể, FPT chủ trương thoái vốn khỏi hai đơn vị này, chuyển từ cổ đông chiếm đa số sang cổ đông thiểu số. Việc thoái vốn dự kiến sẽ được tiến hành trong năm 2016, tuy nhiên, chi tiết về đối tác, giá chuyển nhượng, thời gian chuyển nhượng chưa được tiết lộ.

Về việc nới room cho khối ngoại, ban lãnh đạo FPT cho biết doanh nghiệp rất đồng tình và ủng hộ chiến lược này. Tuy nhiên, với đặc thù là doanh nghiệp kinh doanh nhiều ngành nghề, lộ trình nới room cho FPT vẫn chưa rõ ràng và chưa thể đưa ra bất cứ nhận định nào ở thời điểm hiện tại.

Như chúng tôi đã nhận định ở nhiều bản tin trước đây, thông tin SCIC thoái vốn sẽ có tác động tích cực đến giá cổ phiếu FPT trong ngắn hạn, tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, việc thiếu hụt thông tin từ cả cơ quan quản lý, SCIC và FPT về lộ trình thoái vốn nêu trên cho thấy sự chưa rõ ràng và khó lượng hóa tác động cụ thể của thương vụ này.

Chúng tôi ước tính EPS 2015 của FPT sẽ đạt 4.625 đồng/CP (đã pha loãng). Về dài hạn, cổ phiếu FPT vẫn là sự lựa chọn hàng đầu cho nhà đầu tư giá trị với tiềm năng tăng trưởng khả quan, thông tin công bố minh bạch.

Tuy nhiên, trong ngắn hạn, với mức P/E thận trọng 10x, ứng với giá mục tiêu cuối năm nay là 46.000 đồng/CP, thấp hơn 13% so với thị giá hiện tại, chúng tôi khuyến nghị nhà đầu tư xem xét giảm tỷ trọng cổ phiếu FPT trong ngắn hạn.

2. MSR: Lợi nhuận tiếp tục khiêm tốn trong 2 quý tới

CTCK MB (MBS)

CTCP Tài nguyên Masan (MSR - sàn UPCoM) vừa công bố kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm 2015. Theo đó, doanh thu đạt 1.573 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế đạt 72 tỷ đồng, tăng đáng kể so với mức lỗ 312 tỷ đồng của cùng kỳ năm ngoái.

Trong 9 tháng đầu năm 2015, MSR đã tiến hành nhiều biện pháp cải thiện hiệu suất sản xuất của nhà máy, giảm chi phí qua đó nâng cao sản lượng sản xuất cả bốn loại khoáng sản từ mỏ Núi Pháo. Do quá trình vận hành thử nghiệm tại nhà máy liên doanh buộc phải vốn hóa doanh thu thuần vào chi phí hoạt động do đó doanh thu thuần báo cáo là 1.573 trong khi doanh thu tiền mặt thuần đạt mức 2.078 tỷ đồng.

Giá các loại khoảng sản chính mà Công ty sản xuất liên tục sụt giảm mạnh trong một năm trở lại đây khiến hiệu quả hoạt động của mỏ Núi Pháo không đạt được như kỳ vọng. Tính trung bình trong 9 tháng đầu năm, giá metal Bullentin đạt mức 232 USD/mtu giảm 33%; giá Bismut đạt mức 6.7 USD/lb giảm 37%; giá đồng đạt mức 5.69 USD/tấn giảm 18%; giá FLorit đạt mức 278 USD/tấn giảm 9% .

Nguyên nhân giá khoáng sản giảm sâu là do nhu cầu suy yếu từ Trung Quốc và tình trạng dư thừa nguồn cung trên toàn thế giới.

Trong thời gian tới, nhiều khả năng các nhà sản xuất có giá thành cao sẽ phải đóng cửa mỏ, qua đó giảm nguồn cung dư thừa và hỗ trợ cho giá khoảng sản tăng trở lại. Mặc dù lợi nhuận ròng của MSR khá khiêm tốn, song một phần đáng kể chi phí của Công ty là chi phí khấu hao, do đó Công ty vẫn đảm bảo đủ dòng tiền hoạt động bình thường trong giai đoạn giá khoảng sản thấp như hiện nay.

Chúng tôi dự phóng lợi nhuận của MSR sẽ tiếp tục khiêm tốn trong một đến hai quý tới trước khi giá khoáng sản chạm đáy và bắt đầu xu hướng đi lên.

3. HBC: Khuyến nghị nắm giữ

CTCK MayBank KimEng (MBKE)

Trong 9 tháng đầu năm 2015, CTCP Xây dựng và Kinh doanh địa ốc Hòa Bình (mã HBC) tiếp tục ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận cao so với cùng kỳ. Tuy nhiên, lưu ý rằng kết quả kinh doanh cùng kỳ năm 2014 sụt giảm đáng kể và đạt mức thấp do ghi nhận chi phí lớn cho khoản dự phòng phải thu khó đòi (135 tỷ đồng).

Tỷ suất lợi nhuận gộp sụt giảm khá nhiều so với cùng kỳ (5,7% trong 9 tháng năm 2015 so với 10,2% trong 9 tháng năm 2014). Tỷ suất lợi nhuận hoạt động cải thiện đôi chút lên 3% so với 1,3% trong cùng kỳ do 9 tháng năm 2015 không vướng khoản dự phòng phải thu như trong năm trước.

Tổng giá trị hợp đồng HBC ký được từ đầu năm đến nay đạt hơn 4.400 tỷ đồng. Ngoài ra, giá trị hợp đồng chuyển từ năm trước sang khoảng 5.000 tỷ đồng, trong đó khoảng 3.000 tỷ đồng dự kiến ghi nhận trong năm 2015.

Giá trị phải thu khách hàng cuối quý III/2015 vẫn ở mức cao 3.097 tỷ đồng, chiếm 43% tổng tài sản. Khoản dự phòng phải thu khó đòi không tăng so với cuối năm 2014, tuy nhiên với giá trị phải thu lớn, rủi ro trích lập dự phòng làm tăng chi phí vẫn còn tiềm ẩn.

Dự báo kết quả kinh doanh năm 2015, chúng tôi điều chỉnh tăng doanh thu lên 4.544 tỷ đồng, tăng 29,2% so với 2014, tuy nhiên điều chỉnh giảm lợi nhuận ròng xuống 100 tỷ đồng, tăng 40,8% so với 2014 do tỷ suất lợi nhuận giảm. Chúng tôi cũng dự báo lợi nhuân ròng 2016 tăng 25% đạt 125 tỷ đồng. Định giá của HBC ở mức khá cao với P/E2015 13,4x và P/E2016 11,2x. Khuyến nghị Nắm giữ.

4. NKG: Khuyến nghị nắm giữ

CTCK MayBank KimEng (MBKE)

ĐHCĐ thường niên 2015 của CTCP Thép Nam Kim (mã NKG) đã thông qua kế hoạch tăng 60% vốn điều lệ trong 2015, tương đương với 23,99 triệu cổ phiếu phát hành thêm. Ngoài 8% cổ phiếu thưởng cho năm 2014 và 2% ESOP đã được thực hiện, thì 20 triệu cổ phiếu còn lại dự kiến được chào bán riêng lẻ cho cổ đông chiến lược.

Tuy nhiên, nghị quyết HĐQT ngày 18/11/2015 đã thông qua việc huỷ đợt phát hành cho cổ đông chiến lược này. Thay vào đó, NKG sẽ xin ý kiến của ĐHCĐ về phương án phát hành 6,14 triệu cổ phiếu để tăng vốn từ nguồn vốn chủ sở hữu, tỷ lệ 14% trong tháng 12/2015; và phát hành 50 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, tỷ lệ 1:1 trong năm 2016, với giá chào bán là 10.000 đồng/CP.

Như vậy, nếu cả 2 đợt phát hành mới này thành công, vốn điều lệ của NKG sẽ tăng lên 151% so với thời điểm cuối năm 2014, lên hơn 1.000 tỷ đồng. Toàn bộ vốn phát hành tăng thêm sẽ được tài trợ cho dự án nhà máy Nam Kim 3 mới.

Sản lượng bán hàng 9 tháng đầu năm 2015 tăng 19% so với cùng kỳ, trong đó sản lượng xuất khẩu tăng mạnh hơn nội địa với mức tăng trưởng 23%, đóng góp hơn 53% tổng sản lượng bán hàng trong kỳ của NKG.

Do ảnh hưởng bởi sự sụt giảm của giá nguyên liệu thép cán nóng (HRC) đầu vào, giá bán bình quân trong kỳ cũng điều chỉnh giảm, kéo theo doanh thu 9 tháng đầu năm 2015 giảm 10,4% so với cùng kỳ, còn 3.924 tỷ đồng. Tuy nhiên, nhờ giá nguyên liệu đầu vào giảm mạnh hơn, biên lợi nhuận gộp của NKG được cải thiện đáng kể từ mức 5,4% lên 8,2%. Nhờ đó, lãi ròng tăng mạnh gần 80% so với cùng kỳ, đạt 102,8 tỷ đồng.

NKG đặt kế hoạch 7.800 tỷ đồng doanh thu cho năm 2015, tăng gần 34% so với cùng kỳ, trên cơ sở giá HRC hồi đầu năm còn ở mức cao. Như đã đề cập trong phân tích trước, chúng tôi cho rằng kế hoạch doanh thu này là thách thức đối với NKG do giá bán trong năm chịu áp lực giảm dưới ảnh hưởng của giá nguyên liệu đầu vào.

Tính chung 9 tháng đầu năm 2015, NKG chỉ mới hoàn thành được 50% kế hoạch doanh thu 2015. Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, kế hoạch 135 tỷ đồng lãi ròng (tăng76% so với cùng kỳ) có vẻ khả thi hơn do biên lợi nhuận đang được cải thiện tốt. Kết thúc 9 tháng đầu năm 2015, NKG đã hoàn thành hơn 76% kế hoạch lợi nhuận cả năm.

NKG đang giao dịch ở mức PE kỳ vọng cho 2015 gần 5 lần, so với mức 6,9 lần của công ty đầu ngành trong lĩnh vực tôn mạ là HSG. Tuy nhiên, vẫn còn một số rủi ro tiềm ẩn từ: (1) tình hình cạnh tranh trong nước ngày một gia tăng, đặc biệt là từ hàng giá rẻ của Trung Quốc; (2) các biện pháp bảo hộ thương mại tại các thị trường xuất khẩu chính như Indonesia; và (3) đòn bẩy tài chính cao và khả năng còn gia tăng do nhu cầu vốn của dự án Nam Kim 3. Chúng tôi duy trì khuyến nghị nắm giữ đối với cổ phiếu NKG, với giá mục tiêu 15.200 đồng/CP.

5. BVH: Khuyến nghị mua vào

CTCK MayBank KimEng (MBKE)

CTCP Tập đoàn Bảo Việt (BVH - sàn HOSE) có đoạn điều chỉnh đáng kể từ đầu tháng 11, sau khi đã tăng mạnh trong cả tháng 10 trước đó.  

Đà điều chỉnh đưa đường giá quay lại gần hơn vùng hỗ trợ quan trọng, khu vực di chuyển của MA trung hạn và cũng là vùng đáy liền trước của cổ phiếu này.  

Phiên bật tăng hôm nay cho thấy sự phản ứng của giá ở gần khu vực hỗ trợ và điều này là chuyển biến tích cực.  

Thanh khoản của BVH đang trong giai đoạn yếu, cho thấy không có sự chú ý lớn của thị trường đối với hoạt động giao dịch cổ phiếu này.  

Ở khía cạnh tích cực, thanh khoản thấp như hiện nay khiến xác suất phá vỡ hỗ trợ không cao. Dù vậy ở chiều ngược lại, tốc độ tăng giá của BVH cũng sẽ khó mạnh mẽ.  

Chỉ báo kỹ thuật vẫn tích cực. MACD tuy có giảm nhưng vẫn nằm cao hơn đường 0 để cho nhìn nhận lạc quan về trung hạn. Các chỉ báo khác đa phần trong vùng trung tính và tích cực nhẹ.

Chiến lược đầu tư:  Nhà đầu tư có thể mua vào BVH quanh mức giá 57; Mục tiêu đầu tiên sẽ thử lại đỉnh cũ, mức 65.0 (+14.0%); Dừng lỗ tại: 53.0 (-7.0%).

Nhiều công ty chứng khoán đã sẵn sàng cho T+2
Hệ thống thanh toán chứng khoán giữ vai trò trọng yếu đối với sự an toàn, ổn định của hệ thống tài chính mỗi quốc gia và việc rút ngắn...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư